Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Giải pháp được tỉnh đưa ra trong phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn tới là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khu vực tư nhân; trong đó ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực và liên quan đến sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh.

Doanh nhân Võ Đức Thọ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Hanet Việt Nam (áo kẻ, khởi nghiệp từ năm 19 tuổi) giới thiệu sản phẩm camera Al tại Hội chợ Techfest Việt Nam 2019.
Doanh nhân Võ Đức Thọ (bên phải), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Hanet Việt Nam, khởi nghiệp từ năm 19 tuổi, giới thiệu sản phẩm camera Al tại Hội chợ Techfest Việt Nam 2019.

Từ nền tảng vững chắc

Với phương châm “Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước” và “Sự thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân mạnh dạn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thành lập doanh nghiệp trên nền tảng kinh nghiệm, kiến thức có được từ thực tiễn cuộc sống và môi trường kinh doanh thuận lợi của tỉnh.

Trong 10 năm gần đây, HĐND tỉnh đã ban hành 21 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 2 chỉ thị, 1 chương trình hành động, 5 kế hoạch và hàng trăm quyết định, văn bản khác nhằm kích thích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Anh Phạm Quang Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng (thứ 2 từ phải sang) được Trung ương Hội Thanh niên Việt Nam tôn vinh là 10 doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp xuất sắc Việt Nam năm 2019.
Anh Phạm Quang Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng (thứ 2 phải sang) được Trung ương Hội LHTN Việt Nam tôn vinh là một trong 10 doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp xuất sắc Việt Nam năm 2019.

Anh Phạm Quang Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng (huyện Vân Đồn), chia sẻ: “Tôi thành lập doanh nghiệp khi 30 tuổi, khi đó có phần bỡ ngỡ, không kinh nghiệm, khó khăn trong tiếp cận môi trường SXKD. Tuy nhiên, được sự quan tâm, động viên của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Vân Đồn cùng bạn bè trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, tôi đã vững tâm vươn lên để khẳng định chính mình”.

Đến nay Công ty TNHH Thanh Tùng đã phát triển mạnh mẽ với nhiều ngành nghề SXKD, giải quyết cho hàng chục lao động địa phương có thu nhập ổn định. Với những kết quả SXKD, anh Tùng được Trung ương Hội LHTN Việt Nam tôn vinh là một trong 10 doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp xuất sắc Việt Nam năm 2019.

Cơ sở cửa hàng điện máy Thanh Tùng của anh Phạm Quang Tùng tại thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn).
Cơ sở điện máy Thanh Tùng của anh Phạm Quang Tùng tại thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn).

Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định (tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết  số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị, do Tỉnh ủy tổ chức ngày 29/9/2021): Tỉnh thống nhất quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, thay đổi toàn diện từ nhận thức đến hành động về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân. Nếu như trước kia chúng ta có quan điểm “quản lý doanh nghiệp” thì nay chuyển sang “hỗ trợ doanh nghiệp”; thay đổi tư duy từ “cung cấp những gì mình có” sang “cung cấp, hỗ trợ những gì doanh nghiệp cần”; từ “đợi doanh nghiệp hỏi mới trả lời” sang “chủ động tìm hiểu, nắm bắt khó khăn, vướng mắc đồng hành tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp”. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều động lực để gia tăng, thúc đẩy phát triển SXKD, ngay cả trong bối cảnh khó khăn nhất do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Gần 2 năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội và hoạt động SXKD của doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở SXKD, nhất là lĩnh vực dịch vụ, du lịch; song trong 10 tháng năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã có 1.694 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020, đặc biệt là có 818 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2020.

Đến nay, toàn tỉnh có 17.200 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 290.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng doanh nghiệp thành lập mới của Quảng Ninh đứng thứ 16/63 tỉnh, thành trong nước; số doanh nghiệp có kết quả hoạt động SXKD tăng 61,9% so với giai đoạn 2011-2015; số doanh nghiệp tạm ngừng quay trở lại hoạt động đạt 178%, cao hơn mức bình quân cả nước. Khu vực doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước có xu hướng tăng dần qua các năm: Năm 2015 chiếm trên 53%, dự kiến đến hết năm 2021 là trên 57%. Tỷ trọng số thu từ các doanh nghiệp trên tổng số phí, lệ phí thu được cũng tăng dần từ trên 57% năm 2015 lên trên 65% năm 2021.

