Di tích thắng cảnh Yên Tử “thu nhỏ trong một tiết thực hành”

Học sinh trường THPT Uông Bí đã thể hiện khả năng tìm tòi và làm việc nhóm tuyệt vời khi được thỏa sức sáng tạo với chuyên đề “Trải nghiệm Yên Tử – hành trình về miền non thiêng”. 

Như chúng ta đã biết, giáo dục Việt Nam đang ngày càng chú trọng tới sự chủ động, sáng tạo và tự học của các bạn học sinh, sinh viên. Cùng với đó là việc khơi gợi tình yêu, lòng tự hào đối với văn hóa, lịch sử đất nước. Vì thế nên trong chương trình giảng dạy, các thầy cô luôn chú trọng những chuyên đề về “Di sản văn hóa”. Điều này là để học sinh có thêm kiến thức bổ ích và niềm tự hào về các di tích, văn hóa cũng như tín ngưỡng của dân tộc.

Hiểu được điều này, giáo viên trường THPT Uông Bí đã phát triển tiết học này trở thành một chuyên đề trải nghiệm. Tại đây, các bạn học sinh đã có cơ hội thỏa sức tìm hiểu, sáng tạo và thuyết trình về các sản phẩm với chủ đề: “Bảo tồn và phát huy những giá trị của khu di tích danh thắng Yên Tử”.

Yên Tử được biết đến là khu di tích lịch sử và danh thắng nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Vì vậy mà học sinh trường THPT Uông Bí có thể yêu và tự hào hơn về mảnh đất quê hương, nơi mà chính mình được sinh ra và lớn lên.

Một tác phẩm ấn tượng về khu di tích Yên Tử được thực hiện bởi nhóm học sinh trường THPT Uông Bí.

Cụ thể, cô Nguyễn Thị Hương Lan – giáo viên bộ môn lịch sử trường THPT Uông Bí đã chia sẻ: “Chuyên đề này đã được diễn ra trong 5 tiết học. Trong số đó, 4 tiết học là thời gian để học sinh tìm hiểu, thảo luận và thiết kế các mô hình, sản phẩm theo chủ đề, dưới sự giám sát và hướng dẫn của các thầy cô. Tiết học cuối cùng là thời gian để các bạn thuyết trình thành quả nghiên cứu, làm việc của nhóm mình cũng như chia sẻ kiến thức, hiểu biết về khu di tích Yên Tử”.

Buổi chuyên đề có sự tham gia của 4 lớp khối 11, mỗi lớp chia thành 4 nhóm nhỏ, mỗi nhóm có nhiệm vụ hoàn thành 3 sản phẩm khác nhau. Các sản phẩm bao gồm: Mô hình các kiến trúc tiêu biểu, tranh vẽ danh nhân nổi tiếng và ít nhất một món ăn đặc trưng của vùng núi Yên Tử. Tất cả đều được diễn ra dưới sự giám sát và hướng dẫn tỉ mỉ, cẩn thận của giảng viên bộ môn. Tổng cộng, đã có 48 sản phẩm được các bạn học sinh hoàn thành.

Một số đặc sản Yên Tử được học sinh THPT Uông Bí chuẩn bị: Bánh bạc đầu, rượu mơ, bánh chè lam, tinh dầu Trầu Tiên Yên Tử.

Sức sáng tạo, khả năng làm việc nhóm của các bạn đã gây bất ngờ không chỉ cho các thầy cô giáo, bậc phụ huynh mà còn cho những người có cơ hội chiêm ngưỡng tác phẩm. Một số mô hình tiêu biểu có thể kể đến như: Quần thể chùa Lân, Quần thể chùa và suối Giải Oan, Quần thể vườn tháp Tổ và chùa Hoa Yên, chùa Đồng và hệ thống Cáp treo Yên Tử,… Đặc biệt, các mô hình đều được làm từ nguyên liệu tái chế như bài cứng, giấy vụn, vỏ lon… Điều này nhằm giáo dục các bạn học sinh văn hóa bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải, tận dụng những thứ tưởng chừng như đã bỏ đi ngay xung quanh mình.

Chùa Đồng và hệ thống Cáp treo Yên Tử – nhóm 4 – A7K56 – trường THPT Uông Bí.
Mô hình quần thể chùa và suối Giải Oan – nhóm 2 – A7K56.

Tiếp theo đó là tranh vẽ các nhân vật nổi tiếng, gắn liền với lịch sử và văn hóa nước nhà như: Phật hoàng Trần Nhân Tông, đệ nhị tổ Pháp Loa, đệ tam tổ Huyền Quang. Từng nét vẽ như thể hiện sự tôn kính và lòng ngưỡng mộ, gửi tới những danh nhân văn hóa của dân tộc.

Mô hình quần thể kiến trúc và tranh Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Cuối cùng chính là những món ăn độc đáo, hấp dẫn và đặc trưng của vùng núi Yên Tử dưới bàn tay chế biến của các bạn học sinh. Được biết, có những món các bạn còn chưa hề được ăn hay nhìn thấy mà hoàn toàn dựa trên sự tìm hiểu, mày mò và sáng tạo. Có thể kể đến như: Canh gà nấu rượu Bâu, cơm tẻ ăn cùng măng trúc xào thịt bò… Món nào cũng thơm ngon và được trình bày khéo léo và đẹp mắt.

Cơm tẻ ăn cùng măng trúc xào thịt bò – nhóm 4 – A5 K56 – trường THPT Uông Bí.

Tổng kết lại, 5 tiết học thuộc chuyên đề “Trải nghiệm Yên Tử hành trình về miền non thiêng” đã diễn trong không khí vui vẻ, phấn khởi của thầy và trò trường THPT Uông Bí. Chuyên đề giúp các bạn học sinh thư giãn sau những tiết học căng thẳng nhưng vẫn mang đầy tính giáo dục, nhân văn. Các bạn học sinh đã thêm yêu và quý trọng di tích địa phương cũng như cảm nhận được trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc.

Buổi chuyên đề còn giúp các bạn phát triển nhiều kỹ năng bổ ích như: Tìm kiếm, tra cứu thông tin, trao đổi và làm việc nhóm hay thuyết trình trước đám đông. Điều này hoàn toàn phù hợp với triết lý lấy học sinh làm trung tâm của giáo dục Việt Nam hiện nay cũng như trong những năm tới. Hy vọng rằng những tiết học bổ ích và nhiều giá trị như vậy sẽ được nhân rộng nhiều hơn trên khắp cả nước.

Thu Hương/TTTT Uông Bí