Giải pháp chủ yếu giúp đoàn viên, thanh niên bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội

Trong một xã hội “mở”, truyền thông xã hội gắn với hoạt động truyền thông không chính thức, gắn với việc đưa ra quan điểm riêng của cá nhân và một vấn đề nhóm người quan tâm. Truyền thông xã hội lan truyền nhanh chóng và có tính tương tác cao giữa những người tham gia. Sự phát triển truyền thông xã hội trên môi trường internet, tác động sâu rộng đến đời sống.

Trong bối cảnh như vậy, mạng xã hội đã trở thành kênh thông tin cạnh tranh với các hãng thông tấn báo chí, khiến cho việc định hướng dòng dư luận phức tạp hơn trước đây rất nhiều. Nếu như vài mươi năm trước, chưa có bùng nổ các mạng xã hội, cơ quan làm văn hóa tư tưởng có thể dễ dàng dùng báo chí dẫn dắt dư luận một cách chính thống, thuận chiều thì nay phải chịu hàng triệu tai mắt trên mạng xã hội giám sát, phản biện đa chiều, thậm chí châm chích, đả phá có chủ ý. Các lực lượng thù địch của nhà nước cũng dùng mạng xã hội, đưa thông tin xấu độc để lôi kéo, kích động, gây hiệu ứng đám đông, làm bất ổn đời sống chính trị và trật tự trị an. Mặt khác, với khoảng 40 triệu tài khoản facebook ở Việt Nam, chỉ cần 1% trong số đó xuất hiện với tư cách “người đưa tin” ở mọi lúc mọi nơi thì đã gấp hơn 2 lần lượng nhà báo có thẻ hiện nay. Do đó, khối thông tin đồ sộ trên các mạng xã hội khó có tờ báo nào, nhất là báo in, có thể sánh kịp về góc độ nhanh nhạy, chi tiết và chứa đựng góc nhìn đa chiều. Trong hàng triệu “nhà báo công dân” đó, nếu có nhóm bất mãn chế độ, tinh vi gây nhiễu thông tin bằng tin giả (Fake news) với dụng ý đầu độc dư luận sẽ gây tác hại khôn lường khi không ai kiểm chứng nổi, và cũng không kiểm soát được độ chia sẻ, lan truyền.

Tác động của mạng xã hội đến giới trẻ là điều dễ dàng, vì nhờ có các phương tiện thiết bị thông minh, và thói quen đọc tin tức đã thay đổi khi đối tượng người trẻ ít tiếp cận báo chí chính thống mà dành thời gian nhiều để lướt mạng. “Nghiên cứu về những tác động đến báo chí truyền thống năm 2020 cho thấy: 22% tác động bởi truyền thông xã hội; 20% đến từ nguồn nhân lực; 19% bị tác bởi tin giả; 8% từ áp dụng công nghệ… Điều đó cho thấy truyền thông xã hội đang có chi phối rất lớn đến báo chí truyền thống hiện nay. Một số khảo sát trong đoàn viên, thanh niên cho thấy nhiều bạn trẻ tiếp cận thông tin chủ yếu qua mạng xã hội, thậm chí không nghe đài, không đọc báo in, không xem truyền hình”…

Thực tế thời gian hiện nay, các thế lực thù địch thường đưa lên mạng xã hội những quan điểm, luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật… để phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của chính quyền các cấp, các vụ phức tạp như Đồng Tâm (Hà Nội), ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra ở các tỉnh miền Trung, việc thảo luận dự luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt… để kích động dư luận, hình thành tâm lý phản kháng, tư tưởng bất mãn, chống đối, tiến tới kêu gọi biểu tình, bạo loạn lật đổ chế độ.

Hiện nay,  khi cả nước đang tập trung chống dịch Covid-19, thì những thế lực thù địch thường lợi dụng mạng xã hội vấn để đăng tải những thông tin sai sự thật nhằm kích động, lôi kéo, gây hoang mang dư luận, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trước những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch đưa lên mạng xã hội hiện nay, đã có một bộ phận đoàn viên, thanh niên nhận thức đúng bản chất của các thế lực thù địch nên đã lên án, phê phán đấu tranh chống lại những thông tin sai trái, cảnh tỉnh tuyên truyền cho mọi người không like, share.

Nhưng bên cạnh đó thật đáng buồn khi không ít đoàn viên thanh niên không cần kiếm chứng thông tin đó sai hay đúng cứ lao vào like, share, có những bình luận mang tính thể hiện quan điểm ủng hộ các thế lực thù địch, nói xấu sự lãnh đạo của Đảng ta, còn tuyên truyền, lôi kéo, kêu gọi kích động mọi người. Họ không nhận thức được rằng những việc làm, hành động đó là chống lại Nhà nước, Đảng ta, là vi phạm pháp luật.  Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của đoàn viên, thanh niên trong quá trình sự dụng mạng xã hội, chưa nhận thức được tính đúng đắn, xác thực, kiểm chứng của những thông tin.

Trước những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, thiết nghĩ mỗi đoàn viên, thanh niên cần thực hiện một số nội dung sau góp phần đấu tranh chống những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên mạng xã hội:

– Đầu tiên: cần để đoàn viên, thanh thiếu niên định vị được bản thân, nhận thức rõ mình là ai, mình đang làm gì:

+ Các cấp bộ đoàn cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhận diện thông tin xấu độc, về luật an ninh mạng, bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội… để đoàn viên thanh thiếu niên hiểu rõ mình đang làm gì khi tham gia vào môi trường mạng, mỗi đoàn viên thanh thiếu niên có thể xác định, nhận diện đc đâu là thông tin xấu, độc và sẽ phải chịu trách nhiệm gì trước pháp luật khi phát tán, lan truyền thông tin xấu độc qua mạng.

