Tăng cường truyền thông chủ động trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội

Hiện nay, có thể nói, báo chí và mạng xã hội là hai loại hình truyền thông tiếp cận được đông đảo công chúng nhất, có sự tác động mạnh mẽ nhất trong hệ thống các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và sự bùng nổ mạng internet, mạng xã hội… bao trùm trên phạm vi toàn cầu, thì vấn đề làm chủ thông tin càng được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Mạng xã hội (MXH) có số người sử dụng rất lớn, thông tin được chia sẻ tức thời, đa dạng về hình thức và mang tính cá biệt, sự tương tác cao. Trên MXH, công chúng cảm thấy thoải mái và thực sự được lắng nghe. Với khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, MXH có sự kết nối, chia sẻ thông tin rất hiệu quả với báo chí. Các tương tác có thể đo đếm thông qua các bình luận, lượt chia sẻ, lượt bày tỏ cảm xúc, lượt xem…

MXH liên tục được cải tiến, thêm nhiều tính năng hữu ích. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã làm tốt công tác cung cấp thông tin cho báo chí, thông qua việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, thường xuyên rà soát danh sách người phát ngôn của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh, cung cấp cho các cơ quan báo chí; tổ chức các Hội nghị thông tin báo chí hằng tuần, hằng tháng; các cuộc họp báo sau mỗi cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh và khi có những sự kiện lớn, có sự tác động đến đông đảo công chúng. Trên MXH, tỉnh cũng đã triển khai hệ thống các trang fanpage DDCI của tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Đây là nguồn tư liệu để báo chí phản ánh chân thực, khách quan nhất các vấn đề công chúng quan tâm, đánh giá được bức tranh toàn cảnh về công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh, những thành tựu nổi bật mà Quảng Ninh đạt được. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên theo dõi, nhận diện, xử lý thông tin xấu, độc trên internet, MXH; hoạch định các giải pháp kỹ thuật bảo đảm chủ động, hiệu quả trong quản lý truyền thông MXH. Kịp thời phát hiện những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội ngay khi mới xuất hiện, và có những biện pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Trong 7 tháng đầu năm 2020, Quảng Ninh đã xử lý 57 trường hợp đưa tin sai sự thật gây lo lắng, hoang mang trong dư luận, trong đó 27 trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng; 30 trường hợp bị triệu tập lên cơ quan chức năng, để tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục.

Việc chủ động ngăn chặn hiểm họa từ mặt trái của MXH đã trở thành yêu cầu cấp thiết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả.

Theo đó, các cấp, ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật cho mỗi người khi sử dụng mạng xã hội. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định, vì sự lệch lạc trong nhận thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ dẫn đến ngộ nhận, sai lầm trong hành vi.

Để giành thế chủ động trước truyền thông xã hội, từng bước thực hiện hiệu quả vai trò giám sát, phản biện kịp thời, trung thực, toàn diện các lĩnh vực hoạt động, các cơ quan, tổ chức từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục xây dựng, củng cố và mở rộng lực lượng đấu tranh trên không gian mạng, nhất là lực lượng chuyên trách tinh gọn, đủ mạnh; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin, trang bị phương tiện phù hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nắm tình hình, rà soát, tổng hợp, nhận định xu thế, mức độ ảnh hưởng của các thông tin trên báo chí và MXH; tận dụng lợi thế của không gian mạng để nắm bắt, dự báo dư luận xã hội.

Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các Cổng thông tin điện tử thành phần các trang thông tin điện tử địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng và bổ sung thêm kênh thông tin tuyên truyền trên MXH, thiết lập các trang fanpage, nhóm chính danh của các cơ quan nhà nước trên các trang MXH để tạo thành các kênh truyền thông, thông tin chính thống.

Thường xuyên thông tin những sự kiện chính trị, các quyết sách quan trọng của ngành, đơn vị, địa phương, của tỉnh. Cùng với đó, cần có những bài viết chuyên sâu về những lĩnh vực, nội dung công chúng quan tâm để đưa ra những nhận định khoa học, toàn diện, đúng với bản chất của hiện tượng, qua đó nâng cao nhận thức của công chúng, phản bác lại những tin giả, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cũng như có những nhận xét chính xác, khách quan nhất đối với mỗi thông tin tiếp nhận được trên MXH.

Bên cạnh việc biểu dương người tốt, đưa thông tin tốt, cần phê phán, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân đưa tin sai sự thật trên các trang MXH. Đặc biệt, cần kiểm điểm, phê bình, thi hành kỷ luật nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật phát ngôn, tung tin thất thiệt, gây rối nội bộ. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần tăng cường sử dụng MXH nhằm lan tỏa những thông tin tích cực, chính thống từ các cơ quan có thẩm quyền…

Việc chủ động định hướng thông tin trong bối cảnh MXH đã phát triển mạnh mẽ là vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, bản lĩnh vững vàng, góp phần quan trọng định hướng thông tin, lành mạnh hóa MXH, để MXH phát huy được hiệu quả tích cực trong đời sống, góp phần ổn định trật tự xã hội, tạo động lực cho sự phát triển.

                                                                               Lê Quang Ngọc – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông