Vào những ngày đầu tháng Chạp năm Canh Tý, khi đã bước sang năm mới 2021 được hơn chục ngày thời tiết các tỉnh miền Bắc liên tiếp chìm trong giá lạnh, rét đậm, rét hại, nhiều nơi xuống 0oc, xuất hiện nhiều điểm băng tuyết. Chúng tôi có dịp lên với các chốt, trạm Biên phòng trên tuyến biên giới Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) theo lịch hẹn với Thượng tá Vũ Hồng Sơn – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bình Liêu.
Hầu hết anh em đều có hơn 10 cái Tết xa nhà
Mới 6 giờ tối, nhưng trời đã tối nhọ mặt người được một chập, chúng tôi mới tới được Trạm kiểm soát Biên phòng Đồng văn. Khoác thêm chiếc áo đại hàn bước ra khỏi xe, cái lạnh buốt dưới 100c của vùng núi cao miền biên ải nhanh chóng bủa vây làm chúng tôi lạnh cóng. Trung tá Phan Lương Hướng đón chúng tôi chỉ mặc chiếc áo khoác mỏng như chưa hề cảm thấy cái giá lạnh. Anh cho biết, thời tiết hôm nay đối với Bộ đội Biên phòng rất đỗi bình thường và ấm hơn mấy ngày trước nhiều rồi. Vừa nói anh vừa rót nước mời chúng tôi uống cho ấm người, trong khi ngồi đợi Thiếu tá, Trạm trưởng Nguyễn Đức Thọ vừa đi kiểm tra các chốt biên giới về đang tắm. Chỉ nghe đến chuyện “đang tắm” thôi chúng tôi đã dợn người vì lạnh và không ngớt lời suýt xoa, thán phục sức khỏe, bản lĩnh mà các anh đã tôi luyện được ở nơi biên cương khắc nghiệt này.
Khu tăng gia trồng rau của đơn vị luôn tươi xanh mùa nào thức lấy…
Bữa cơm tối khá thịnh soạn tại bếp ăn của Trạm, có gà, có cá, rau cải luộc, hành muối… hầu hết đều do cán bộ chiến sĩ tự tăng gia chế biến được, làm chúng tôi cảm thấy ngon miệng hơn bởi chất lượng thực phẩm, tay nghề nấu nướng của đơn vị. Chia sẻ về dư vị ấm cúng đoàn tụ gia đình vào dịp cuối năm và đón mừng xuân mới, anh Thọ cho biết, hầu hết anh em ở đây đều có hơn 10 cái Tết xa nhà, như anh Hướng đây đã 3 năm liền đón Tết tại các chốt ở biên giới Móng Cái và Đồng Văn.
Thế năm nay anh sẽ đón Tết cùng gia đình chứ? Tôi hỏi.
Gương mặt thoáng chút ưu tư, anh Hướng (52 tuổi) tươi cười nói: Vài năm nữa là ra quân rồi, nên Tết này mình đăng ký ở lại trực để ngăn chặn Covid-19, kẻo sau này về hưu rồi chẳng còn cơ hội ở lại biên giới đón Tết cùng anh em đồng đội!
Sau bữa tối, ngoài trời như rét sâu hơn. Chúng tôi cùng anh em Biên phòng ngồi quây quần ở bộ bàn ghế gỗ khang trang đặt giữa phòng chính tiếp khách của Trạm, vừa nhâm nhi chén nước chè nóng hổi vừa nếm hương vị bánh đậu xanh bùi thơm của quê hương anh Thọ. Chợt thấy anh Hướng cùng một số đồng đội với quân phục chỉnh tề gồm áo bông, gang tay, mũ ấm,… tạm biệt chúng tôi hòa vào màn đêm hun hút, lãnh lẽo đi làm nhiệm vụ. Còn chúng tôi thì nhanh chóng xin phép lên giường vùi mình vào chăn bông nệm ấm để trốn cái lạnh thấu da thịt của đêm đông Đồng Văn.