Công ty CP Gốm Đất Việt - đơn vị luôn tiên phong trong thực hiện đổi mới dây chuyền sản xuất gạch, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Công ty CP Gốm Đất Việt luôn tiên phong trong đổi mới dây chuyền sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp đã thể hiện rõ bản lĩnh, sáng tạo, năng động trong cơ chế thị trường, dám chấp nhận mạo hiểm, rủi ro, vươn lên cạnh tranh trên thị trường quốc tế; không ít doanh nghiệp được nhận Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, lọt vào danh sách 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc của Việt Nam.

“Tiếp sức” cho những ý tưởng mới 

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tuy nhiên qua đánh giá về kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy một số chủ trương, chính sách của tỉnh tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp chậm đi vào cuộc sống, hiệu quả chưa cao, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Tính liên kết các doanh nghiệp với nhau để tạo “chuỗi sản xuất”, “chuỗi giá trị” còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Số lượng doanh nghiệp có thương hiệu hàng hóa chưa nhiều, sức cạnh tranh yếu, giá trị gia tăng thấp. Từ năm 2011 đến nay, Quảng Ninh chỉ có 3 doanh nghiệp nhận Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong triển khai một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp, quản lý lao động trong doanh nghiệp còn hạn chế, chưa thường xuyên, đồng bộ và chặt chẽ.

Sản xuất ruốc hàu tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy Sản Quảng Ninh - Một trong 40 thành viên Câu lạc bộ khởi nghiệp Vân Đồn.
Sản xuất ruốc hàu tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh – Một trong 40 thành viên CLB Khởi nghiệp Vân Đồn.

Xuất phát từ những yếu tố trên, đồng thời để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo khẳng định thương hiệu, bản lĩnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng Đề án “Phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, trình Tỉnh ủy xem xét, phê duyệt.

Dự thảo Đề án xác định “Phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo” là nội dung cốt lõi, làm nghiên cứu chủ trương, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo động lực thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Trong đó tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp, chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khu vực tư nhân trở thành một động lực quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh; hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, có khả năng dẫn dắt và là nhân tố trọng yếu trong chuỗi giá trị; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để khuyến khích các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hoặc chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Công ty TNHH Chè Hằng Nga đổi mới dây chuyền trong đóng gói chè và kẹo lạc.
Công ty TNHH Chè Hằng Nga (TP Hạ Long) đổi mới dây chuyền đóng gói sản phẩm chè và kẹo lạc.

Mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021-2025 Quảng Ninh có khoảng 10.000 doanh nghiệp khu vực tư nhân thành lập mới. Tăng trưởng bình quân đóng góp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp đang hoạt động đạt khoảng 15-18%/năm, trong đó doanh nghiệp tư nhân đạt khoảng 23-25%. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ hình thành và phát triển thêm ít nhất 10 tập đoàn kinh tế tư nhân, doanh nghiệp có quy mô lớn, có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, xếp thứ hạng cao trong danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Đề án xác định rõ sẽ nghiên cứu thành lập, xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh tại khu đô thị thông minh với cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất, tạo lợi thế và thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo của tỉnh. Trên cơ sở phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công – tư, tỉnh sẽ triển khai thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đưa vào khai thác và vận hành hiệu quả Trung tâm này, trở thành mô hình tiên phong trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Giải pháp được tỉnh đưa ra trong phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn tới, là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khu vực tư nhân; trong đó ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực và liên quan đến sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh.

Ban Tổ chức cuộc thi
BTC trao 2 giải nhất cho 2 ý tưởng xuất sắc tại chung kết Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” tỉnh lần thứ IV – năm 2021. Ảnh: Nguyễn Dung

Tỉnh cũng sẽ tăng cường đối thoại, chủ động hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn; nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tập đoàn kinh tế lớn tìm hiểu cơ hội và triển khai đầu tư tại tỉnh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ninh có từ 15-20 doanh nghiệp địa phương nằm trong top 500 doanh nghiệp tiêu biểu xuất sắc của cả nước.

Với những thành tựu đạt được và mục tiêu được hoạch định sẵn, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm sức mạnh, niềm tin trên chặng đường phát triển phía trước, thực sự là trụ cột đóng góp tích cực cho nền kinh tế của tỉnh.

Mạnh Trường