Bài 3: Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, bảo vệ từ xa

 Dự báo, trong thời gian tới, thế giới và khu vực sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới, tầm nhìn mới về chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Thời đại toàn cầu hóa và kỷ nguyên số (Digital Age) tiếp tục tạo ra những biến đổi sâu sắc trong mọi mặt của đời sống nhân loại. Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng đang bị thách thức nghiêm trọng bởi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ, chiến tranh ủy nhiệm và những vấn đề toàn cầu…

Trong giai đoạn phát triển sắp tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ ngày càng quyết liệt, thậm chí có nguy cơ xung đột, đối đầu, tạo thách thức rất lớn đối với các nước đang phát triển, nhất là các nước có độ mở của nền kinh tế cao, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Các nước lớn sẽ tăng cường điều chỉnh chiến lược, lôi kéo, tập hợp lực lượng, vừa hợp tác, thoả hiệp, vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau và can dự, chi phối nội bộ nước khác. Nhiều điểm nóng về an ninh tiếp tục tồn tại, có nguy cơ lan rộng, làm xuất hiện các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược mới. Khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo ra những biến đổi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. An ninh truyền thống cũng như phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, an ninh mạng… đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia.

Đất nước ta, suốt chặng đường gần 40 năm đổi mới, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử  trên con đường xây dựng và phát triển đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã từng cảnh báo vẫn còn hiện hữu, có mặt sẽ còn diễn biến phức tạp và gay gắt hơn. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sự xuống cấp về các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống; những mâu thuẫn, bức xúc trong xã hội sẽ còn diễn biến phức tạp; phân cực giàu – nghèo có xu hướng ngày càng gia tăng. Trên một số vùng chiến lược, địa bàn trọng điểm và trong một số nhóm đối tượng còn tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định. Tranh chấp biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng… là những nguy cơ lớn luôn luôn có thể xảy ra. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước sẽ còn câu kết với nhau tăng cường các hoạt động “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, công khai và trực diện hơn.

Bối cảnh tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới, tầm nhìn mới về chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, vấn đề “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” trong thời kỳ mới được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương. Cần thực hiện tốt phương châm chủ động phòng ngừa, phát hiện vấn đề bắt đầu ngay từ sự khác biệt (chưa phải mâu thuẫn, tranh chấp) để không để bị động, bất ngờ. Chủ động ngăn chặn từ sớm, khi mới xuất hiện mâu thuẫn, bất đồng “điểm nóng” trong phạm vi nhỏ, không để bùng phát, lan rộng “đám cháy nhỏ thành đám cháy lớn” ở trong nước. Đặc biệt, cần cảnh giác trước âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Trong đó, lĩnh vực chính trị, tư tưởng được họ xác định là khâu trọng tâm, đột phá; kinh tế là mũi nhọn; dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền là “ngòi nổ”; ngoại giao để hỗ trợ; quân sự để răn đe, hậu thuẫn. Trong quá trình thực hiện, khi có điều kiện, thời cơ và cần thiết sẽ kết hợp với bạo loạn lật đổ, gây xung đột, nội chiến, can thiệp vũ trang, chiến tranh ủy nhiệm… để nhanh chóng đạt được mục tiêu chiến lược.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XIII) xác định: Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là sự nghiệp của toàn dân, trong đó lực lượng Quân đội, Công an là nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.

Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh là nguyên tắc bất di, bất dịch và là quan điểm nhất quán của Đảng ta. Quan điểm này khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp quốc phòng, an ninh ở nước ta. Nếu không có sự lãnh đạo của Đảng thì không thể huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững chắc, toàn diện.

Bộ đội Phòng không – Không quân huấn luyện bảo vệ vùng trời của Tổ quốc. (Ảnh: Thái Hưng)

Trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc mới, Đảng ta xác định, thời gian tới phải chủ động xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” vững mạnh. Tập trung xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Trong đó coi trọng “thế trận lòng dân”; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững mạnh theo phương châm: “Làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”, tạo nền tảng cho thế trận quốc phòng toàn dân trong thời bình, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi đất nước có chiến tranh.

Chủ động nắm, nghiên cứu, phân tích, dự báo chính xác tình hình thế giới, khu vực, trong nước là nội dung quan trọng hàng đầu, nhằm kịp thời cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách quốc phòng, an ninh, đối ngoại, giữ thế chủ động, kịp thời hóa giải các nguy cơ bùng nổ thành xung đột, chiến tranh. Trên cơ sở đó, chuẩn bị sớm về tư tưởng, đường lối, nguồn nhân lực, vật lực, phương thức, phương tiện, phương án phòng ngừa, phát hiện từ sớm, ngăn chặn từ xa, triệt tiêu các nguy cơ, thách thức, nhất là nhân tố bên trong có thể dẫn đến đột biến bất lợi, xử lý hiệu quả mọi mầm mống có thể trở thành những nguy cơ đe dọa sự ổn định của đất nước và công cuộc lao động hòa bình của nhân dân.

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa còn là khả năng ngăn ngừa, ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra xung đột, chiến tranh không chỉ là khoảng cách địa lý mà còn về cả thời gian. Trên mặt trận này, công tác đối ngoại (trong đó có đối ngoại quốc phòng) ở vị trí tiên phong. Thực tiễn đã chứng minh tính hiệu quả của các chính sách “bang giao hòa hiếu”, mềm dẻo, khôn khéo, tránh “họa binh đao” cho đất nước mà ông cha ta đã sử dụng để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa. Kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm đó, hiện nay, hoạt động đối ngoại (ở các cấp độ) được Đảng, Nhà nước ta hết sức coi trọng và luôn xem đó là mặt công tác mũi nhọn, trọng yếu và có vai trò thiết yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng ta xác định: xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột: đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ nhiệm vụ của đối ngoại quốc phòng là: đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc. Do đó, cần phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Cần nhận thức sâu sắc phương châm lấy xây dựng làm bảo vệ, chăm lo tự lực, tự cường để đất nước có tiềm lực quốc phòng mạnh, vừa đủ sức tự bảo vệ, vừa có khẳ năng răn đe những thế lực thù địch nếu chúng có ý định nhòm ngó, phá hoại. Coi trọng tự bảo vệ và thực hiện tốt bảo vệ Tổ quốc từ bên trong, từ cơ sở, đồng thời luôn chủ động phòng thủ, ngăn chặn, đẩy lùi sự tiến công, phá hoại từ bên ngoài; kết hợp được bảo vệ và tự bảo vệ. Làm cho “trong ấm, ngoài êm” dồn sức cho phát triển đất nước mạnh giàu.

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa chính là hiện thực hóa mục tiêu bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời bình mà không phải tiến hành chiến tranh; là thượng sách bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Đại tá, Ths. Đỗ Phú Thọ – Đại tá, TS. Lê Văn Hưởng