Tạo môi trường để trẻ phát triển toàn diện

Để thanh thiếu nhi có kỳ nghỉ hè năm 2022 an toàn, bổ ích sau một năm học căng thẳng, các cấp bộ đoàn trên địa bàn Quảng Ninh đã tập trung triển khai nhiều hoạt động quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi dịp hè bằng việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, gắn với trang bị kiến thức, rèn luyện những kỹ năng sống thiết thực.

Cung Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức Trại hè kỹ năng sống dành cho thanh thiếu nhi dịp hè năm 2022.

“Hè vui an toàn, học ngàn điều hay”

Bám sát các kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Tháng hành động vì trẻ em và các hoạt động quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi trong dịp hè 2022, Tỉnh Đoàn đã lựa chọn chủ đề “Hè vui an toàn, học ngàn điều hay” để triển khai. Từ đó, Tỉnh Đoàn đã cụ thể hóa nội dung hoạt động hè năm 2022 thành các nhóm hoạt động theo từng tuần, từng tháng.

Thiếu nhi trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động trải nghiệm “Bé trồng cây ươm bầu” tại Cung Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh.

Các cấp bộ đoàn cũng tiếp tục tổ chức hoạt động hè cho thanh thiếu nhi tập trung vào 3 nhóm gồm: Hoạt động phát huy quyền tham gia của trẻ em; hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các hoạt động vui chơi, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em. Để triển khai các hoạt động đó, các cấp bộ đoàn chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền tổ chức hoạt động gặp gỡ, đối thoại với thiếu nhi; tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em”…

Dịp hè 2022, các hoạt động chung tay vì trẻ em cũng được các cấp bộ đoàn đẩy mạnh thông qua những công trình, phần việc ý nghĩa như: “Vì đàn em”, ủng hộ “Quỹ 1.000 đồng thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Quảng Ninh”; vận động các tổ chức, cá nhân đỡ đầu thường xuyên, tặng quà, trao học bổng cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Đồng thời, huy động nguồn lực xây dựng các công trình vui chơi, giải trí cho thiếu nhi tập trung ở các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Hội đồng đội cấp huyện tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà, chăm lo cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em trong gia đình bị ảnh hưởng với dịch Covid-19 thông qua chương trình “Chia sẻ cùng em thơ, chung tay vượt qua đại dịch”, “Triệu ly sữa”… với quà tặng là các góc học tập, đồ dùng học tập, sách, báo, nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu…

Tỉnh đoàn  tổ chức tập huấn kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em tại huyện  Đầm Hà

Vào thời điểm này, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng triển khai những hoạt động hè, hoạt động vui chơi giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, điển hình là các khóa học “Trại hè kỹ năng”, “Học hè quân đội”, “Hành trình khám phá trải nghiệm” do Cung Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức; “Khóa học hè hạnh phúc 2022” của Trường TH-THCS-THPT Lê Thánh Tông (TP Hạ Long); “Khóa học sẵn sàng vào lớp 1” của Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Awaken; khóa học hè và trải nghiệm “Khám phá mùa hè đầy màu sắc” của Công ty CP Giáo dục sáng tạo Hạ Long…

Để trẻ được chăm sóc, phát triển toàn diện

Lắng nghe ý kiến của trẻ em, tỉnh Quảng Ninh đã đi đầu trong cả nước khi thực hiện thí điểm mô hình Hội đồng trẻ em. Thành lập từ năm 2018, Hội đồng trẻ em hiện có 34 thành viên ở độ tuổi từ 9-15, là đại diện cho hơn 300.000 thiếu nhi trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở các lĩnh vực: Học tập, hoạt động đội, công tác xã hội, văn hóa nghệ thuật… được lựa chọn từ 13 huyện, thị xã, thành phố.

Hội đồng trẻ em tỉnh tổ chức kỳ họp thứ VIII, giai đoạn 2018-2022 và tổ chức tập huấn cho các thành viên CLB Quyền trẻ em.

Hội đồng trẻ em tổ chức các phiên họp định kỳ 2 năm/lần và tổ chức họp trước các kỳ họp của HĐND tỉnh để thảo luận, tham mưu, kiến nghị những giải pháp liên quan đến các vấn đề về trẻ em, chủ yếu là vấn đề nóng trong xã hội như: Xâm hại tình dục trẻ em, an toàn cho trẻ em trên không gian mạng, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ… Những vấn đề mà không phải bất kỳ cá nhân đơn lẻ nào có thể giải quyết, cần phải có sự chung tay của toàn xã hội.

Từ năm 2016 đến nay, các kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh đã mời 200 thanh thiếu nhi tiêu biểu của TP Hạ Long, trong đó có thành viên của Hội đồng trẻ em tham gia họp, tạo điều kiện cho thanh thiếu nhi thực hiện quyền của mình, đồng thời giúp các em hiểu rõ hơn về hoạt động của HĐND và trách nhiệm của những đại biểu HĐND đại diện cho nhân dân.

Đại diện thanh thiếu nhi tham gia ý kiến tại Diễn đàn trẻ em tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyên Ngọc

Để lắng nghe và giải quyết các vấn đề của trẻ em nhằm thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều mô hình, CLB như: CLB Phóng viên nhỏ, CLB Quyền trẻ em, Diễn đàn trẻ em… Các mô hình được triển khai tới 13/13 huyện, thị xã, thành phố và 198/198 trường THCS trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thu hút 125.000 lượt trẻ em tham gia và phản ánh, đóng góp ý kiến vào các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Giai đoạn 2012-2021, có 18.157 hộ gia đình đã ký cam kết đạt ngôi nhà an toàn; 27.461 lượt người lớn, trẻ em được truyền thông, tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, sơ cứu trẻ đuối nước. Các trường học đều ký cam kết ATGT, dạy bơi miễn phí cho gần 6.000 trẻ từ nguồn ngân sách tỉnh và 40.000 trẻ từ nguồn xã hội hóa.

Học sinh Trường THCS thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) đọc sách tại thư viện xanh của nhà trường. Ảnh: Nguyễn Dung

Tại các địa phương, đường dây nóng bảo vệ trẻ em và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em hoạt động hiệu quả, hỗ trợ được cho nhiều trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi.

Chăm lo cho thế hệ tương lai là trách nhiệm của cả cộng đồng. Vì thế, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt các quy định của pháp luật, nỗ lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Cùng với đó, các chính sách giáo dục, bồi dưỡng trẻ phải được thực hiện tốt hơn nữa để trẻ phát huy được năng lực, sở trường của bản thân, góp phần ươm những “mầm xanh” tương lai của đất nước.

Vân Anh