Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng

 

Đọc bài viết “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Võ Văn Thưởng, chúng tôi hết sức đồng tình và hoan nghênh. Là một cựu chiến binh, một cựu sĩ quan an ninh đã nghỉ hưu và thường xuyên tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên mạng xã hội, từ lâu chúng tôi hết sức trăn trở trước những nguy cơ từ âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch thông qua mạng xã hội. Bài viết đã nhận định hết sức chính xác và cảnh báo những nguy cơ cũng như đề ra được các giải pháp thiết thực để bảo vệ Tổ quốc từ lĩnh vực không gian mạng.

Đã 10 năm trôi qua kể từ khi những cuộc cách mạng đường phố có bóng dáng của mạng xã hội kích động người dân trong “Mùa xuân Ả rập” để lại biết bao hệ lụy. Nhìn lại những sự kiện ấy cũng là để chúng ta rút ra những bài học ở Việt Nam. Hẳn chúng ta còn nhớ sự kiện kẻ xấu dùng mạng xã hội kích động phong trào “cách mạng cây”, lợi dụng sự kiện Hà Nội thay thế cây xanh 4 năm trước rồi biến thành các cuộc tuần hành, biểu tình. Rồi sau đó, khi sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung xảy ra, chúng lại dùng mạng xã hội để lôi kéo, kích động người dân tụ tập, gây rối với cái gọi là “cách mạng cá”. Đặc biệt, các vụ tụ tập, biểu tình, gây rối có dáng dấp bạo loạn năm ngoái xảy ra ở tỉnh Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh… đã cho thấy rõ âm mưu dùng mạng xã hội của các thế lực thù địch. Kẻ thù đã lợi dụng chính vấn đề Luật An ninh mạng để xuyên tạc, kích động người dân bởi chúng hiểu rất rõ đó là đạo luật quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc, ngăn chặn những âm mưu chống phá từ mạng xã hội.

Đúng như bài viết của đồng chí Võ Văn Thưởng đã phân tích, nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đều nhận ra nguy cơ từ mặt trái của mạng xã hội và có hàng rào pháp luật để quản lý, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Nước ta hiện cũng đã có Luật An ninh mạng nên hiện nay vấn đề thực thi, đưa luật vào cuộc sống là hết sức cần thiết.

Chúng ta cần phải thực thi pháp luật nghiêm túc, có những biện pháp xử lý nghiêm minh hơn nữa đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước, kích động phá hoại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều giải pháp kết hợp với Google, Facebook để tăng cường quản lý nhưng chúng tôi cho rằng cần phải có những biện pháp mạnh tay hơn nữa. Hiện vẫn còn rất nhiều trang mạng có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, nhiều đối tượng phản động, cơ hội chính trị ngang nhiên tán phát thông tin chống phá nhưng chưa được xử lý nghiêm minh hoặc xử lý rất chậm nên chúng có biểu hiện “nhờn luật”. Đảng, Nhà nước cần có biện pháp khuyến khích, biểu dương, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh, người có uy tín tham gia đấu tranh trên mạng xã hội, tạo nên phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng.

Nguồn: sưu tầm