Cùng với sự lớn mạnh của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, đội ngũ trí thức trẻ Quảng Ninh đã và đang nỗ lực, không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng, cống hiến nhiều thành tựu để góp phần xây dựng quê hương.
Chị Nguyễn Thị My tại phòng thí nghiệm của Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Khoa học Thái Dương. |
Tuổi trẻ, đam mê và khát khao cống hiến
Đó là suy nghĩ của chị Nguyễn Thị My, kỹ sư nông nghiệp, Phòng Khoa học công nghệ, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Khoa học Thái Dương (TX Quảng Yên) khi nhắc đến sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình. Hơn 12 năm gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chị My đã có nhiều công trình, đề tài, giải pháp làm lợi cho Công ty và đóng góp cho thành tựu KH&CN của tỉnh. Trong 3 năm gần đây, chị My đã tham gia 2 dự án cấp Nhà nước là: Dự án sản xuất thử nghiệm giống và dược liệu trà hoa vàng Tiên Yên, Ba Chẽ và Dự án hoàn thiện công nghệ vi nhân giống quy mô công nghiệp cho các dòng bạch đàn lai UG29, CU82, CU98. Chị cũng tham gia một đề tài cấp cơ sở: Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật trong việc xây dựng các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen quý dược liệu trà hoa vàng. Đồng thời, làm chủ nhiệm nhiệm vụ ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất rau hữu cơ tại TX Quảng Yên. Các công trình, đề tài của chị luôn được hoàn thành vượt mức kế hoạch 150% so với yêu cầu đề ra.
Chị My cho biết: Đặc thù của ngành nông, lâm nghiệp có nhiều khó khăn, thách thức lớn; các đề tài, giải pháp luôn phải có tính mới, đầu tư thời gian và thường xuyên cập nhật. Là một cán bộ nữ trẻ công tác trong ngành này ít nhiều tôi cũng gặp những gian nan, vất vả. Nhưng những khó khăn đó, hay rào cản về công việc gia đình chưa bao giờ khiến tôi ngừng lại đam mê nghiên cứu. Chính niềm đam mê, tình yêu nghề thực sự đã giúp tôi gắn bó với lĩnh vực này, thôi thúc tôi tìm tòi, học hỏi, trau dồi thêm kiến thức để tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất áp dụng cho công việc của mình. Bên cạnh đó, những năm gần đây, môi trường nghiên cứu khoa học ở Quảng Ninh cũng có nhiều thuận lợi, được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện, hàng năm đều giao nhiệm vụ, tổ chức các cuộc thi, hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, tổ chức các hội thảo khoa học… Đó vừa cơ hội để chúng tôi thể hiện, phát huy được năng lực cũng vừa là sân chơi để những người làm khoa học trình diễn được khả năng sáng tạo của mình; tiếp cận những kiến thức mới về ngành.
Chị Nguyễn Thị My (bên phải) và đồng nghiệp kiểm tra kết quả thí nghiệm. |
“Tuổi trẻ cần nhất là đam mê và môi trường để cống hiến, rất may mắn, tôi lại có đủ cả hai. Những thành quả thời gian qua trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học đã phần nào khẳng định được con đường tôi đang đi là hoàn toàn đúng. Bằng khả năng, kiến thức và đam mê, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những đề tài, công trình, giải pháp có ý nghĩa hơn nữa để cùng nâng cao thành tựu về KHCN trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp của tỉnh mình. Tôi cũng hi vọng rằng, thế hệ trẻ sau chúng tôi, những người sẽ tiếp tục gánh trên vai trách nhiệm trụ cột nước nhà sẽ phát huy được tiềm năng, sức mạnh của mình để xây dựng quê hương ngày càng phát triển hơn” – chị My chia sẻ.
Trách nhiệm và cơ hội
Từ năm 2007 đến nay, anh Trần Thanh Tuyên, chuyên viên Phòng Kỹ thuật công nghệ mỏ, Công ty Than Mạo Khê, đã không ngừng học hỏi, phát huy những kiến thức và kinh nghiệm trong công tác, phát minh nhiều sáng kiến thúc đẩy sản xuất kinh doanh, làm lợi hàng chục tỷ đồng cho Công ty.
Một trong những giải pháp hữu ích do anh làm chủ là “Tận dụng hệ thống thượng thông gió cũ để đào thượng thông gió mới với tiết diện nhỏ hơn tiết kiệm chi phí” đã giúp tiết giảm chi phí cho Công ty gần 5,2 tỷ đồng. Hay giải pháp “Tận dụng ray P24 thu hồi để đánh khuôn tăng cường các lò dọc vỉa than” giúp tăng thời gian tồn tại của lò DVT, giảm chi phí chống xén, làm lợi cho Công ty gần 1,7 tỷ đồng. Không chỉ vậy, những giải pháp của anh cũng mang lại điều kiện sản xuất an toàn hơn cho công nhân. Tiêu biểu là sáng kiến “Chế tạo vì chống hình vòm 12m2 chống giữ ngã ba đào lò XV cúp” để đảm bảo đường sắt cho tàu hoạt động kể cả khi lò bị nén đã góp phần hợp lý hóa sản xuất, thuận lợi cho thi công, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Anh Trần Thanh Tuyên (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) và các đồng nghiệp tại khu vực khai thác than hầm lò của Công ty Than Mạo Khê. |
Với nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại hữu ích lớn, nhiều năm liền anh Tuyên là Chiến sĩ thi đua của Công ty Than Mạo Khê, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Bộ Công Thương. Đồng thời được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2017; vinh danh Điển hình lao động sáng tạo tỉnh Quảng Ninh năm 2018.
