Ngày 28/6, sau phần khai mạc tại hội trường, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ mười một, khóa XI đã chia thành 04 tổ để thảo luận 8 nội dung quan trọng.
Trong phiên thảo luận sáng 28/6, các đại biểu cho ý kiến về: Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII; Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII; Dự thảo chương trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII; Dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm Nghị quyết liên tịch số 01 về Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn và dự thảo Nghị quyết liên tịch giai đoạn 2022 – 2027.
Chỉ tiêu cần gắn với giải pháp thực hiện, đánh giá
Theo định hướng thảo luận của đồng chí Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, đại biểu tại các tổ thảo luận đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, có tính thực tiễn về các chỉ tiêu đề ra cho nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Đồng chí Trịnh Như Lâm – Bí thư Tỉnh đoàn Ninh Bình cho rằng, việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu phải hướng tới đối tượng trung tâm là thanh thiếu nhi, gắn với xác lập các giải pháp thực hiện và đánh giá tác động đến thanh thiếu nhi. “Chúng ta không thể xây dựng các chỉ tiêu mà tác động như thế nào đến thanh thiếu nhi không ai kiểm đếm, hiệu quả mang lại không được xác định cụ thể”, đồng chí Trịnh Như Lâm nói.
Bên cạnh đó, đồng chí Trịnh Như Lâm cũng cho rằng, với nhóm chỉ tiêu không hoàn thành trong nhiệm kỳ vừa qua cần phân tích rõ nguyên nhân, trong đó cách tiếp cận cần thay đổi. Ví như chỉ tiêu về ý tưởng sáng tạo đôi khi do chúng ta tiếp cận phải là những vấn đề to tát và hàn lâm, trong khi đó chỉ cần là những ý tưởng sáng tạo ngay chính trong công việc hàng ngày của thanh niên.
Đồng chí Nguyễn Quốc Huy – Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận cho rằng, có chỉ tiêu rất phù hợp với bối cảnh nhưng lại rất khó khăn trong đánh giá. “Làm sao để có thể đánh giá 100% đoàn viên và 70% thanh niên tham gia phân loại rác tại nguồn?”, đồng chí Nguyễn Quốc Huy đặt câu hỏi. Trong khi, theo đồng chí Huy, chỉ tiêu trồng cây xanh vẫn còn tính thời sự. Riêng tỉnh Bình Thuận, diện tích để trồng cây xanh còn rất nhiều và BTV Tỉnh ủy Bình Thuận cũng vừa giao nhiệm vụ cho BTV Tỉnh đoàn trồng 1 triệu cây xanh dọc các tuyến kênh thủy lợi trong tỉnh.
Đồng chí Hồ Hồng Nguyên – Quyền Trưởng Ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn cho rằng, cần cân nhắc lại một số chỉ tiêu của nhiệm kỳ tới bởi từ thực tế nhiệm kỳ vừa qua, một số chỉ tiêu không nằm trong vùng hoạt động của tổ chức Đoàn đã gây khó khăn khi thực hiện. “Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến không phải việc của tổ chức Đoàn có thể chủ động được, mà chỉ hỗ trợ”, đồng chí Hồ Hồng Nguyên phát biểu.
Xác định khâu đột phá cho nhiệm kỳ mới
Góp ý cho dự thảo Báo cáo chính trị, đồng chí Lê Văn Lương, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cho rằng, trong nhiệm kỳ tới cần chọn khâu đột phá để triển khai. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định 3 đột phá là thiết chế, hạ tầng, cán bộ, Đoàn cũng nên nghiên cứu khâu đột phá trong nhiệm kỳ sắp tới.
Đồng chí Lê Văn Lương đề xuất 3 nội dung có thể xác định là khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới. Trong công tác giáo dục, vấn đề khơi dậy khát vọng vươn lên thanh niên có thể xác định là khâu đột phá để xây dựng thành chủ trương lớn.
Phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” đã được xác lập nhiệm kỳ trước và đạt rất nhiều kết quả quan trọng. Để tiến sâu hơn và nâng tầm phong trào trong nhiệm kỳ này, thì có nên chọn sáng tạo tiến công vào chuyển đổi số là khâu đột phá?
Trong công tác cán bộ, theo đồng chí Lê Văn Lương, công tác cán bộ Đoàn ở cơ sở, đặc biệt là nguồn Bí thư, phó bí thư chi đoàn tại nhiều địa phương đang cực kỳ khó khăn, nên đây có thể đưa thành khâu đột phá cho nhiệm kỳ tới.
Đánh giá thêm các xu hướng tác động đến thanh niên
Theo đồng chí Hồ Hồng Nguyên – Quyền Trưởng Ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn, liên quan đến lối sống, suy nghĩ, tâm lý của thanh niên nên bổ sung các đặc tính của thanh niên. Trong 5 năm tới, các bạn thanh niên là Gen Z sẽ có rất nhiều thay đổi so với thế hệ trước. Vì thế cần cân nhắc đưa thêm các xu hướng lớn sẽ tác động sâu sắc đến các hoạt động của tổ chức Đoàn.
“Xu hướng về nghề nghiệp, các bạn thanh niên tham gia hoạt động Freelancer (nghề nghiệp tự do) sẽ nhiều hơn; xu hướng tìm các giá trị mang tính cá nhân; xu hướng chuyển dịch nhanh chóng, không làm việc và sinh sống cố định một nơi… Đây là những vấn đề rất quan trọng cần được xem xét để tổ chức Đoàn xây dựng phong trào cho phù hợp”, đồng chí Hồ Hồng Nguyên nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, trong công tác chuyển đổi số, đồng chí Hồ Hồng Nguyên cho rằng, chuyển đối số quan trọng nhất là tạo ra hệ thống dữ liệu dùng chung. Trong báo chính trị và chương trình hành động chưa đề cập đến việc xây dựng dữ liệu quốc gia về thanh niên. “Đây không chỉ đơn thuần là App Thanh niên Việt Nam, mà có thêm nhiều app, phần mềm khác để quản lý, đồng hành thanh niên và dữ liệu phải được đổ về kho chung”, đồng chí Nguyên đề xuất./.
Kiều Anh