… và hàng trăm con gà, ngan, vịt… toát lên sự đủ đầy của bộ đội
Mờ sáng hôm sau, khi trời còn chưa sáng rõ, chúng tôi đã tỉnh giấc bởi tiếng quét dọn vệ sinh đơn vị hàng ngày của cán bộ chiến sĩ toàn Trạm. Khoan khoái sau một đêm ngon giấc, bởi không khí trong lành, yên ả, tôi có dịp quan sát kỹ khu vực tăng gia trồng rau xanh tốt mùa nào thức lấy, khu chăn nuôi với hàng trăm con gà, ngan, vịt và ao cá của đơn vị… Tất cả đều gọn gàng, qui củ, toát sự sung túc, đủ đầy của bộ đội! Thật là gần gũi với khẩu hiệu: “Đơn vị là nhà, biên giới là quê hương”.
Do đơn vị đang tập trung vào chốt chặn các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép, phòng chống dịch Covid-19 và xây dựng nơi ăn nghỉ cho anh em tại chốt cột mốc 1326, nên Thiếu tá Thọ phải chạy xe máy hơn 10 km xuống tận nơi đôn đốc công việc, anh Hướng làm nhiệm vụ tuần tra, chốt trực đường biên cột mốc vừa về lúc 7h sáng chưa kịp ngủ bù đã được phân công đưa chúng tôi đi nắm tình hình đời sống của nhân dân vùng biên.
Những cửa hàng tráng bánh cuốn ở chợ Đồng Văn nghi ngút khói
Tại chợ Đồng Văn các cửa hàng tráng bánh cuốn vẫn nghi ngút khói, nhưng người mua giảm hẳn so với thời gian trước khi có dịch Covid. Theo chị Ngân (dân tộc Tày), dịp này bà con đi chợ bán hồi nên hàng có khá hơn nhưng cũng chỉ được 18-20 kg mỗi ngày, bằng một nửa so với những năm trước. Cụ Viên (78 tuổi) nhưng vẫn còn khỏe mạnh, hồ hởi nói, mùa nào thức lấy, hầu như ngày nào cũng cắt rau nhà trồng được ra chợ bán được khoảng 100.000 đồng để cải thiện cuộc sống. Bà Hoa và 4-5 cơ sở thu mua hoa hồi vẫn đều đặn thu mua hoa hồi có ngày cao điểm lên tới 25-30 tấn tiêu thụ cho bà con.
Chuyện “đá thần” và cao điểm Cao Ba Lanh vững vàng, hiên ngang trước quân xâm lược
Trong câu chuyện ngày mới của bà con vùng biên gặp nhau tại quán ăn sáng ở cổng chợ, mọi người râm ran kể về sự linh thiêng của “đá thần” trên đỉnh Cao Ba Lanh, về sự hy sinh oanh liệt của 109 cán bộ chiến sĩ trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược bảo vệ biên giới năm 1979 cho những vị khách phương xa.
Cao điểm Cao Ba Lanh nhìn từ Trạm kiểm soát Biên phòng Đồng Văn
Theo truyền thuyết từ xa xưa lưu truyền lại, trên đỉnh núi Cao Ba Lanh giáp biên giới có những hòn đá rất kỳ lạ, mỗi khi gõ vào đá phát ra âm thanh gần giống tiếng chuông và lại nghe thấy tiếng vang ở cả các hòn khác làm cho quân xâm lăng gục ngã, đồng bào các dân tộc dựa vào những hòn “đá thần” đó để bảo vệ cuộc sống bình yên nơi biên thùy. Hiện nay, “đá thần” vẫn còn đó, nằm trên đỉnh núi Cao Ba Lanh thuộc xã Đồng Văn. Ngọn núi Cao Ba Lanh với độ cao 1.113 mét so với mực nước biển, có vị trí chiến lược về quân sự, quốc phòng, bao quát cả một vùng biên ải rộng lớn.
