Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chúng

Tin giả đang là một trong những vấn đề nổi cộm của truyền thông phương Tây nói riêng và thế giới nói chung, đặc biệt trong những năm gần đây. Trong cơ chế lan truyền của tin giả không thể thiếu sự tham gia tích cực của mạng xã hội, với tâm thế chủ động hoặc vô thức chia sẻ của người sử dụng. Đặc biệt, trong các kỳ bầu cử tổng thống tại Mỹ năm 2016 và tại Pháp năm 2017, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, số lượng tin giả được khuếch tán và sản xuất một cách chóng mặt, góp phần không nhỏ vào việc định hướng kết quả bầu cử. Do đó, mạng xã hội đã trở thành một trong các công cụ chính trị hữu hiệu của các thiết chế quyền lực trong xã hội là điều không thể phủ nhận.

Vì vậy, việc ứng xử và quản lý mạng xã hội để vừa đảm bảo ổn định chính trị vừa tạo cơ hội để công chúng trưởng thành hơn trong các lựa chọn truyền thông cá nhân là một yêu cầu bức thiết. Bên cạnh các giải pháp mà bài viết đưa ra về việc thắt chặt các cơ chế pháp lý về tin giả, cần có những chiến dịch truyền thông rộng lớn mang tính quy mô để nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của chính họ trong việc tạo ra và duy trì các mắt xích thông tin trong đời sống chính trị, xã hội, từ đó có hành xử đúng đắn. Các nội dung giáo dục trong nhà trường, đặc biệt tại các trường đại học và trường đào tạo báo chí cần đưa các nội dung liên quan đến “media literacy” (tri nhận truyền thông), tin giả (disinformation), tin thất thiệt (misinformation) vào giới thiệu hoặc giảng dạy trong nhà trường, bởi mỗi chúng ta là một người dùng có sức ảnh hưởng trong cộng đồng nhỏ hoặc rộng lớn của mình, còn mỗi nhà báo cần là một sự cam kết về niềm tin của công chúng vào truyền thông chính thống.

Ths. NGUYỄN QUỲNH NGA, giảng viên Trường Đại học Vinh