Khởi nghiệp, hay còn gọi là “start-up” ngày càng lan tỏa và thu hút giới trẻ, trong đó có cộng đồng học sinh, sinh viên (HSSV). Thời gian qua, các sở, ngành và cơ sở giáo dục trong tỉnh đã phát động, tổ chức nhiều cuộc thi, hội thi, diễn đàn khởi nghiệp. Qua đó, khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong HSSV.
Năm 2020, Tỉnh Đoàn Quảng Ninh phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở KH&CN tổ chức cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp. Cuộc thi nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo bạn trẻ trên địa bàn tỉnh tham gia, với 80 ý tưởng khởi nghiệp. Góp mặt trong vòng chung kết với dự án “Norvel – Ứng dụng tìm hiểu du lịch miền Bắc thông minh”, Lô Vũ Bình Minh và Phạm Thúy An (Trường THPT Đông Triều, TX Đông Triều) đã giành giải Nhì chung cuộc.
Dự án khởi nghiệp này được 2 học sinh ấp ủ từ rất lâu, đến năm 2019 thì bắt tay thực hiện. Dự án xây dựng ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh, giúp khách du lịch có được thông tin chính xác về điểm đến mình quan tâm. Đồng thời, giải quyết và đáp ứng đầy đủ nhu cầu cần thiết về điểm đến, bản đồ, nhà hàng, khách sạn… cho người dùng khi đi du lịch ở các địa phương miền Bắc. Hiện phần mềm được Bình Minh và Thúy An nâng cấp thêm phiên bản tiếng Anh và cung cấp cho người dùng di động hệ điều hành Android.
Mới đây nhất, Trần Thị Thanh Tâm, học sinh Trường THPT Bạch Đằng (TX Quảng Yên) đã sáng tạo ra máy sản xuất thức ăn sinh học, nhằm giúp người chăn nuôi nâng cao hiệu suất và chủ động cung cấp, dự trữ thức ăn cho vật nuôi.
Trần Thị Thanh Tâm chia sẻ: Ưu điểm của máy là chế biến các loại nguyên liệu sẵn có như bã mía, vỏ mía, cây ngô, rau bèo… thành những viên thức ăn nhỏ, phù hợp cho chăn nuôi. Ngoài ra, với chiếc máy này, người dân có thể chủ động về tỷ lệ chất dinh dưỡng trong quá trình phối trộn nguyên liệu, tiết kiệm thời gian, chi phí, sức lao động. Máy có thể xay, trộn 2-2,5 tạ thức ăn/giờ hoặc xay, trộn và ép viên từ 1-1,5 tạ thức ăn/giờ.
Ý tưởng này đã được Thanh Tâm tham dự cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ VI, năm 2020 và đoạt giải Ba. Thanh Tâm dự định sẽ hoàn thiện sáng chế và nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đưa vào sản xuất hàng loạt, phục vụ nhu cầu của người chăn nuôi.
Thời gian qua, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong HSSV, nhiều diễn đàn, sân chơi khơi nguồn sáng tạo đã được các trường THPT, cao đẳng, đại học và các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm phát động, tổ chức. Tại Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ các CLB khởi nghiệp trong trường. Đồng thời, biên soạn, ban hành bộ tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên; tổ chức nhiều hoạt động thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp xúc với các hoạt động SXKD…
Hay như Trường Đại học Hạ Long, mới đây vừa gửi 2 dự án “Khám chữa bệnh trong tour du lịch biên giới Việt – Trung dành cho người lao động có thu nhập thấp” và “Chiến lược marketing cho Đặc khu du lịch Cambodia Coastal City” của các sinh viên trong trường tham dự cuộc thi Sáng tạo du lịch quốc tế. Kỳ vọng của trường nhằm phát triển khả năng sáng tạo, kỹ năng, nghiệp vụ trong hoạt động du lịch của sinh viên, qua đó, tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, hợp tác quốc tế.
Ở khối các trường THPT, Đầu năm 2021 Trường THPT Hoành Bồ ra mắt CLB Khởi nghiệp, sáng tạo gồm 11 thành viên, trong đó có 4 thầy cô giáo và 7 học sinh. Đây là CLB Khởi nghiệp, sáng tạo đầu tiên trong khối THPT trên địa bàn tỉnh được thành lập với mục tiêu khích lệ học sinh nghiên cứu, sáng tạo và thiết lập môi trường, cơ hội cho học sinh học hỏi, kết nối các nguồn lực để khởi nghiệp trong tương lai.
Tỉnh và các ngành đã và đang tổ chức nhiều sân chơi, nhằm khơi dậy đam mê sáng tạo, khởi nghiệp trong HSSV. Điển hình là cuộc thi: Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng; sáng tạo kỹ thuật; cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp diễn ra vào Quý IV năm 2021… Đây là tiền đề quan trọng để khơi dậy và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong HSSV.
Nguyên Ngọc