Nhân dân ở đây vẫn mãi ghi nhớ, đêm 16/02/1979, địch tổ chức tấn công đánh chiếm cao điểm 585 tại bản Phai Làu (chân núi Cao Ba Lanh), nhưng đã bị lực lượng bộ đội trinh sát Đoàn 288 của ta đánh trả quyết liệt, ngăn chặn tại Đồi Không Tên. Ngày 17/02/1979, địch đồng loạt tấn công dọc tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc nước ta. Tại Bình Liêu, địch dùng lực lượng bộ binh ồ ạt tấn công, đánh chiếm cao điểm Cao Ba Lanh và các cao điểm khác. Lực lượng ta tại Cao Ba Lanh gồm 01 tiểu đội trinh sát, 10 đồng chí của Trung đoàn 288 và Đại đội 3, Tiểu đoàn 130 bộ đội địa phương cùng Tiểu đoàn tự vệ lâm trường đã chống trả quyết liệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch.
“Đá thần” trên núi Cao Ba Lanh
Đến ngày 18/02, chúng phải rút chạy, xin tiếp viện và củng cố lực lượng. Sau đó, lại tiếp tục dùng chiến thuật biển người tấn công sang ta. Trước sự tấn công ồ ạt của địch, quân và dân ta kiên quyết hy sinh xương máu để giữ bằng được cao điểm Cao Ba Lanh. Sau 10 ngày đêm liên tục chiến đấu, ta đã tiêu diệt hàng ngàn tên địch, làm bị thương nhiều tên khác và buộc địch phải rút chạy. Nhưng 109 người con đất Việt kiên cường chiến đấu hy sinh và ngã xuống, giữ cho điểm tựa Cao Ba Lanh vững vàng, hiên ngang trước quân xâm lược.
Đậm đà nghĩa tình quân dân nơi biên giới
Rời chợ Đồng Văn với cảm xúc rưng rưng về câu chuyện lịch sử oai hùng, chúng tôi cho xe chạy tiếp hơn 10 km theo trục đường biên đến chốt chống dịch 1326 giữa lúc Thiếu tá Thọ đang bốc vác xi măng cùng anh em đồng đội và người dân địa phương, gấp rút hoàn thành nơi sinh hoạt mới cho anh em tại chốt chống dịch. Tạm dừng tay, anh đưa tôi thăm cột mốc 1326 và chốt chống dịch nằm cách nơi ăn nghỉ đang thi công dăm chục mét. “Gần một năm nay, anh em ở chốt chống dịch được bà con trong bản cho mượn Nhà văn hóa nằm cách đây 3 cây số để ở, nay được Bộ Tư lệnh quan tâm đầu tư dựng nhà tôn có đầy đủ các công trình, vật dụng cần thiết, rất thuận tiện cho anh em làm nhiệm vụ” – anh Thọ chia sẻ.
Thiếu tá Thọ (giữa) bốc vác xi măng cùng anh em đồng đội và người dân địa phương,
gấp rút hoàn thành nơi sinh hoạt mới cho anh em tại chốt chống dịch.
Thấy tôi có vẻ ngỡ ngàng khi nhìn chiếc xe ô tô bán tải còn mới đang dỡ xi măng, sắt thép giao cho đơn vị. Anh Thọ giãi bày, xi măng và xe chở vật liệu đều do nhân dân ủng hộ giúp cả đấy!
Lên xe máy cùng Trung tá Lê Văn Vương – Chốt trưởng – leo dốc mặc cho từng cơn gió lạnh lùa buốt cả hai tai. Anh Vương dừng lại Nhà văn hóa bản để tôi có cảm nhận thực tế về nơi ăn nghỉ tạm bấy lâu của anh em trong chốt. Mấy chiếc giường tầng đặt gọn gàng bên tường, nhường không gian rộng rãi còn lại lấy chỗ cho bà con sinh hoạt. Một chú Bộ đội Biên phòng đang chuẩn bị bữa trưa tươm tất nóng nảy cho anh em thi công tại chốt.
