Một số kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái trên không gian mạng của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh

Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá cách mạng nước ta trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Chúng sử dụng không gian mạng, thông qua các trang mạng xã hội, với những nội dung xuyên tạc lịch sử, phủ nhận những thành quả cách mạng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam… Chúng triệt để lợi dụng các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, các vấn đề xã hội nổi cộm (như: ô nhiễm môi trường; tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai; tình hình tội phạm, tệ nạn…) và những khó khăn, bức xúc trong đời sống xã hội: tung ra nhiều tài liệu, ấn phẩm, bài viết, video clip phản động nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; cổ súy các hành vi “bất tuân dân sự”, kích động quần chúng Nhân dân thiếu hiểu biết tham gia tụ tập đông người, biểu tình gây mất ổn định chính trị để tập dượt cho cuộc “cách mạng màu”, tạo cớ kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng, các thế lực thù địch thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, các ấn phẩm văn hóa để phá hoại trận địa tư tưởng. Thông qua một số chương trình hợp tác về văn hóa, xã hội và giáo dục của Việt Nam để tạo ảnh hưởng, qua đó tạo “quyền lực mềm”, tuyên truyền và đưa các hình thức, sản phẩm văn hóa đặc trưng của nước ngoài nhằm gây ảnh hưởng, thẩm thấu, tác động vào tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, cán bộ nguồn, cán bộ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt… Bên cạnh các hoạt động phá hoại nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và việc chỉ đạo, định hướng điều chỉnh, thay đổi hình thức hoạt động chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch còn hậu thuẫn, hỗ trợ về tài chính, huấn luyện, đào tạo cho các đối tượng phản động trong và ngoài nước, đồng thời can thiệp đòi trả tự do cho số đối tượng vi phạm pháp luật bị Việt Nam bắt, xử lý và cổ vũ, kích động các đối tượng phản động, chống đối chống phá quyết liệt hơn. Để góp phần đấu tranh chống các quan điểm thù địch, sai trái trên không gian mạng, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về công tác này trong Đảng bộ và lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh; tổ chức tập huấn cho cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị về phương pháp, biện pháp hoạt động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cùng với đó, Đảng ủy Quân sự tỉnh thường xuyên quan tâm kiện toàn, sửa đổi, bổ sung về quy chế hoạt động; rà soát, kiện toàn bộ phận đấu tranh chuyên sâu, tổ thư ký giúp việc. Triển khai cho đội ngũ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng. Bộ phận giúp việc tiếp nhận thông tin và định hướng về các tin, bài tuyên truyền, phương pháp, biện pháp đấu tranh, phản bác các đối tượng phản động, thù địch,… Các cơ quan, đơn vị xây dựng các trang, nhóm tuyên truyền công khai các hoạt động về văn hóa, kinh tế xã hội, nhất là kịp thời thông tin các vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Trong đó, nổi bật như trang “Đường chúng ta đi” đã thu hút hàng vạn lượt người theo dõi, bình luận, tương tác; thường xuyên theo dõi các hoạt động trên internet, báo điện tử, blog, các trang mạng xã hội,.. đặc biệt các tin, bài tiêu cực có liên quan đến LLVT, kịp thời báo cáo cấp trên và triển khai ngăn chặn kịp thời, không để lộ, lọt, phát tán rộng trên không gian mạng… Từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái trên không gian mạng trong thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm: Một là,  thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái trên không gian mạng. Tập trung quán triệt chỉ thị của Đảng, các văn bản chỉ đạo của cấp trên, các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông; nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp trong đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái trên không gian mạng. Hai là, đổi mới phương pháp tiếp cận, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên; bám sát tình hình, xử lý thông tin nhanh, gọn, hiệu quả. Trước các vấn đề nảy sinh trong xã hội, cần làm tốt việc cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, nhằm phòng ngừa, giảm tối đa những hệ lụy có thể xảy ra. Thực hiện tốt phương châm: “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “dùng tích cực để đẩy lùi tiêu cực”, lấy “xây” để “chống”. Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng dư luận, kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc. Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động trong tự phòng, chống tác động tiêu cực của việc sử dụng không gian mạng; bổ sung, hoàn thiện nội dung, phương thức đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái trên không gian mạng. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi nội dung, phương thức đấu tranh cũng phải từng bước hoàn thiện cho phù hợp. Trong đấu tranh cần có hình thức đa dạng, phong phú biện pháp cụ thể, sáng tạo. Không gian mạng sẽ còn tiếp tục có những ảnh hưởng sâu rộng đối với mọi mặt của đời sống con người. Bên cạnh những tác động tích cực, còn có nhiều tác động tiêu cực. Vì vậy,  cần tiếp tục có các giải pháp phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, góp phần thiết thực trong đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái trên không gian mạng hiện nay.

                                                                                        Anh Huỳnh Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh