Bảo vệ tính tất yếu, chính nghĩa của ngoại giao “Cây tre Việt Nam” – Bài 2: Thấm nhuần bản sắc văn hóa và chính nghĩa Việt Nam

Dưới góc nhìn văn hóa, trường phái ngoại giao mang bản sắc “Cây tre Việt Nam” là sự thể hiện sáng tạo, phát huy hiệu quả nguồn lực sức mạnh mềm của quốc gia-dân tộc trong giai đoạn mới. Để thực hiện thắng lợi trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta cần thấm nhuần tư tưởng, triết lý của tiên tổ, ông cha…

Nhìn từ chiều sâu bản sắc văn hóa dân tộc

Đề cập đến những bài học, thông điệp truyền đời từ truyền thống của tiên tổ, ông cha trong hoạt động đối ngoại, đặc biệt là với các quốc gia láng giềng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Đó là những tư tưởng, triết lý vượt thời đại của cha ông ta, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị. Những truyền thống và bản sắc tốt đẹp ấy càng được bồi đắp, phát huy và tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh, đã phát triển lên thành nền ngoại giao Việt Nam hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc…”.

Vận dụng cách nói của dân gian để khái quát, đúc kết thành trường phái ngoại giao mang đậm triết lý, bản sắc dân tộc theo cách của người đứng đầu Đảng ta, chính là phương pháp hiệu quả để đường lối, chủ trương của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống. Cán bộ, đảng viên và công dân của đất nước, kiều bào ở nước ngoài, khi học tập, quán triệt đường lối đối ngoại, chính sách ngoại giao của Đảng và Nhà nước đều dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thấm, thuận tiện trong vận dụng.

Đó cũng là cách nói khái quát để “định vị” ngoại giao Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Bạn bè khắp năm châu bốn biển khi quan hệ với Việt Nam đều dễ dàng tiếp cận, hiểu rõ lập trường quan điểm, chính sách, phong cách, thái độ của Việt Nam và người Việt Nam trong các quan hệ quốc tế.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Bình luận về trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”, các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước đều đánh giá cao hình tượng cây tre trong đời sống người Việt. Trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cây tre đã trở thành biểu tượng văn hóa, văn minh, văn hiến của người Việt Nam. Nền văn hóa nông nghiệp và đặc điểm địa lý vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, thiên nhiên khắc nghiệt đã giúp ông cha ta tích lũy, đúc kết những phương cách sinh tồn, thích ứng với thiên nhiên.

Từ đó, tìm ra những giải pháp huy động sức mạnh toàn dân tộc để đấu tranh với các thế lực ngoại bang, bảo vệ hòa bình, giữ yên bờ cõi. Trong hành trình ấy, cây tre Việt Nam là hình ảnh tượng trưng cho tâm hồn, bản lĩnh, khí phách, sức mạnh, khát vọng… con người Việt Nam. “Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên lũy nên thành tre ơi/ Ở đâu tre cũng xanh tươi/ Cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu…”.

Cây tre Việt Nam còn là biểu tượng của khả năng thích nghi với mọi điều kiện hoàn cảnh. Những bài học lịch sử được ông cha truyền lại cho chúng ta thông qua văn hóa dân gian, văn nghệ truyền khẩu. Câu chuyện Thánh Gióng là một dẫn chứng điển hình. Ngựa sắt, gậy sắt, áo giáp sắt, niêu cơm càng ăn càng đầy… (biểu hiện cho khát vọng làm chủ văn minh công nghiệp, thông điệp về phát triển kinh tế, hiện đại hóa lực lượng vũ trang) là những điều kiện cần nhưng chưa đủ. Để quét sạch giặc Ân, Thánh Gióng phải có thêm cây tre. Cây tre tượng trưng cho nguồn sức mạnh nội sinh của văn hóa dân tộc.

Nói “văn hóa còn thì dân tộc còn” chính là sự khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp, kế thừa, phát triển sáng tạo truyền thống ông cha, bản sắc dân tộc trên mặt trận ngoại giao, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trên nguyên tắc cốt lõi “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đã soi đường, chỉ lối cho chính sách ngoại giao của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng…

Nhìn từ chiều sâu văn hóa dân tộc, chúng ta thấy rõ, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng hình tượng cây tre Việt Nam để thể hiện, khẳng định, nhấn mạnh, phát triển triết lý, phương châm, chiến lược, sách lược, giải pháp… ngoại giao của Việt Nam trong giai đoạn mới, chính là lối tư duy khoa học. Ngoại giao “Cây tre Việt Nam” thể hiện tính kế thừa, phát triển, sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn và xu thế thời đại. Ngoại giao “Cây tre Việt Nam” là thành tố, động lực tạo sức mạnh mềm của dân tộc trong hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xu thế thời đại và lựa chọn chính nghĩa

 Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cạnh tranh lợi ích giữa các cường quốc ngày càng gay gắt. Xung đột vũ trang, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, đảo chính, nội chiến… cùng nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống đang vượt khỏi tầm kiểm soát ở nhiều quốc gia, khu vực.

Tuy nhiên, những rung chấn, biến động thời cuộc không thể đảo ngược xu thế tất yếu của thời đại, đó là khát vọng hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển. Ngoại giao “Cây tre Việt Nam” theo nguyên tắc “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, chủ động thích nghi với từng đối tác, từng hoàn cảnh; kiên trì chọn chính nghĩa, không chọn bên… là hướng đi hoàn toàn phù hợp với xu thế thời đại.

Nhấn mạnh và làm sâu sắc thêm những vấn đề trên đây chính là nhằm củng cố vững chắc cơ sở lý luận và hiện thực khách quan của xu thế đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam. Đó cũng là căn cứ khoa học và thực tiễn để chúng ta đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, làm thất bại các chiến dịch truyền thông xuyên tạc, kích động, chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng văn hóa, ngoại giao.

Chúng ta cũng cần thấy rõ, bất cứ lĩnh vực nào đất nước đạt được thành tựu quan trọng thì ở chiều đối nghịch, các thế lực thù địch cũng ra sức sử dụng các phương thức, thủ đoạn thâm độc hòng phủ nhận thành quả, làm lung lay trận địa tư tưởng của Đảng và nhân dân ta. Việc các thế lực thù địch xuyên tạc bằng những luận điệu ngụy biện, phi thực tế, phản khoa học càng chứng tỏ một thực tế hiển nhiên không thể phủ nhận của những thành tựu đối ngoại, ngoại giao và tính tất yếu, chính nghĩa của ngoại giao “Cây tre Việt Nam”.

Năm nay, đất nước ta kỷ niệm 80 năm truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là cột mốc quan trọng trong trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc. Hòa mình vào các hoạt động kỷ niệm là dịp để mỗi người dân Việt Nam bồi đắp tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, thêm tin yêu Bộ đội Cụ Hồ. Bám theo dòng chủ lưu này, các thế lực thù địch cũng gia tăng cường độ xuyên tạc, chống phá chính sách quốc phòng của Việt Nam.

Chủ trương “4 không” (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) trong đối ngoại quốc phòng chính là sự cụ thể hóa trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”.

Nắm rõ âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, chúng ta cần nêu cao ý thức tự giác học tập, nghiên cứu, quán triệt, thấm nhuần quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng trong quan hệ quốc tế. Cán bộ, đảng viên và công dân yêu nước cần thẳng thắn bày tỏ quan điểm, đấu tranh kiên quyết với các hành vi xuyên tạc, chống phá của những đối tượng cực đoan, bất mãn trên các nền tảng mạng xã hội. Bảo vệ tính tất yếu và chính nghĩa của ngoại giao “Cây tre Việt Nam” là cuộc đấu tranh kiên định, kiên trì, kiên quyết và lâu dài. Vì vậy, chúng ta cần vững về mục tiêu, lập trường; chắc về lý luận, sách lược; uyển chuyển về hình thức, giải pháp…

 

Trước những biến động rất phức tạp trên thế giới và những tác động tiêu cực từ bên ngoài, chúng ta đã kiên định tính độc lập, tự chủ trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, nêu cao tinh thần hòa hiếu, đồng thời linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược để xử lý đúng đắn, hài hòa quan hệ với các đối tác, nhất là với các nước láng giềng, các nước lớn và các đối tác quan trọng, cũng như các tình huống phức tạp về biên giới trên bộ và trên biển, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa…

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, ngày 19-12-2023)

(còn nữa)

 

Theo QĐND