MÙA TRUNG THU ĐẶC BIỆT

Cũng như những đứa trẻ cùng tuổi, tôi thích Tết Trung thu vô cùng…

Tết Trung thu hay còn gọi là Tết trông trăng, tết hoa đăng. Tại sao tết Trung thu lại có cái tên như vậy ? Cũng chẳng ai biết tết Trung thu có mặt tại Việt Nam từ bao giờ, nhưng chúng tôi ai cũng biết sự tích chú cuội. Phải chăng đó chính là nguồn gốc của cái tết mà ai cũng mong chờ này?

Chú Cuội ngồi gốc cây đa

Thả trâu ăn lúa gọi cha ời ời

Cha còn cắt cỏ trên trời

Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên

Ông thời cầm bút cầm nghiên

Bà thời cầm tiền đi chuộc lá đa…

Tết trung thu là tết đoàn viên, là thời khắc ai cũng ao ước để được trở về gia đình, được ngắm ánh trăng thanh vàng ruộm bên ông bà, cha mẹ.Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hệ giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn, trăng khuyết, niềm vui, nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Trăng tròn là biểu tượng của sum họp và chính vì vậy, Tết trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên. Vào ngày này, mọi người trao nhau những món quà ý nghĩa thể hiện cho lời chúc bình an. Đây còn là dịp để ta bày tỏ tình cảm, chia sẻ với nhau những điều nho nhỏ, kể những câu chuyện về cuộc sống và cùng mọi người tâm sự. Có thể nói, Tết Trung thu là một dịp để con người ta gần nhau hơn.

Mùa Trung thu năm nay có lẽ vô cùng đặc biệt đối với tôi và rất nhiều bạn nhỏ do đại dịch Covid-19. Chính vì lẽ đó, năm nay, bố mẹ đã cho tôi về quê nội vui tết Trung thu. Về với quê hương Đầm Hà yêu dấu, nơi gắn bó với kỷ niệm vui buồn tuổi thơ của bố. Trời vẫn còn sớm, bước xuống xe, hít căng lồng ngực cái không khí trong lành, xen lẫn trong đó chút hương thoang thoảng của hương sen tháng tám. Rảo bước trên con đường nhỏ, ngắm những bông lau đang phe phẩy trong gió, lòng tôi chộn rộn đến lạ.

Còn một ngày nữa mới tới Trung thu, nhưng mặt trăng đã tròn đều như chiếc đĩa bằng vàng, không khí cũng dần tất bật hơn, những đứ trẻ như chúng tôi cũng thấy thêm háo hức. Chập tối, chúng tôi cùng nhau ra đình làng, dưới bóng cây đa cổ thụ xum xuê cành lá, cùng các anh chị đoàn viên của xóm làm đèn lồng, làm bánh, làm mặt nạ. Ai cũng xung phong đi vót tre, dán giấy, nhào bột, nặn bánh… Dù là cái tết của trẻ em, song tôi thấy nhiều cụ già cũng vui vẻ lắm. Các cụ dạy chúng tôi dán giấy bóng kính sao cho khớp với khung, dạy chúng tôi vót tre sao cho thanh tre dẻo mà không bị khó uốn, trộn bột ra sao cho bánh được mềm và thơm, rồi dán những chiếc mặt nạ giấy bồi…Chúng tôi được thử sức làm nhiều loại đèn trung thu. Nào đèn cù tái chế từ những chiếc vỏ lon cũ, nào đèn ông sao, nào đèn kéo quân, tinh xảo, khó làm nhưng hấp dẫn vô cùng. Những căn nhà trong xóm cũng được trang hoàng lộng lẫy bởi những chiếc đèn nho nhỏ, đủ loại hình thù, nào thỏ, nào gà, nào cá chép.…trông thật thích mắt.

Và rồi tết Trung thu cũng đến, chiều hôm ấy, khi ông mặt trời dần xuống núi, mặt trăng tròn vành vạnh nhô lên, tỏa ra một thứ anh sáng dịu nhẹ, thanh tao. Không khí của buổi trung thu đã tràn về bên xóm nhỏ. Bước ra đình làng, không khí thật tấp nập, vui tươi. Mọi người ríu rít xếp từng chiếc bánh, từng gói kẹo, tỉ mỉ làm chú chó bưởi, giăng đèn lên cây đa già cỗi. Cây đa như một chứng nhân lịch sử của xóm tôi, nó đứng sừng sững ở đó có lẽ cũng đã cả trăm năm rồi, hôm nay như khoác lên mình chiếc áo mới, lấp lánh như những vì tinh tú trên kia, tôn lên nét dịu hiền của trăng. Các anh chị tất bật, chuẩn bị váy áo, loa đài cho tiết mục văn nghệ tối nay. Tôi lưu luyến, chẳng muốn rời đi, đôi chân như có một sức mạnh kéo tôi về phía trước, gia nhập vào công cuộc chuẩn bị đầy thú vị kia.