Về các biện pháp cụ thể:

+ Tăng cường công tác giáo dục nhận thức cho đoàn viên, thanh thiếu niên, trang bị các phương pháp tiếp cận thông tin trên Internet một cách khoa học và đúng đắn; có thái độ phê phán, đấu tranh kiên quyết nhưng tỉnh táo với những luồng thông tin sai trái, xấu độc; tổ chức các buổi diễn đàn, trao đổi về những dấu hiệu nhận biết, phân biệt nội dung tiêu cực trên không gian mạng thông qua các buổi sinh hoạt, các hoạt động ngoại khóa… tổ chức các cuộc thi, tìm hiểu về các vấn đề có liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội. Việc tuyên truyền, giáo dục bắt đầu càng sớm càng tốt; tuyên truyền cho đoàn viên, thanh thiếu niên ngay từ khi các em đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

+ Muốn đấu tranh chống lại các tiêu cực trên không gian mạng thì cần tích cực tham gia vào không gian mạng, Tận dụng tối đa ưu thế của các phương tiện thông tin, truyền thông hiện đại để tập hợp thanh niên, thực hiện công tác tuyền truyền: Mềm hóa công tác tuyên truyền bằng cách cài cắm thông điệp tuyên truyền vào các video, trò chơi, game show, inforgraphic bằng hình ảnh… các hình thức dễ tiếp cận người dùng

– Thứ hai: Tích cực tuyên truyền các thông tin tốt, thông tin hay như tham gia cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” do Trung ương Đoàn phát động, triển khai bằng việc tuyên truyền lựa chọn các gương tốt, các hành động đẹp để tuyên truyền với phương trâm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.

– Thứ ba: Phát huy vai trò dẫn dắt, chi phối thông tin chính thống của hệ thống báo chí và mạng xã hội của Việt Nam để cộng đồng mạng nâng cao nhận thức, đủ sức “đề kháng” trước các quan điểm sai trái, thù địch, cần phân biệt ra các kênh thông tin chính thống có độ tin cậy cao như các kênh thông tin của nhà nước, của hệ thống Đoàn – Hội các cấp, các kênh thông tin lá cải, mạo danh… các kênh thông tin mang tên của chính quyền, các tổ chức Đoàn – Hội nhưng không phải của các tổ chức Đoàn Hội để biết rõ nguy cơ. Đồng thời đồng hóa, vận động sự tham gia của các cổng thông tin, fapage có ảnh hưởng lớn để họ tham gia cùng ta trong công tác phòng, chống thông tin xấu độc, mạnh dạn tạo các diễn đàn mở để trao đổi trực tuyến các ý kiến, quan điểm khác biệt. Từ đó, triển khai tranh luận, giải thích với những người có ý kiến, quan điểm khác biệt, hoặc phản bác những quan điểm thù địch, chống đối chế độ. Tổ chức lực lượng nòng cốt để mỗi cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên là một kênh tuyên truyền…. thực hiện thường xuyên nhiệm vụ đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng Internet. Tổ chức các lực lượng kịp thời ngăn chặn không để các quan điểm sai trái phát tán trên mạng Internet có điều kiện tác động vào các tầng lớp nhân dân. Tổ chức đấu tranh trực diện đối với những người cơ hội, lệch lạc về chính trị ngay từ cơ sở.

– Thứ tư, Thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận, kịp thời phát hiện những thông tin xấu, độc, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thanh thiếu niên để tham mưu cho cấp ủy Đảng có những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời. Đồng thời, chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng liên kết, trao đổi thông tin với các ban ngành liên quan để kịp thời ngăn chặn những tin xấu, độc, bằng cách cung cấp trước cho đoàn viên thanh niên thông tin chính thống về những vấn đề nhạy cảm đang diễn ra và tăng cường phòng, chống tin xấu, độc, phản bác luận điệu xuyên tạc, sai trái, kích động, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đoàn viên thanh niên.

– Thứ 5: Tiếp tục phát huy mô hình rất hay và hiệu quả trong phòng chống covid vào phòng chống thông tin xấu, độc, thành lập các đội hình “Vì môi trường mạng xã hội bình yên” trong trường học, mô hình “tuyên truyền phản ứng nhanh” ở các cấp bộ Đoàn, Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, cấp trên ban chỉ đạo 35 “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nói cho dân hiểu, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, dập tắt ngay những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, những tin đồn nhãm nhí, những tin xấu, độc, tin giả ngay từ cơ sở; đồng thời phát hiện, báo cáo ngay cho các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền những kẻ lạ mặt khả nghi, những phần tử xấu, phản động đang tuyên truyền những thông tin xấu độc của các thế lực thù địch.

– Thứ 6: Cần xây dựng “quy chế phối hợp hoạt động” cụ thể, tham gia vào công tác quản lý cùng các nhà cung cấp mạng, facebook về phòng , chống và xử lý thông tin xấu, độc để ứng phó với tình hình diễn biến Thông tin xấu, độc ngày càng tinh vi và phó phân biệt.

Bên cạnh đó cần Tăng cường công tác động viên, khen thưởng, biểu dương và đoàn viên thanh niên cần  xây dựng cho mình bọ lọc thông tin, luôn chủ động nâng cao kiến thức xã hội về mọi mặt, nhằm xây dựng cho mình nhận thức chính trị đúng đắn để xem xét, tiếp cận thông tin một cách khách quan, đầy đủ, chính xác từ những nguồn thông tin chính thống, tránh tiếp cận thông tin phiến diện, một chiều. Nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng tham gia đấu tranh với những nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các nguồn thông tin sai trái, thù địch, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Đăng Linh – Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn