Tư tưởng không thông “mang bình tông” không nổi

Hiện nay, có ý kiến cho rằng, Đảng ta chỉ “loay hoay với vấn đề kinh tế và cán bộ”, “ít quan tâm đến công tác tư tưởng” nên định hướng nhận thức, tạo dư luận và sự đồng thuận xã hội còn nhiều vấn đề chưa tốt, dẫn đến “những lộn xộn không đáng có trong xã hội”, làm cho tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tràn lan, triển khai công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 không hiệu quả, gây tốn kém công sức, tiền thuế của dân. Thực hư quan điểm này như thế nào, thực tiễn lãnh đạo công tác tư tưởng của Đảng về cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sẽ nói lên tất cả.

Chúng ta đều biết công tác tư tưởng có vai trò đặc biệt quan trọng, là lĩnh vực trọng yếu, thường xuyên trong công tác lãnh đạo, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với ý nghĩa là hoạt động lãnh đạo của Đảng, công tác tư tưởng luôn xung kích đi đầu và trực tiếp nâng cao trình độ nhận thức, lý luận và ý thức tự giác cách mạng của nhân dân, giúp họ nắm chắc tình hình, chủ động, tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội, công tác quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch. Từ trước đến nay, Đảng ta đều xác định công tác tư tưởng là vũ khí sắc bén, “công cụ nhận thức” hiệu quả để thống nhất nhận thức và hành động, là bộ phận trực tiếp xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trước sự tác động nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, nhất là những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, làm cho tình hình tư tưởng của một bộ phận nhân dân có những băn khoăn, lo lắng, thậm chí có người suy nghĩ tiêu cực; đó là điều khó tránh khỏi. Do đó, công tác tư tưởng của Đảng càng trở nên đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa thời sự cấp bách trong ổn định tư tưởng, tình hình, tạo sự thống nhất và đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; phòng, chống dịch Covid-19 và tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện mới cũng như phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ý kiến cho rằng, Đảng ta “không quan tâm đến công tác tư tưởng, lý luận” là không xác đáng, phiến diện, một chiều. Thực tế chỉ ra rằng, qua các kỳ đại hội Đảng và trước các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, Đảng ta đều có nghị quyết, chỉ thị, kết luận quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng, nhận thức và hành động. Với việc ban han hành Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 01-8-7007 của của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09-10-2014 của Bộ Chính trị khóa XI về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 và Bộ Chính trị khóa XI ban hành Quy định số 285-QĐ/TW ngày 25-02-2015 về “dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, nhà nước”, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW trong tình hình mới, là những minh chứng sinh động bác bỏ quan điểm sai trái, lệch lạc của một số người có quan điểm đối lập với Đảng ta. Sự ra đời kịp thời các văn bản của Đảng về công tác tư tưởng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc định hướng nhận thức và hoạt động lý luận, phát triển tư tưởng; thể hiện rõ vai trò đi trước, mở đường của công tác tư tưởng, lý luận trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhìn lại chặng đường đổi mới và kết quả công tác tư tưởng của Đảng trong những năm qua, chúng ta tự hào vì những thành tựu to lớn đã đạt được, những đóng dóp đáng trân trọng và khích lệ của công tác tư tưởng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động tư tưởng được đẩy mạnh, thực hiện đồng bộ và toàn diện hơn bằng nhiều hình thức, biện pháp, trên nhiều lĩnh vực, đã thu hút nhiều đối tượng tham gia. Nhờ đó đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự nhất trí cao giữa ý Đảng – lòng dân và sự khởi sắc của công tác tư tưởng đã giúp cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ có nhận thức sâu sắc hơn về bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đồng tình với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Qua khó khăn, thử thách, phần đông cán bộ, đảng viên, chiến sĩ vẫn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu. Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sau 5 năm thực hiện đã thu được những kết quả khích lệ. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ ngơi, tiền đồ, uy tín và vị thế quốc tế to lớn như ngày nay. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới hơn 35 năm qua đã củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Ai đó đã có cái nhìn phiến diện, một chiều theo kiểu “chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng” thật là đáng trách, rất cần phải chỉnh đốn. Khi xem xét, đánh giá tình hình đất nước và công tác tư tưởng của Đảng cần có thái độ xem xét một cách khách quan, toàn diện, cụ thể, lịch sử, thực tiễn và phát triển thì mới tránh được sai lầm.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, tôn trọng khách quan, chúng ta thấy rằng, bên cạnh những mặt tích cực, tiến bộ nêu trên, công tác tư tưởng của chúng ta vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Đó là tình hình tư tưởng, tâm trạng ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn thiếu phấn khởi, còn có băn khoăn, lo lắng; niềm tin vào thắng lợi của công cuộc đổi mới ở một bộ phận người dân chưa thật vững chắc. Tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội có lúc, có nơi còn nghiêm trọng, là nguy cơ lớn đối với sự ổn định và thực hiện tiến bộ, an sinh xã hội. Hiện nay, do tác động của đại dịch Covid-19 nên nền kinh tế nước ta tuy có tăng trưởng (2,5% GDP năm 2021) nhưng chưa thật vững chắc. Điều đó ảnh hưởng đến việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và có tác động đến diễn biến tư tưởng của nhân dân. Tâm trạng xã hội còn nhiều nỗi lo: Lo ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhất là vụ án Việt Á với nhiều khuất tất gây phiền lòng dân; những bất ổn trên Biển Đông, lo lắng về sự tụt hậu, thua kém, yếu thế của Việt Nam trong cạnh tranh với nước ngoài; lo thất nghiệp tăng; lo giá các loại sản phẩm hàng hóa, nhất là nông phẩm và thủy sản sút giảm, nhiều loại cây trồng được mùa nhưng giá rẻ, hoặc không tiêu thụ được, lo tệ nạn tham nhũng, tiêu cực gây hại cho đất nước, v, v..

