Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp từ thanh toán không dùng tiền mặt

Có thể thấy rõ, với việc thực hiện đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025, đến nay hạ tầng thanh toán theo hình thức này được đầu tư mạnh mẽ…

Các sở, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các website, mạng xã hội, tổ chức hội nghị tuyên truyền, hoặc lồng ghép trong các chương trình triển khai nghiệp vụ riêng. Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Công an tỉnh và Trung tâm Truyền thông tỉnh thường xuyên phối hợp tuyên truyền về những giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán điện tử; cảnh báo các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm công nghệ cao và hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa.

Nhân viên Viettel Quảng Ninh hướng dẫn các tiểu thương chợ Hạ Long 1 đăng ký và sử dụng ứng dụng Viettel Money để thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Ảnh: Minh Hà

Để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại đẩy mạnh thực hiện dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phủ rộng trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số toàn diện của tỉnh, bảo đảm hạ tầng kết nối phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các dịch vụ trung gian thanh toán; triển khai xóa vùng lõm sóng điện thoại, Internet cáp quang…

Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng 54/54 trạm phủ lõm sóng cho 66 thôn, bản, nâng tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động đạt 100% tại các khu dân cư trên địa bàn; hoàn thành cung cấp dịch vụ đến 97/113 thôn, bản về hạ tầng Internet cáp quang băng thông rộng cố định theo Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 14/1/2022 về phủ sóng di động, cáp quang vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Về phía các ngân hàng thương mại đã triển khai các chính sách, giải pháp nhằm khuyến khích khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt như giảm phí dịch vụ, liên tục cập nhật công nghệ mới để đem lại trải nghiệm tốt hơn trên ứng dụng ngân hàng… Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền, nhất là thanh toán điện tử.

Đặc biệt, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tiếp tục được nâng cấp theo hướng tập trung, hiện đại, đóng vai trò là hệ thống thanh toán xương sống quốc gia, kết nối với các hệ thống khác trong nền kinh tế.

Cán bộ XN Nước Hồng Gai (Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh) hướng dẫn người dân tổ 30B, khu 3, phường Cao Thắng, thanh toán hóa đơn trực tuyến bằng điện thoại. Ảnh: Minh Đức

Hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán thẻ tiếp tục được cải thiện, nâng cao chất lượng. Đến nay, trên địa bàn có 418 máy ATM, 2.347 máy POS, với 2.101 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại hầu hết các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn và tiếp tục mở rộng ra các cơ sở y tế, trung tâm phục vụ hành chính công, trường học…

Phương thức thanh toán qua QR Code đã được ứng dụng và triển khai rộng rãi, nhằm thúc đẩy, khuyến khích thanh toán qua thiết bị di động phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới và hành vi người tiêu dùng. Tính đến ngày 31/3/2023, trên địa bàn tỉnh có 2,8 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có trên 2 triệu tài khoản đang hoạt động.

Việc triển khai dịch vụ Mobile money thực hiện theo Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các giao dịch, mua sắm hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ cũng đang được triển khai mạnh mẽ.

Hiện toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp viễn thông được phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile money là: Viettel, Mobifone và VNPT chi nhánh Quảng Ninh. Đến hết tháng 3/2023, trên địa bàn có 657.035 tài khoản Mobile money. Doanh số thanh toán qua Mobile money tại VNPT trong quý I/2023 là 4,4 tỷ đồng.

Khách hàng và các tiểu thương giao dịch trực tuyến không dùng tiền mặt qua mã QR tại chợ Hạ Long 2. Ảnh: Minh Hà

Các địa phương của tỉnh chú trọng vận động người dân, doanh nghiệp phát triển điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Tính đến hết quý I/2023, TP Hạ Long đã triển khai nhân rộng mô hình chợ 4.0 tại tất cả các chợ trên địa bàn. 6 địa phương khác là: Cẩm Phả, Uông Bí, Cô Tô, Móng Cái, Vân Đồn, Bình Liêu cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình này.

Theo đó, các ngân hàng thương mại chủ động phối hợp với UBND địa phương, Ban Quản lý chợ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số; hướng dẫn các hộ kinh doanh tại chợ mở và sử dụng tài khoản thanh toán, tạo mã QR để thuận tiện cho việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua tài khoản ngân hàng.

Về phía các đơn vị cung ứng dịch vụ (trung tâm hành chính công, Công ty CP Nước sạch; Công ty Điện lực; các cơ sở y tế, giáo dục…) tiếp tục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông tin với các đơn vị trung gian thanh toán đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, doanh nghiệp. Cục Thuế tỉnh tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép người nộp thuế thực hiện giao dịch và thanh toán điện tử; BHXH tỉnh tiếp tục hướng dẫn các đối tượng thụ hưởng lương hưu, BHXH, BHTN nhận chi trả qua tài khoản…

Việc đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đã dần hình thành thói quen bước đầu của người dân, doanh nghiệp về thanh toán không dùng tiền mặt trong mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ và sử dụng dịch vụ hành chính công, góp phần hình thành xã hội số toàn diện trên địa bàn.

Thu Nguyệt