Yêu cầu mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế để phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội là một nhiệm vụ quan trọng của tỉnh và đất nước trong giai đoạn hiện nay. Xác định rõ mục tiêu đó, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, Hội trong toàn tỉnh đã chú trọng tổ chức các phong trào, hoạt động bổ ích giúp thanh niên nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, rèn luyện kỹ năng, trang bị kiến thức để tự tin phát triển trong thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ.
Xác định ngoại ngữ vừa là cầu nối vừa là yếu tố tự thân bắt buộc phải có của thanh niên trong giai đoạn phát triển hiện nay, những năm qua, công tác tổ chức dạy và học ngoại ngữ trở thành một phong trào sôi nổi, lan tỏa mạnh mẽ trong các cấp bộ Đoàn và đông đảo đoàn viên thanh thiếu nhi (ĐVTTN) trên địa bàn tỉnh.
Với phương châm “Mỗi cán bộ, ĐVTTN đều biết và sử dụng thành thạo ít nhất 1 ngoại ngữ”, coi đây là một khâu đột phá trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh, Tỉnh Đoàn đã triển khai hiệu quả Đề án “Vận động thanh thiếu nhi tham gia học tập ngoại ngữ và tin học đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.
Theo đó, trong hơn 5 năm qua, toàn Đoàn đã duy trì, thành lập 400 câu lạc bộ, đội, nhóm học tập ngoại ngữ; thường niên tổ chức hội thi “Hùng biện ngoại ngữ”, “Olympic tiếng Anh” dành cho cán bộ Đoàn, thu hút trên 4.600 cán bộ, ĐVTTN tham gia; tổ chức 295 lớp ngoại ngữ trực tiếp và 85 lớp ngoại ngữ trực tuyến miễn phí cho 12.200 thanh thiếu nhi trong tỉnh…
Đặc biệt, vào mỗi dịp hè, phong trào dạy và học ngoại ngữ đều được tổ chức lồng ghép trong hoạt động sinh hoạt hè tại địa bàn dân cư. Từ tháng 6 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 18 lớp ngoại ngữ miễn phí với sự tham gia của 870 thanh thiếu nhi. Nổi bật, Thành Đoàn Hạ Long, Cẩm Phả đã tổ chức các cuộc thi Rung chuông vàng tiếng Anh trên địa bàn thành phố; Thị Đoàn Quảng Yên tổ chức Ngày hội tiếng Anh và thành lập lại CLB tiếng Anh cấp thị xã; Thành Đoàn Móng Cái dự kiến tổ chức Hùng biện tiếng Anh vào tháng 9…
Đồng chí Lê Tuấn Vũ, Bí thư Thành Đoàn Hạ Long, cho biết: Không chỉ là thành phố “thủ phủ” của tỉnh với các lợi thế về phát triển kinh tế, xã hội, Hạ Long còn là điểm đến du lịch nổi tiếng với du khách quốc tế. Do đó, các cấp bộ Đoàn địa phương đều chú trọng nhiệm vụ bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử cho ĐVTTN. Từ đây, tạo cho thanh niên cơ hội giao lưu, phát triển kỹ năng, đồng thời, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư góp phần xây dựng hình ảnh con người và mảnh đất Hạ Long hiện đại, văn minh và thân thiện.
Cùng với đó, phong trào học tin học được triển khai sâu rộng thông qua hội thi “Tin học trẻ”, “Tin học khối công chức, viên chức trẻ” được tổ chức thường niên, thu hút sự tham gia của hàng trăm ĐVTTN.
Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số trở thành yêu cầu tất yếu. Do đó, các cấp bộ Đoàn đã tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số, huy động sự vào cuộc chủ động của ĐVTTN thông qua các hoạt động thiết thực như: Tiếp tục tổ chức các cuộc thi, tọa đàm, tuyên truyền nâng cao kiến thức về chuyển đổi số toàn diện trong ĐVTTN; các cấp bộ Đoàn đã chỉ đạo thành lập 1.473 đội hình tham gia các Tổ công nghệ số cộng đồng với 2.634 ĐVTN tham gia.
Đồng thời, duy trì Đội thanh niên tình nguyện về hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại Trung tâm Hành chính công cấp huyện cũng như tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã; tổ chức 8 chương trình với 700 lượt ĐVTN tham gia nhằm hỗ trợ, hướng dẫn các thanh niên làm chủ doanh nghiệp giới thiệu tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, phát triển thương hiệu trên mạng xã hội Zalo, Facebook, Youtube, Tiktok…
Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế được Tỉnh Đoàn quan tâm, chỉ đạo tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nghĩa; lựa chọn, giới thiệu đại biểu tham gia giao lưu các chương trình thanh niên quốc tế nhằm tạo cơ hội cho ĐVTN được học hỏi, chia sẻ kiến thức trên nhiều lĩnh vực.
Tiêu biểu: Tỉnh Đoàn đã triển khai Biên bản ghi nhớ với Đoàn Thanh niên 3 tỉnh Xay-nhạ-bu-ly, Hủa Phăn và Luông Pha Băng (Lào), triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Đồng thời, phát huy vai trò thanh niên tham gia quản lý biên giới lãnh thổ quốc gia, nắm tình hình thanh niên các địa phương giáp biên với Trung Quốc (Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái) chủ động tổ chức hoạt động ngoại giao văn hóa, đối ngoại nhân dân.
Với các chương trình, hoạt động cụ thể, thiết thực, các cấp bộ Đoàn đã tạo môi trường thuận lợi để ĐVTTN có điều kiện học tập, rèn luyện, trang bị kỹ năng, kiến thức để tự tin và sẵn sàng hội nhập trước yêu cầu phát triển mạnh mẽ của tỉnh và đất nước.