Đúng bảy giờ tối, chúng tôi rước đèn quanh xóm, bắt đầu từ lũy tre cuối làng, chúng tôi nối thành hàng dài, đi vòng quanh xóm nhỏ, vượt qua một ngọn đồi, đi qua triền đê gió lộng, nơi các bạn vẫn thường ra đó chăn trâu, thả diều rồi trở về nhà văn hóa. Đi đầu đám rước đèn là hai chú kì lân cùng ông địa, tiếp theo  đó là các anh chị đoàn viên thanh niên theo sau để gõ trống. Tiếng trống vang dội lòng tôi, ánh trăng vàng óng chiếu lấp lánh xuống mặt hồ, len lỏi qua những cành lá, trườn dài trên những mái nhà đỏ gạch cũ kĩ. Gió thổi nhè nhẹ, đưa hương hoa cỏ bay xa. Những chiếc đèn ông sao năm cánh, những chiếc đèn lồng dán giấy kính xanh xanh, đỏ đỏ phản chiếu ánh đèn lập lòe từ những chiếc đèn cù, đèn kéo quân. Hướng tầm mắt về phía xa xa, tôi bắt gặp những dãy núi tập trùng, mấp mô dưới ánh trăng sáng ngời. Bóng cây lay động trong không gian đầy tiếng trống chiêng, ánh trăng vàng, mịn như dải lụa cũng lay động theo. Dường như ánh trăng đang khiến cho mọi vật lãng mạn hơn một cách lạ thường.

Rước đèn xong, chúng tôi tập trung tại nhà văn hóa, ở đó đã có sẵn mâm cỗ đầy, với những chiếc bánh nướng, bánh dẻo do mọi người trong xóm tự tay làm, có chú chó bằng bưởi, có những loại hoa quả được tỉa hình rất đẹp, lại trang trí thêm hai chiếc đèn ông sao nho nhỏ. Chúng tôi ngồi vào chỗ, chuẩn bị phá cỗ, lòng rộn dịp, nao nao. Nhạc nổi lên, khuấy động không gian của buổi phá cỗ. “Tùng rinh rinh tùng tùng tùng rinh rinh, đây ánh sao vui, chiếu xa sáng ngời…” Những giai điệu quen thuộc ngân nga mãi trong trí óc tôi. Bất giác, tôi lẩm nhẩm theo giai điệu. Tiết mục kết thúc, tôi vẫn ngồi đó, chưa thôi nghĩ về bài hát.

Sau tiết mục văn nghệ, bác trưởng thôn đứng dậy, đọc thư chúc tết Trung thu của chủ tịch nước gửi cho thiếu nhi: “Các cháu hãy luôn nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, niềm tự hào, khát vọng, không ngừng tu dưỡng, rèn đức, luyện tài để góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, phồn vinh như Bác Hồ kính yêu đã đặt niềm tin ở thiếu niên, nhi đồng Việt Nam”… Bất giác tôi nghĩ về những áng văn tết Trung thu độc lập đầu tiên của tác giả Thép Mới: “Trăng đêm nay sáng quá! Trăng mai còn sáng hơn. Anh mừng cho các em vui tết Trung thu độc lập đầu tiên và anh mong ước ngày mai đây, những tết Trung thu tươi đẹp hơn nữa sẽ đến với các em…”. Chúng tôi, những thế hệ thiếu nhi, những mầm non tương lai đất nước xin kính cẩn nghiêng mình, biết ơn vô hạn đối với những thế hệ cha anh, những thế hệ chiến sĩ đã hi sinh thân mình để tổ quốc hôm nay đơm hoa độc lập, kết trái tự do, cho chúng tôi có được trung thu bình yên, hạnh phúc.

Lời chúc tết kết thúc, sau tiếng hô vang của các anh chị đoàn viên: “Các em, chúng ta phá cỗ trăng rằm!” Chúng tôi háo hức, ùa vào như bầy chim non, mỗi bạn lấy cho mình một phần kẹo, bánh nho nhỏ. Chiếc bánh trung thu bùi bùi, ngọt ngọt, mang theo bao yêu thương trong tâm hồn của một đứa trẻ thơ. Lòng rộn ràng, chúng tôi cùng nhau vừa thưởng thức hoa quả, bánh kẹo, vừa nói chuyện rôm rả. Những trái lê, trái táo, trái bưởi bình thường tôi ăn thấy chẳng có gì khác lạ, hôm nay cũng ngon đến bất ngờ. Phải chăng do không khí trung thu khiến tôi cảm thấy mọi thứ ngon lành đến vậy. Ngắm nhìn những chiếc đèn treo trên cành đa rủ xuống, những ngọn nến lung linh trong đêm, tôi thấy ấm áp vô cùng, chưa bao giờ không khí trung thu mang lại cho tôi cảm giác như vậy.

Tạm biệt quê hương Đầm Hà, trở về với thành phố Hạ Long thân yêu, nhưng những kỷ niệm đẹp về tết Trung thu quê hương sẽ mãi còn đọng lại trong ký ức tuổi thơ tôi. Tôi cũng cảm thấy bản thân mình thật may mắn biết bao khi được đón tết Trung thu bên người thân, gia đình trong khi ở đâu đó trên mảnh đất hình chữ S dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, hàng nghìn bạn nhỏ phải xa gia đình đón Trung thu trong các khu cách ly và trong các bệnh viện. Tôi mong dịch Covid-19 qua thật mau để mỗi Trung thu lại là mùa vui của hàng triệu gia đình, hàng triệu trẻ em Việt Nam.

Nguyễn Khánh Minh – CLB phóng viên nhỏ tỉnh Quảng Ninh