Thanh niên làm giàu trên mảnh đất quê hương

Những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền cùng với tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, nhiều đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã mạnh dạn xây dựng các mô hình khởi nghiệp để vươn lên làm giàu, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, đóng góp cho phát triển KT-XH của tỉnh.

Lãnh đạo Tỉnh Đoàn Quảng Ninh thăm xưởng chế biến sản phẩm trà hoa vàng tại HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ.

Anh Trương Thế Đô, sinh năm 1986, xã Đại Bình, huyện Đầm Hà, là thanh niên luôn mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Cuối năm 2017, nhận thấy tiềm năng về đất đai, địa phương lại có giống ngan sao Đại Bình khá nổi tiếng, anh Đô mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại và bắt tay vào nuôi ngan. Mới đầu, anh chỉ nuôi 300 con ngan giống để vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm. Dần dần, anh Đô tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi ngan với trên 1.000 con, mỗi tháng anh vào 2 đến 3 lứa ngan mới, mỗi lứa 200 đến 300 con. Tới nay, trung bình mỗi năm, gia đình anh xuất bán ra thị trường khoảng 10 tấn ngan thương phẩm. Sau khi trừ chi phí, gia đình có lãi trên 200 triệu đồng/năm.

Năm 2019, với tinh thần tuổi trẻ “dám nghĩ, dám làm”, nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch của thị trường rất được ưa chuộng, anh Đô tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, bắt tay vào đầu tư xây dựng khu trồng dưa lưới công nghệ cao. Anh đầu tư khu nhà màng với diện tích trên 1.000m2 trồng dưa lưới. Dưa phát triển tốt, cho thu hoạch với trọng lượng khoảng 1,5kg/quả. Đến nay, việc trồng dưa lưới trong nhà màng của anh đang cho triển vọng tốt.

Không chỉ thành công với mô hình nuôi ngan sao và trồng dưa lưới, cuối năm 2019, được sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Đầm Hà, anh Đô đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình trồng măng tây trên 6.000m2.  Hiện tại, cây măng tây đang phát triển tốt, đem lại lợi ích kinh tế cao. Anh Đô cho biết: Ngoài việc nuôi ngan, trồng dưa, măng tây thì tôi cũng đang nuôi giun quế làm thức ăn phục vụ chăn nuôi và tạo nguồn phân hữu cơ phục vụ trồng các sản phẩm nông nghiệp sạch của gia đình. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để có thể mở rộng thêm các sản phẩm liên kết và phụ trợ mới trên cơ sở nền tảng sản phẩm sẵn có để tăng gia sản xuất.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của anh Trương Thế Đô, xã Đại Bình, huyện Đầm Hà.

Trên tinh thần tuổi trẻ đoàn kết, sáng tạo, xung kích, nhiều mô hình liên kết sản xuất do thanh niên làm chủ trên địa bàn tỉnh cũng đã phát huy được hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như, mô hình HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ. Đây là mô hình được Huyện Đoàn Ba Chẽ định hướng và thành lập từ tháng 8/2020, với 7 thành viên cùng nhau lên ý tưởng, vay vốn đầu tư, vận hành các quy trình thu mua, sản xuất. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống từ cây trà hoa vàng, như hoa, lá khô, HTX đã nghiên cứu đưa ra thị trường một số sản phẩm mới, như: Bột matcha trà hoa vàng, bánh trà hoa vàng, nước uống từ trà hoa vàng. Những sản phẩm này đã được người tiêu dùng đón nhận, mang lại doanh thu ổn định cho HTX.

Hay như mô hình HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp và nông nghiệp do thanh niên làm chủ tại xã Dương Huy, TP Cẩm Phả, cũng đang dần phát huy được tác dụng. HTX được thành lập từ năm 2016 với số lượng ban đầu 8 thành viên, ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính chủ yếu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi. Tới nay, HTX đã có 12 thành viên, với các sản phẩm chính gồm: Mật ong Dương Huy, cam Dương Huy, gà Dương Huy, bánh lồng gà Dương Huy. Bắt đầu từ năm 2022, HTX đã phát triển thêm lĩnh vực nuôi vịt bầu cánh trắng thương phẩm, thả nuôi thí điểm ốc bươu đen thương phẩm và triển khai các dịch vụ ăn uống, câu cá kết hợp với du lịch trải nghiệm vườn cam, vườn hoa sim… Tới nay, HTX đang là cầu nối để các hộ gia đình và thanh niên trẻ trong xã mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường phát triển kinh tế.

Tỉnh Đoàn Quảng Ninh thăm mô hình HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp và nông nghiệp do thanh niên làm chủ tại xã Dương Huy, TP Cẩm Phả.

Theo thống kê của Tỉnh Đoàn Quảng Ninh, trong giai đoạn 2017-2022, đoàn thanh niên các cấp tổ chức, triển khai hoạt động hỗ trợ cho 226 mô hình kinh tế thanh niên làm chủ. Thành lập, duy trì 467 HTX, tổ hợp tác, CLB thanh niên giúp nhau làm kinh tế. Qua đó, dư nợ vốn vay do tổ chức đoàn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 363 tỷ đồng.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế của các mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên, Bí thư Tỉnh Đoàn Hoàng Văn Hải cho biết: Thời gian qua, đã có rất nhiều mô hình kinh tế được thanh niên mạnh dạn đầu tư, phát triển trên địa bàn tỉnh. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao, giúp cho thanh niên vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Thời gian tới, Tỉnh Đoàn tiếp tục thực hiện nhiều hơn nữa các hoạt động hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, tạo công ăn việc làm ổn định; hỗ trợ các nguồn vốn vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội… Qua đó, giúp lực lượng thanh niên tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, xung kích chủ động trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương.

Minh Đức