Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số

Tỉnh Quảng Ninh đang tích cực chuyển đổi số nhằm trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược.

Doanh nghiệp bắt tay vào chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu của đời sống, kinh tế – xã hội, qua đó ứng dụng nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả làm việc, sản xuất, kinh doanh, cũng như phục vụ đời sống.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hỗ trợ người dân nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Tại tỉnh Quảng Ninh, theo mục tiêu chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã được tỉnh đặt ra, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; 100% tổ chức, cá nhân có kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử. Phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 50 doanh nghiệp số, trong đó có ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển các sản phẩm, dịch vụ số.

Để đạt mục tiêu này, hiện địa phương này đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn trong nước để nghiên cứu, đổi mới sáng tạo phục vụ chuyển đổi số, đặc biệt đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 3 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam gồm: Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT để thúc đẩy phát triển chuyển đổi số. Hiện các doanh nghiệp này đã cung cấp, hỗ trợ triển khai nhiều ứng dụng nền tảng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp.

Theo đại diện Tập đoàn FPT, với Quảng Nỉnh, FPT cam kết dành mọi nguồn lực tốt nhất để giúp tỉnh hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược, tạo ra nhiều giá trị thặng dư hơn, cũng như đem lại lợi ích cao nhất và tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp bằng công nghệ và dựa trên công nghệ.

Nhân viên VNPT cấp chữ ký miễn phí cho công dân tại Trung tâm Hành chính công huyện Vân Đồn (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Còn theo đại diện Công ty CP Công nghệ Viindoo, tháng 3/2023, dưới sự chủ trì của Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty CP Công nghệ Viindoo đã giới thiệu, tư vấn cho 20 doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về phần mềm Quản trị doanh nghiệp Viindoo, giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp… Phần mềm này giúp doanh nghiệp giải quyết thách thức trong thời đại chuyển đổi số. Bộ phần mềm tích hợp đầy đủ hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), quản lý quan hệ khách hàng (CRM), thương mại điện tử…, đáp ứng mọi nhu cầu quản lý, vận hành và tăng trưởng của doanh nghiệp.

Hướng tới mô hình mẫu

Chuyển đổi số được tỉnh Quảng Ninh xác định là xu hướng tất yếu của phát triển. Bởi vậy, từ năm 2012 tỉnh đã bắt đầu triển khai ý tưởng về chuyển đổi số. Hiện, địa phương này cũng đang tích cực chuyển đổi số nhằm trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương trong cả nước đi đầu về chuyển đổi số ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Theo ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Đề án và ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, triển khai xây dựng với 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 30% GRDP của tỉnh, là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Người dân, doanh nghiệp quyét mã QR để thực hiện phiếu khảo sát đánh giá sự hài lòng trong giải quyết công việc (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Hiện trên bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2022, ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh đã vươn lên vị trí thứ 3, tăng 4 hạng so với năm 2021. Với giá trị DTI đạt 0.7024 điểm, tăng 0,2052 điểm so với năm 2021. Điểm số này chỉ xếp sau TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Được biết, hiện 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử, hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai mạnh mẽ việc thanh toán số, hiện 99,2% số thu ngân sách nhà nước gồm thuế, phí, lệ phí được thực hiện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các loại tiền điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí cũng cơ bản thanh toán trực tuyến. 13/13 địa phương toàn tỉnh đều đã áp dụng mô hình Chợ 4.0 với các chợ trung tâm và chợ hạng I.

Ngoài ra, khoảng 350 sản phẩm OCOP Quảng Ninh đạt chuẩn từ 3-5 sao được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn… Địa phương này cũng đang tiếp tục nỗ lực không ngừng để chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, chú trọng khắc phục, cải thiện những chỉ số thành phần còn yếu, chưa đạt, qua đó nâng cao hơn nữa thứ hạng chuyển đổi số trong những năm tới.

Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh, năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xác định là năm dữ liệu số quốc gia và đề ra 9 chỉ tiêu quan trọng. Đến thời điểm này, Quảng Ninh đã đạt được 6/9 chỉ tiêu. Các chỉ tiêu còn lại đang tập trung triển khai và dự kiến hoàn thành trong năm 2023.