VƯỢT QUA “SỨC Ỳ” – THÁCH THỨC VỚI NGƯỜI TRẺ TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Với thế mạnh của mình, đoàn viên, thanh niên đang khẳng định vai trò tiên phong, xung kích trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số tại các địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, với trách nhiệm của lực lượng tiên phong, có một thực trạng tồn tại hiện nay là còn bộ phận đoàn viên, thanh niên “ngại” chuyển đổi, “ngại” sáng tạo; dễ nản chí trước những khó khăn, thách thức, yêu cầu mà công cuộc chuyển đổi số đang đặt ra…

Vượt qua “sức ỳ” của chính mình được coi là thách thức lớn nhất đối với người trẻ trong công cuộc đẩy mạnh chuyển đổi số. Thời gian qua, chuyển đổi số được xem là xu thế tất yếu ở tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực trạng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thực tế trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử còn rất thấp, Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh đã được trang bị nhưng chưa hoạt động thực chất, mới chỉ đầu tư một số thiết bị phần cứng, phần mềm điều hành vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, một số hệ thống chưa được triển khai đầy đủ theo quy định và hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông…

Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn tư duy theo thói quen triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ, nhưng chuyển đổi số lại đặt ra yêu cầu cao hơn, công nghệ hiện tại và nguồn nhân lực chưa thể bảo đảm thực hiện yêu cầu này; các nền tảng số còn chưa được triển khai đồng bộ, nhiều cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin còn chưa tích hợp, kết nối. Chưa kể, người dân vẫn còn thói quen nộp hồ sơ trực tiếp, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế…

Cùng ý kiến, đồng chí Vũ Trần Tùng Anh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Các cấp bộ Đoàn đã và đang quan tâm, xây dựng, phát triển hệ sinh thái số, trang bị kiến thức, kỹ năng cho đoàn viên, thanh niên, bao gồm các hoạt động tuyên truyền, tập huấn trực tuyến qua các phần mềm Zoom, Webex, các hội thảo, diễn đàn trực tuyến nâng cao năng lực và kỹ năng số cho các bạn trẻ. Tuy nhiên, “ngại” đổi mới là rào cản lớn nhất, kể cả với thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số.

Thực tế trong hoạt động hỗ trợ đoàn viên chuyển đổi số trong kinh doanh, sản xuất, phát triển kinh tế của Tỉnh đoàn, một số đoàn viên tham gia chỉ mang tính hình thức, phong trào, chưa chủ động nghiên cứu sâu, thông qua các gian hàng thực tế ảo tìm hiểu nhu cầu thị trường để tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu khách hàng và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm. Vì vậy, làm giảm hiệu quả của các chương trình hỗ trợ, ảnh hưởng đến các mục tiêu xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số của tỉnh. Ghi nhận tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có một thanh niên làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện Kim Bảng đã quảng bá, đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại Techfest247.com do Tỉnh đoàn Hà Nam kết nối, hỗ trợ; một thanh niên với mô hình sản xuất hoa công nghệ cao tại huyện Bình Lục đang trong quá trình tìm hiểu, thiết lập gian hàng.

Việc tiếp cận và tiếp thu chuyển đổi số cần có con người số, công dân số mà thanh niên là lực lượng dễ tiếp cận, tiếp thu nhất. Họ là nguồn nhân lực trẻ, năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với điều kiện mới, luôn khao khát được đóng góp, cống hiến vì sự phát triển chung của quê hương, đất nước. Vượt qua “sức ỳ” củabản thân, bứt phá trong tìm tòi sáng tạo, chủ động trong nghiên cứu, xung kích trong triển khai thực hiện… là những nhiệm vụ đang đặt ra với đoàn viên, thanhniên – nguồn nhân lực trẻ – “chìa khóa” của chuyển đổi số.