Trong nội bộ cán bộ, đảng viên có biểu hiện thiếu phấn khởi trước những tiêu cực và tê nạn xã hội chậm được khắc phục. Tâm trạng xã hội lo lắng vì một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thể hiện rõ sự hữu khuynh, quan liêu, mất dân chủ, cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương; bệnh hình thức và hiện tượng chạy chức, chạy quyền diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp. Đâu đó vẫn có người băn khoăn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, có người vô tình hoặc hữu ý bị bọn phản động lợi dụng ngấm ngầm hoặc công khai tuyên truyền quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống đối chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Có người lợi dụng dân chủ để khiếu kiện vượt cấp gây nên bất ổn định ở một số địa phương. Đây là “mảnh đất mầu mỡ” để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị gây rối, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ không thể coi thường.

Những vấn đề nêu trên có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ quan vẫn là chính yếu. Chúng ta ý thức rõ rằng trong những hạn chế, yếu kém của công tác tư tưởng, có mặt có thể khắc phục ngay, có mặt phải có thời gian mới dần dần khắc phục được. Công tác tư tưởng là công tác rất sáng tạo nên phải có sự đổi mới liên tục, thường xuyên để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng. Nội dung chủ yếu của công tác tư tưởng hiện nay là nghiên cứu, quán triệt sâu sắc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà trước hết là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Để tạo nên sự thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, sức chiến đấu của công tác tư tưởng trong tình hình mới, góp phần đập tan các quan điểm lệch lạc, sai trái về công tác tư tưởng của Đảng, chúng ta cần tập trung vào một số việc chính sau:

(1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, của Ban Tuyên giáo Trung ương đối với công tác tư tưởng trong tình hình mới. Để công tác tư tưởng của Đảng thực sự đạt hiệu quả thì đội ngũ cán bộ, đảng viên phải trực tiếp, tự giác và tích cực tham gia công tác này; làm cho công tác tư tưởng luôn có vị trí hàng đầu, thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, toàn dân và toàn quân, quyết tâm đưa nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng vào cuộc sống. Muốn vậy, Đảng phải đổi mới phong cách lãnh đạo, nhất là đổi mới phương thức ra nghị quyết, tuyên truyền và đưa nghị quyết vào cuộc sống, tổng kết lý luận – thực tiễn.

Vì vậy, các cấp ủy đảng và từng cán bộ, đảng viên đặc biệt quan tâm công tác tổng kết thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng, khẩn trương bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy chế làm việc của các cơ quan, bộ máy làm công tác tư tưởng. Các cấp ủy đảng và mỗi cán bộ, đảng viên làm công tác tư tưởng phải tiếp tục đổi mới phong cách, tác phong, lề lối làm việc, có những đóng góp cụ thể, thiết thực vào công việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động, tích cực điều chỉnh, uốn nắn, phòng ngừa, không để nảy sinh các quan điểm lệch lạc, sai trái trong cơ quan, đơn vị; trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp chống đối, xuyên tạc, hạ thấp vai trò các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

(2) Đổi mới nội dung, hình thức công tác tư tưởng, mở rộng dân chủ, giữ vững định hướng chính trị trong công tác tư tưởng. Tích cực đổi mới phương thức hoạt động của công tác tư tưởng, làm cho tư tưởng nhạy bén hơn, sinh động hơn, nội dung hấp dẫn và có hình thức phù hợp hơn. Tăng cường đối thoại với nhân dân, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác tư tưởng. Kịp thời giải quyết những vướng mắc về nhận thức tư tưởng, không để tồn đọng những bất bình, bức xúc, tâm trạng nặng nề, ấm ức trong nhân dân, không để xảy ra “điểm nóng”. Thực hiện sự liên kết rộng lớn, chặt chẽ trong việc gắn công tác tư tưởng với các công tác khác để đi sâu nghiên cứu, tìm ra chân lý, bảo vệ chân lý, công bằng và lẽ phải. Chú trọng xây dựng mối đoàn kết, tình thân ái, dân chủ, cởi mở, bình đẳng, thân thiện và có nguyên tắc, tránh áp đặt, định kiến, quy chụp. Khuyến khích thảo luận, tranh luận, tự do phát biểu ý kiến cá nhân trên tinh thần tự phê bình và tự bình nghiêm túc, tôn trọng các ý kiến cá nhân, các ý kiến còn chưa thật thống nhất nhưng phải có động cơ đúng, xây dựng và thống nhất trong hành động khi thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

(3) Đẩy mạnh nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, đấu tranh chống mọi quan điểm sai trái, lệch lạc. Thực tiễn cuộc sống xã hội tác động làm nảy sinh tư tưởng của con người. Nhiệm vụ của các cấp ủy, tổ chức đảng và người làm công tác tư tưởng là thường xuyên đi sâu nghiên cứu thực tiễn để nhận rõ những yếu tố tác động đến tư tưởng quần chúng; tìm ra những vấn đề có tính quy luật của sự hình thành tư tưởng trong đời sống hàng ngày. Các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên làm công tác tư tưởng phải coi trọng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là nhiệm vụ thường xuyên của mình, lấy căn cứ khoa học để phân tích, làm sáng rõ các vấn đề nảy sinh tư tưởng để giáo dục, thuyết phục người khác. Nghiên cứu tổng kết thực tiễn là phương pháp cơ bản để đúc kết, khái quát lý luận nâng cao nhận thức; là cách thức để khắc phục chủ nghĩa giáo điều, sự yếu kém, lạc hậu, xa rời thực tiễn, xa dân. Công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là thực tiễn lớn nhất để chúng ta tổng kết. Qua tổng kết “mắt thấy, tai nghe, tay làm” mà bổ sung, sửa đổi, đưa đường lối, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và góp phần đưa hơi thở cuộc sống vào nghị quyết.

(4) Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng ngang tầm nhiệm vụ mới. Đội ngũ cán bộ, đảng viên chuyên trách, làm công tác tư tưởng có vai trò, vị trí rất quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Vì vậy, chúng ta cần đầu tư hơn nữa cho công sức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng: đủ về số lượng, đa dạng về loại hình, ngành nghề, mạnh về chất lượng, bao gồm những người có lập trường kiên định, vững vàng, có trình độ chính trị và kiến thức chuyên môn cơ bản, có tư duy sáng tạo, sắc sảo; giàu tâm huyết, trí tuệ, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn và nghiệp vụ, có đạo đức, phẩm chất, nhiệt tình, say mê công tác, gắn bó mật thiết với nhân dân, với đời sống xã hội. Đây vừa là yêu cầu khách quan, cấp bách, vừa là giải pháp cơ bản, lâu dài để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng hiện nay; là cơ sở, nền tảng vững chắc để ngăn chặn, đẩy lùi các quan điểm sai trái, thù địch, làm nhiễu loạn công tác tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới./.

Theo Huongsenviet.com