“Chuyển đổi số – thanh niên phải là lực lượng đi đầu, tiên phong”

Tháng Thanh niên năm 2023 được Tỉnh Đoàn Quảng Ninh lựa chọn chủ đề “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số”. Đây là dịp để tăng cường chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các mặt công tác của Đoàn, phát huy vai trò của thanh niên tham gia tích cực công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số. 

Nhân dịp Tháng Thanh niên năm 2023, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thế Minh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, về phát huy vai trò của đoàn viên thanh niên trong xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số và dịch vụ đô thị thông minh; góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Đồng chí Nguyễn Thế Minh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch HLHTN Việt Nam tỉnh Quảng Ninh

– Thời gian qua, chuyển đổi số là cụm từ thường xuyên được nhắc đến, là mối quan tâm hàng đầu và cũng là xu thế tất yếu trong sự phát triển của xã hội. Theo đồng chí, vai trò trong công cuộc chuyển đổi số của thanh niên hiện nay là gì?

+ Theo quan điểm cá nhân tôi, chuyển đổi số là thay đổi mang tính phá hủy bởi sẽ thay đổi phương thức làm việc cũ. Chuyển đổi số là việc chuyển đổi của con người, chuyển đổi thói quen từ môi trường thực lên môi trường số ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật – và rõ ràng, thanh niên phải là lực lượng đi đầu, tiên phong.

Bởi vậy, xây dựng “con người số, công dân số” là yếu tố quan trọng nhất. Để xây dựng được con người số, có hai yếu tố quan trọng đó là nhận thức số và năng lực số. Nếu nhận thức không đúng vai trò thì mỗi thanh niên sẽ không có quyết tâm để thay đổi. Thái độ, kiến thức và kỹ năng giúp chúng ta làm việc được trong môi trường số. Vai trò của tổ chức Đoàn và tổ chức khác là cần tạo môi trường để bạn trẻ phát triển kỹ năng số đó. Từng đoàn viên thanh niên cần có ý thức tham gia vào quá trình chuyển đổi số và tự nâng cao năng lực số là điều rất quan trọng.

– Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến 2030, tuổi trẻ toàn tỉnh đã xây dựng chương trình hành động và đạt kết quả như thế nào?

Thực hiện Nghị quyết số 09 ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 362-KH/TĐ ngày 12/5/2022 về tham gia chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến 2030. Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn, Sở Thông tin – Truyền thông và Trung tâm Truyền thông tỉnh đã ký kết Kế hoạch phối hợp tham gia chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025.

Tuổi trẻ toàn tỉnh đã tham gia tích cực vào việc thành lập và triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng theo kế hoạch của UBND tỉnh với hơn 2.600 đoàn viên thanh niên tham gia 1.473 Tổ công nghệ số cộng đồng. Hiện nay, lực lượng nòng cốt Tổ công nghệ số cộng đồng vẫn đều đặn ra quân tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số (sổ sức khoẻ điện tử, bảo hiểm xã hội số, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt…); phối hợp công an cấp xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 1, 2 và sử dụng ứng dụng VNeID để triển khai thành công Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia” trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian qua, tổ chức Đoàn các cấp cũng đẩy mạnh số hóa các hoạt động của Đoàn. Cụ thể, 100% văn bản (trừ văn bản mật, tối mật, tuyệt mật) của các cấp bộ Đoàn đều được gửi và xử lý trên hệ thống; sử dụng tối đa hình thức họp trực tuyến, cuộc họp không giấy tờ; số hóa việc quản lý đoàn viên thông qua thực hiện các nghiệp vụ trên phần mềm quản lý đoàn viên của Trung ương Đoàn (hiện tại đã nhập được 100.839 đoàn viên, đạt 100%)… Tháng 9/2023, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã ra mắt “Bộ công cụ tuyên truyền, học tập lý luận chính trị trong đoàn viên, thanh niên” và triển khai rất nhiều cuộc thi trực tuyến qua Bộ công cụ này.