Đi tiếp hơn 100m nữa, chúng tôi đến bản Phạt Chỉ. Ông Tằng Vằn Lầu (Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn) cùng một số người trong bản đang hối hả vác những cây sa mộc rừng trồng đã vạc vỏ trắng hếu, đục mộng đóng khung nhà giữa khoảng đất trống ngã 3 đường như chạy đua với cái rét.
Nở nụ cười trên khuôn mặt tê cứng vì lạnh, ông Lầu vội đi qua đường mời chúng tôi vào căn nhà được Bộ đội Biên phòng hỗ trợ xây mới năm 2016 theo chương trình “Mái ấm biên cương”. Đôi mắt mệt mỏi vì rét của ông Lầu ánh lên niềm vui, sự biết ơn khi nói chuyện và nhận điếu thuốc lá từ Trung tá Vương. Ông Lầu cho biết, cả bản có 40 hộ, 207 khẩu đều là người dân tộc Dao, trong đó có 2 hộ được Bộ đội Biên phòng hỗ trợ xây nhà mới và 3 hộ do ngành Công an, Giao thông tỉnh xây mới; hiện cả bản đang giúp 3 hộ nữa vừa được chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí làm nhà để kịp hoàn thành đón Tết.
Đôi mắt mệt mỏi vì rét của ông Lầu ánh lên niềm vui, sự biết ơn khi nói
chuyện và nhận điếu thuốc từ Trung tá Vương.
Trên đường về Trạm, chúng tôi gặp một gia đình người Dao ở bên đường đang vào tiệc cưới nói cười rộn ràng, rôm rả. Một gương mặt quen quen tươi cười vẫy tay chào, thì ra là anh Vương lúc trước vội chia tay tôi để còn kịp đến dự tiệc cưới của con trai ông Tằng Dẩu Thím là anh Tằng Dẩu Sếnh – một đoàn viên năng nổ vẫn thường xuyên tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc với Bộ đội Biên phòng.
Những câu chuyện bộ đội giúp dân làm nhà, làm đường, xây chuồng trâu bò, nhà tiêu…, chuyện người dân giúp bộ đội dùng xe cá nhân vận chuyển vật liệu, nhường Nhà văn hóa để ở,… rồi chuyện cùng đi tuần tra đường biên cột mốc, đến với dân chung vui việc hỷ, chia buồn việc hiếu… Thật mộc mạc đơn sơ nhưng cũng thật đậm đà nghĩa tình quân dân nơi biên giới!.
Thực hiện nhiệm vụ “kép” với quyết tâm cao nhất
Cuối giờ chiều, chúng tôi di chuyển về Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô theo như hẹn trước với Chỉ huy Đồn. Càng về tối trời càng rét hơn, nhưng một số cán bộ chiến sĩ ở Đồn sau thời gian làm việc vẫn hăng hái chơi bóng chuyền ngoài sân, bởi đây là môn thể thao ưa thích mà anh em trong Đồn vẫn hàng ngày rèn luyện.
Tác giả bên cột mốc 1326.
Là chỗ quen thuộc với cán bộ chỉ huy của Đồn, nên chúng tôi được anh Sơn (Đồn trưởng) mời vào phòng riêng pha trà uống nước. Bằng giọng nói nhẹ nhàng, cởi mở, Thượng tá Đỗ Văn Quang (Chính trị viên) chậm rãi chia sẻ: Đồn BPCK Hoành Mô được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ đoạn biên giới chính diện dài trên đất liền dài nhất ở tỉnh Quảng Ninh, với 43,168 km, gồm 41mốc giới/68 cột mốc từ cột mốc 1300/3 đến cột mốc 1327; chiều sâu địa giới hành chính 05 xã, 01 thị trấn biên giới, với 95 khu, thôn, bản, có 08 dân tộc cùng chung sống; trong đó gần 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, là địa bàn có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất tỉnh Quảng Ninh và cũng thuộc nhóm địa bàn có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất cả nước.