Chia sẻ về động lực để phát minh ra các sáng kiến, giải pháp, anh Tuyên nói: Ngành Than là một ngành đặc thù, đội ngũ lao động, nhất là công nhân mỏ thường xuyên phải làm việc với điều kiện công việc nặng nhọc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Tôi là cán bộ kỹ thuật, nhìn thấy những khó khăn như thế, mình phải có những giải pháp để tạo môi trường làm việc thuận lợi, an toàn nhất cho người lao động. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để khẳng định trí tuệ của mình…”
Kiên trì, bền bỉ, nỗ lực vì mục tiêu
26 năm công tác trong lực lượng Công an nhân dân và hơn nửa thời gian gắn bó với lĩnh vực hình sự đã tạo tiền đề và môi trường cho Thượng tá Hoàng Văn Định, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh, nghiên cứu đề tài khoa học “Xây dựng ngân hàng dữ liệu đặc điểm nhận dạng mặt người ứng dụng vào việc dựng chân dung đối tượng gây án qua mô tả của người làm chứng và người bị hại”. Công trình này thành công đã mang lại ý nghĩa lớn, phục vụ đắc lực cho công tác điều tra, phá án của lực lượng Công an.
Thượng tá Hoàng Văn Định, chủ nhiệm đề tài “xây dựng ngân hàng dữ liệu đặc điểm nhận dạng mặt người ứng dụng vào việc dựng chân dung đối tượng gây án qua mô tả của người làm chứng và người bị hại”. |
Thượng tá Hoàng Văn Định chia sẻ: Để có được công trình này, trong suốt 10 năm, tôi cùng đồng nghiệp đã đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước thu thập ảnh chân dung người Việt Nam từ kho tàng thư căn cước, căn phạm, từ các hiệu ảnh trên toàn quốc, sau đó lọc khoảng 14.000 ảnh, bóc tách khoảng 98.000 chi tiết bộ phận trên khuôn mặt như tai, mũi, mắt, lông mày, miệng…, tạo 1.000 mặt nạ và các phụ kiện đặc điểm khác như bớt, sẹo, nốt ruồi, khuyên tai, vòng cổ… Để từ đó xây dựng được ngân hàng dữ liệu đặc điểm nhận dạng mặt người, phục vụ cho công tác điều tra tội phạm.
Ngoài nghiên cứu khoa học, Thượng tá Hoàng Văn Định còn nỗ lực trong công tác chuyên môn, không ngừng học tập tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm thực tế, rèn luyện phẩm chất chính trị, tư tưởng đạo đức cá nhân, thực hiện theo “6 Điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”. Trên cương vị là Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, đồng chí đã chỉ đạo cán bộ chiến sĩ làm tốt công tác nghiệp vụ, nắm chắc diễn biến tình hình hoạt động của các đường dây, ổ nhóm phạm tội về ma tuý, thực hiện tốt công tác phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy, đấu tranh triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm ma tuý với tính chất rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Qua đó, góp phần làm tốt công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Tỏa sáng giấc mơ góp sức cho đời
Em Lô Vũ Bình Minh, học sinh lớp 11, Trường THPT Hoàng Quốc Việt, TX Đông Triều, dù mới chỉ là học sinh cấp 3 nhưng đã sở hữu bảng thành tích đáng nể về những phần mềm ứng dụng tin học. Điều đặc biệt, những phần mềm này đều được khởi nguồn từ mong muốn tạo cảm hứng cho người dùng, nhất là các bạn học sinh tiếp cận lịch sử, văn hóa của Việt Nam.
Đam mê tin học từ nhỏ, đến năm lớp 8, được sự gợi ý của gia đình, Bình Minh bắt đầu bước chân vào con đường thiết kế ứng dụng. Minh chia sẻ: Sở thích về tin học thôi thúc em muốn được thể hiện, khẳng định mình. Xuất phát từ đó, em luôn nghĩ, mình phải làm một điều gì đó có ý nghĩa. Và ứng dụng đầu tiên với tên gọi “Lịch sử và du lịch Việt Nam” được ra đời. Giải nhất Cuộc thi Tin học trẻ toàn tỉnh năm 2017 đã tiếp tục cho em thêm nhiều động lực, đam mê và tự tin với khả năng của mình để cho ra đời những sản phẩm tiếp theo.
Em Lô Vũ Bình Minh (ngồi giữa) đang tìm hiểu về một số ứng dụng tin học. |
Hiện tại, Lô Vũ Bình Minh đang đứng tên bản quyền 4 ứng dụng về văn hóa, lịch sử, du lịch như: Lịch sử và du lịch Việt Nam; Quang Ninh Tourism; Norvel; Viture – Văn hóa Việt Nam… Bình Minh cho biết: Những tiến bộ về khoa học kỹ thuật đang mang lại cho con người nói chung và thế hệ trẻ chúng em những nguồn tri thức vô tận, cùng với đó là khả năng kết nối không biên giới. Em hy vọng, thông qua sản phẩm của mình vừa có thể quảng bá, giới thiệu về hình ảnh, đất nước con người Quảng Ninh, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới, vừa có thể giúp cho các bạn trẻ như em có thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa, du lịch của nước mình.
“Người trẻ, ai cũng có những đam mê, đam mê của em là được trở thành một lập trình viên xuất sắc và mở được một lớp dạy tin học cho các em nhỏ để truyền cảm hứng, say mê bộ môn khoa học này đến thật nhiều người hơn nữa. Trên hết đó là được góp sức của mình làm đẹp cho quê hương, làm giàu cho đất nước…” – Bình Minh chia sẻ.