Khởi nghiệp với du lịch cộng đồng

“Bên cạnh những danh lam, thắng cảnh, Quảng Ninh còn có một kho báu về truyền thống văn hóa của đồng bào DTTS, khai thác hướng đi này chính là cách mà tôi cùng nhóm của mình lựa chọn để làm đa dạng thêm các sản phẩm du lịch cho quê hương…” – Đó là chia sẻ của Nguyễn Trung Kiên, thành viên nhóm khởi nghiệp Am Váp Farm (TP Hạ Long) khi triển khai mô hình du lịch cộng đồng tại xã Kỳ Thượng. Không chỉ kỳ vọng mang lại thu nhập cho các thành viên tham gia, mô hình này cũng mở ra một hướng đi mới để phát triển kinh tế tại cộng đồng DTTS, đồng thời góp phần giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc dân tộc.

Nguyễn Trung Kiên (ngồi giữa) cùng cộng sự và người dân địa phương tại Khu du lịch cộng đồng Am Váp Farm Kỳ Thượng (TP Hạ Long).

Nguyễn Trung Kiên vốn là một giáo viên dạy mỹ thuật, nhưng luôn ấp ủ ước mơ khởi nghiệp, được bứt phá và thể hiện hết đam mê, sức trẻ của mình. Năm 2011, khi ở tuổi 29, anh Kiên bắt đầu thực hiện đam mê của mình với công ty chuyên về thiết kế quảng cáo. Đây chính là bàn đạp để anh tiếp tục dấn thân trên con đường kinh doanh với những lựa chọn, quyết định táo bạo hơn.

Nguyễn Trung Kiên chia sẻ: Quá trình kinh doanh, tôi được tiếp xúc với các thành viên của CLB Đầu tư và khởi nghiệp. Qua những chương trình, chuyến đi của CLB, tôi nhận thấy du lịch cộng đồng đang được nhiều du khách lựa chọn. Đây cũng là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa. Tiềm năng từ du lịch cộng đồng đã khơi gợi và thúc đẩy tôi cùng đồng sự thành lập dự án Am Váp Farm tại xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long.

Am Váp Farm lựa chọn hướng khai thác giá trị văn hóa bản địa gắn liền với thiên nhiên để phát triển du lịch.

Cũng theo anh Kiên, Am Váp Farm được hoạt động trên nền tảng văn hóa bản địa, với sự tham gia của cộng đồng địa phương. Lựa chọn điểm đến này, khách du lịch sẽ được lưu trú và trải nghiệm những hoạt động gắn liền với thiên nhiên và người dân như: Trồng trọt, sản xuất, chèo thuyền, bơi suối, tham quan rừng trúc, thưởng thức ẩm thực sạch được nuôi trồng, chế biến ngay tại nông trại ở nông thôn. Tại Kỳ Thượng, bên cạnh khí hậu thiên nhiên trong lành, mát mẻ, du khách cũng sẽ được khám phá những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán.

Khởi nghiệp với mô hình mới, Nguyễn Trung Kiên và các cộng sự gặp rất nhiều khó khăn, từ vốn, ý tưởng, cho đến sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân cộng đồng.

Anh Kiên tâm sự: Để dự án có tính bền vững thì sự hợp tác của cộng đồng là đặc biệt quan trọng. Chúng tôi lựa chọn phương án cam kết lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân và đảm bảo không phá vỡ giá trị tự nhiên, cảnh quan, môi trường tại khu vực. Hiện mô hình đang nhận được sự hợp tác của hơn 30 lao động là người DTTS của địa phương.

Khách du lịch khám phá văn hóa dân tộc Dao tại khu du lịch Am Váp Farm Kỳ Thượng.

Chị Lý Thị Thủy (thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long), cho biết: Từ khi tham gia dự án du lịch cộng đồng của Am Váp Farm, những sản phẩm của bà con nhân dân trong vùng làm ra không chỉ dừng lại ở tự cung tự cấp nữa, mà đã được bán ra thị trường với lượng tiêu thụ ngày càng nhiều. Nhờ đó, thu nhập của người dân chúng tôi đã được cải thiện hơn.

Hiện tại, Am Váp Farm đang chuẩn bị cho sự kiện khai trương vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5. Tuy nhiên, hoạt động đón khách đã được thực hiện từ năm 2021, khi những hạng mục cơ bản của dự án đã thành hình. Dù mới chỉ là các nhóm khách nội tỉnh, nhưng những tín hiệu vui ban đầu đã tiếp thêm sức mạnh cho anh Kiên và đồng sự về một hướng đi bền vững hơn cho du lịch tỉnh nhà.

Anh Nguyễn Trung Kiên (bên phải) cùng cộng sự thiết kế các chi tiết cho khu du lịch.

Anh Kiên chia sẻ: Mong muốn của đội ngũ là mang đến một sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, khác biệt cho du khách khi đến với Hạ Long, đồng thời, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa bản địa tốt đẹp của các dân tộc, cũng như tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh, xã hội của địa phương.

Nguyên Ngọc