Sống xanh – lối sống vì tương lai bền vững

Sống xanh đang trở thành xu hướng được mọi người, đặc biệt là giới trẻ lựa chọn để phát triển tương lai bền vững cho chính mình và xã hội. Bởi vậy, sống xanh ngày càng phổ biến trong phong cách sống hiện đại của giới trẻ, được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng với những thông điệp, hành động ý nghĩa, thiết thực để bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hình thành lối sống văn minh, lành mạnh.

Cụm Đoàn số 2 (Thành Đoàn Hạ Long) ra quân hưởng ứng chiến dịch “Hãy làm sạch biển” năm 2023 trên đảo Áng Dù, Vịnh Hạ Long. Ảnh: Thành Đoàn Hạ Long

Mặc dù là một cụm từ khá phổ biến, được nhắc đến thường xuyên song không có một khái niệm hay định nghĩa nhất định nào dành cho cụm từ “sống xanh”. Sống xanh có thể hiểu đơn giản là lối sống bền vững, cố gắng thay đổi các thói quen hàng ngày của bản thân cũng như xã hội, nhằm hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên hoặc gây hại đến môi trường sống, xa hơn là làm giảm các tác động tiêu cực đến trái đất, giúp cho hành tinh xanh của chúng ta luôn “khỏe mạnh”. Hiện nay, sống xanh được coi như là chuẩn mực mới của thế giới hiện đại, giúp kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn.

Hưởng ứng lối sống lành mạnh này, giới trẻ Quảng Ninh đã và đang thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng với mong muốn chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường, làm cho nơi mình sinh sống trở nên tốt đẹp hơn. Vì vậy, với những bạn trẻ này, lối sống xanh không phải một khái niệm phức tạp hay cầu kì, mà có thể bắt đầu từ những hoạt động thường ngày.

Nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn các loại túi vải thân thiện với môi trường và tự mình trang trí để sử dụng.

Đó là hình ảnh của rất đông đoàn viên thanh niên định kỳ ra quân tham gia chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, “Ngày Chủ nhật xanh” từ thành phố thủ phủ Hạ Long đến thành phố nơi địa đầu Tổ quốc Móng Cái.

Đó là hình ảnh của nhóm “Vì một Hạ Long xanh” gồm các bạn trẻ, các gia đình, các em thiếu nhi tình nguyện tham gia thu gom túi nilon, chai, lọ, vỏ hộp nhựa… vứt bừa bãi tại công viên Hạ Long (TP Hạ Long) và tiến hành phân loại rác theo quy định vào chiều thứ 7 hàng tuần.

Đó là những sáng kiến, ý tưởng sáng tạo tại các cuộc thi về bảo vệ môi trường thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia, như: Ý tưởng “Làm vật liệu cách nhiệt, cách âm bằng tái chế rác thải phao, xốp” của chị Đinh Thị Vân – giáo viên Trường THCS Dực Yên (huyện Đầm Hà); các ý tưởng “Tái chế nhựa thành đồ dùng học tập phục vụ cho mầm non”; “Tái chế lốp xe cũ thành đồ chơi, các sản phẩm gia dụng”, “Sử dụng vỏ mì tôm làm các sản phẩm gia dụng, đồ trang trí” của CLB Tái chế xanh (Trường Đại học Hạ Long)…

Gần gũi hơn là các bạn học sinh, sinh viên lựa chọn mang theo bên mình những chiếc bình cá nhân, ống hút kim loại, ống hút tre để sử dụng mọi lúc, mọi nơi thay vì sử dụng các loại chai, cốc nhựa một lần. Hay sử dụng các loại túi vải để đựng đồ dùng đi học, đi chơi vừa thân thiện với môi trường vừa có thiết kế, họa tiết độc đáo, bắt mắt thể hiện cá tính riêng của mỗi người.

Anh Nguyễn Đăng Huy, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Sở Tài nguyên – Môi trường, người thành lập nhóm “Vì một Hạ Long xanh”, cho biết: Từ hơn chục người ban đầu, đến nay nhóm “Vì một Hạ Long xanh” đã có tới 200 thành viên, đều đặn tham gia nhặt rác vào mỗi dịp cuối tuần. Trang fanpage công khai “Vì một Hạ Long xanh” trên facebook cũng có trên 400 thành viên tham gia thường xuyên đăng tải, chia sẻ những bài viết về hành động bảo vệ môi trường, cách làm hay về tuyên truyền bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa cũng như các cách tái chế rác hữu ích… Từ đây, việc bảo vệ môi trường trở nên thật gần gũi, tự nhiên, giúp chúng ta duy trì lối sống xanh bền vững.

Mô hình “Ký gửi thời trang” của chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (TP Hạ Long) góp phần tuần hoàn thời trang, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.

Không chỉ là những hoạt động trực tiếp, các mô hình kinh doanh độc đáo cũng đã và đang gián tiếp góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của ngành công nghiệp thời trang, chăn nuôi… lên môi trường, cũng được nhiều người trẻ thực hiện. Nổi bật như mô hình “Ký gửi thời trang” của chị Nguyễn Thị Bích Ngọc tại phường Hồng Hải (TP Hạ Long) với phương châm “mua của người bán, bán cho người cần” giúp tuần hoàn, kéo dài vòng đời của sản phẩm thời trang.

Hay mô hình chuyên sản xuất đồ tái chế từ rác thải nhựa của chị Trần Thị Hương tại phường Hà Khẩu (TP Hạ Long). Thay vì là phế phẩm bỏ đi, những tấm pano, áp phích, vải vụn, chai, lọ, nhựa, thùng sơn, lốp xe…qua bàn tay khéo léo của những người thợ tại Hợp tác xã Green Life Hạ Long đã được hồi sinh, có thêm một vòng đời ý nghĩa, trở thành những vật dụng hữu ích cho cuộc sống như túi xách, sổ tay, thùng rác phân loại rác thải, chậu hoa… Từ khi đi vào hoạt động năm 2019 đến nay, Hợp tác xã Green Life Hạ Long đã tái chế được hàng chục tấn rác thải, sản xuất hàng trăm nghìn sản phẩm tái chế các loại. Ngoài ra, các mô hình kinh doanh ăn chay, đồ ăn healthy cũng hướng tới sử dụng nguồn nguyên liệu từ thực vật tốt cho sức khỏe và môi trường cũng đang thịnh hành.

Không quá khó để theo đuổi lối sống xanh. Đó đơn giản chỉ là thay đổi những thói quen cá nhân hàng ngày một cách lành mạnh hơn mà mỗi người trẻ hoàn toàn có thể hành động ngay, vì một lối sống tích cực cho môi trường và cho chính tương lai của chính chúng ta.

Nguyễn Dung