Đoàn viên thanh niên Cục thuế Quảng Ninh hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Etax mobile.

– Được biết, ngay từ đầu năm 2023, Tỉnh Đoàn đã xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh niên Quảng Ninh, giai đoạn 2023-2030”. Vậy mục tiêu và những giải pháp cụ thể của đề án là gì?

+ Đây là một trong những Đề án trọng tâm nhiệm kỳ 2022-2027, đang được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn triển khai xây dựng và dự kiến hoàn thiện trong quý II/2023.

Về mục tiêu: Một là, hằng năm, 100% Đoàn cấp huyện tổ chức ít nhất 2 hoạt động nâng cao năng lực số và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Hai là, trên 50% thanh thiếu nhi được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số do tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp triển khai thực hiện trong năm 2023. Đến năm 2030, trên 90% thanh thiếu nhi được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số do tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp triển khai thực hiện. Ba là, 100% Đoàn các cấp trong toàn tỉnh sử dụng các phần mềm ứng dụng phục vụ điều hành, tác nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đánh giá chất lượng đoàn viên. Bốn là, tối thiểu 60% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 60% thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử. Đến năm 2030, phấn đấu 100% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 100% thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử. Năm là, phấn đấu 100% cán bộ đoàn, đoàn viên và 60% thanh niên cài đặt và sử dụng các dịch vụ trên môi trường số do Trung ương Đoàn và tỉnh phát động.

Để thực hiện các mục tiêu đó, đề án đã đề ra 5 nhóm giải pháp cơ bản, tập trung vào tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, năng lực số và vai trò của tổ chức Đoàn trong chuyển đổi số; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên; tổ chức các hoạt động phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của các cấp bộ đoàn trong chuyển đổi số, tham gia thúc đẩy thực hiện xã hội số; tham gia đầu tư, nâng cấp hạ tầng số, thiết bị số và kiểm tra giám sát, sơ kết, tổng kết Đề án.

– Thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục phát huy sức trẻ của đoàn viên thanh niên như thế nào để góp phần vào thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh?

+ Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 09 ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến 2030 và kế hoạch chuyển đổi số toàn diện hàng năm của UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn sẽ xây dựng kế hoạch đoàn thanh niên tham gia chuyển đổi số theo từng năm.

Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn sẽ chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tăng cường tuyên truyền về những kết quả tích cực trong chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh, lợi ích của việc chuyển đổi số trong đời sống, từ đó thúc đẩy nhu cầu tự thân của thanh, thiếu niên trong việc nâng cao năng lực số. Tiếp tục triển khai Đề án số 1516 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Phát huy vai trò của thanh niên trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4”; phối hợp hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử để triển khai hiệu quả Đề án số 06 của Chính phủ; hỗ trợ người dân tham gia sử dụng dịch vụ, nền tảng do chuyển đổi số mang lại. Xây dựng mô hình mỗi cơ sở Đoàn có ít nhất 1 nhân sự nòng cốt về chuyển đổi số, triển khai mô hình “Chợ 4.0 – Thanh toán không dùng tiền mặt”…

Đoàn viên thanh niên huyện Tiên Yên ra quân hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VssID và VNeID.

Tăng cường phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông, Trung tâm Truyền thông tỉnh, Bưu điện tỉnh, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tổ chức các sân chơi, mô hình mới có tính dẫn dắt xu hướng công nghệ dành cho thanh thiếu niên; bồi dưỡng nhận thức, kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại cho thanh niên. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn cũng sẽ nghiên cứu thêm một số mô hình, hoạt động riêng cho khối công chức, viên chức trẻ; đẩy mạnh phong trào ba trách nhiệm nhằm khích lệ công chức, viên chức trẻ tham gia ứng dụng chuyển đổi số trong thực thi công vụ, tham gia xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.

Các hoạt động của tổ chức Đoàn cũng sẽ từng bước được đổi mới để phù hợp với thời đại công nghệ số; tích cực ứng dụng công nghệ số trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của tỉnh.

– Xin cảm ơn đồng chí!

Chu Tuân