Cũng theo anh Quang, thực hiện các Chỉ thị của Thủ Tướng Chính phủ về triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, Đồn BPCK Hoành Mô đã chủ động xây dựng và triển khai các phương án, phòng chống dịch và chống xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới, đảm bảo hiệu quả cao nhất để ngăn chặn dịch bệnh từ sớm, từ xa, không để xâm nhập sâu vào nội địa.
Anh Vương đến dự tiệc cưới của con trai ông Tằng Dẩu Thím – một đoàn viên năng nổ thường xuyên tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc với Bộ đội Biên phòng.
Như để chúng tôi rõ hơn về công tác phòng chống dịch ở đây, anh Quang nói tiếp: Hiện, đơn vị đã triển khai và thường xuyên duy trì 07 điểm chốt phòng, chống dịch Covid-19, chống xuất nhập cảnh trái phép. Từ khi triển khai đến nay, đơn vị đã bắt giữ 17 vụ/63 đối tượng XNC trái phép; chủ yếu là các vụ do Trung Quốc thu gom người dân Việt Nam lao động bất hợp pháp tại nước họ, đẩy trả về Việt Nam qua biên giới, một số vụ do tình thân tộc, dân tộc gắn bó lâu đời của cư dân biên giới cùng với nhận thức ban đầu về tính nguy hại của dịch bệnh chưa rõ nên đã lợi dụng đêm tối, trốn tránh lực lượng chức năng của ta để thăm thân dẫn đến vi phạm. Các vụ việc trên, đều được đơn vị phối hợp xử lý theo đúng phương án phòng chống dịch, đảm bảo an toàn không để dịch bệnh lây lan vào địa bàn, đơn vị.
Ngoài ra, góp phần cùng với địa phương nơi đóng quân “Xây dựng nông thôn mới”, đơn vị đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền vận động và trực tiếp tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn, hàng chục chuồng trâu bò, nhà tiêu hợp vệ sinh cho Nhân dân; thực hiện hỗ trợ kinh phí giúp 10 hộ đồng bào xây nhà mới theo phân bổ xây dựng “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” do Bộ Tư lệnh Biên phòng phát động.
Chốt kiểm soát Biên phòng tại cửa khẩu Hoành Mô sẵn sàng chiến đấu và phòng chống dịch, mang về cho Nhân dân không khí yên vui đón Tết cổ truyền của dân tộc
Nhìn những cây đào biên giới trong khuôn viên của Đồn cằn cỗi, gân guốc, dẻo dai chống chọi với sương sa giá rét, nhưng cũng đang nhú vô vàn chồi nụ, chỉ đợi nắng ấm, xuân về là bung sắc đỏ tươi hòa cùng chồi non, lộc biếc tô điểm thêm sắc xuân hồng rực rỡ cho mùa xuân nơi biên giới.
Ngoài kia không khí mùa xuân đang đến rất gần, nhưng cán bộ chỉ huy của Đồn vẫn cặm cụi xử lý tin tức từ các chốt báo về. Mùa xuân này là mùa xuân chống dịch thứ hai, các chiến sĩ Biên phòng ở Bình Liêu cũng như trên toàn tuyến biến giới đất liền, biển đảo của cả nước tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ vừa phòng chống dịch Covid-19. Với quyết tâm cao nhất, sẵn sàng chiến đấu và phòng chống dịch, cơ động xử lý tốt mọi tình huống xẩy ra trên toàn tuyến biên giới; không để bị động bất ngờ, mang về cho Nhân dân không khí yên vui đón Tết cổ truyền của dân tộc.