Công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Trong công tác tư tưởng của Đảng, dư luận xã hội vừa là một xuất phát điểm, vừa là một mục tiêu cần đạt tới. Kết quả nghiên cứu dư luận xã hội không chỉ là một trong những căn cứ để xây dựng chủ trương, xác định giải pháp công tác tư tưởng cũng như công tác lãnh đạo, quản lý xã hội, mà còn là một trong những cơ sở của việc định hướng dư luận xã hội. Định hướng dư luận xã hội nhằm thúc đẩy dư luận xã hội lành mạnh, tích cực phát triển theo xu hướng đồng thuận với lợi ích của nhân dân, của quốc gia – dân tộc là một trong những mục đích của công tác tư tưởng và là nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.
Dư luận xã hội là hiện tượng xã hội thuộc lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội. Suy đến cùng, dư luận xã hội chịu sự tác động của điều kiện xã hội khách quan nơi nó diễn ra, nhưng dư luận xã hội cũng vận động, biến đổi theo quy luật riêng của nó. Phân tích những điều kiện khách quan, chủ quan tác động thuận chiều và trái chiều tới sự hình thành, biến đổi của dư luận xã hội là điều kiện cần thiết để xác định hệ giải pháp nâng cao hiệu quả định hướng dư luận xã hội phục vụ công tác tư tưởng.
Công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay đang có nhiều thuận lợi căn bản, đó là:
– Sự nghiệp đổi mới trong gần 35 năm qua mang lại nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của đất nước. Những thành tựu đó tạo ra cho người dân điều kiện, cơ hội tham gia ngày càng nhiều hơn vào đời sống chính trị đất nước, tính tích cực chính trị – xã hội của nhân dân ngày càng cao. Nhân dân ngày càng được biết, được bàn bạc công khai những vấn đề liên quan đến nhu cầu, lợi ích chính đáng của họ.
– Hệ thống chính trị của đất nước ngày càng phát triển, hoàn thiện. Các tổ chức chính trị – xã hội ngày càng phát huy vai trò to lớn trong đời sống xã hội, nâng cao uy tín của các tổ chức này trước nhân dân. Các tổ chức chính trị – xã hội thực sự trở thành một kênh quan trọng để nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, quan điểm của mình.
– Dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội được nâng cao. Nhân dân được tham gia rộng rãi hơn vào quá trình hình thành các quyết sách có liên quan đến nhu cầu, lợi ích của họ. Trình độ văn hóa, nhất là văn hóa chính trị của nhân dân được nâng cao, các ý kiến, quan điểm, sự đánh giá của nhân dân có chất lượng hơn.
– Các phương tiện truyền thông, nhất là các phương tiện truyền thông đại chúng và các phương tiện truyền thông mới đang phát triển thông tin nhanh chóng đến các đối tượng công chúng, kể cả công chúng ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Thông tin do các phương tiện truyền thông mang đến cho công chúng đa dạng, phong phú, cập nhật, phù hợp nhu cầu và mang tính khách quan. Những thông tin này không chỉ đáp ứng quyền được thông tin và nhu cầu tinh thần, văn hóa lành mạnh của nhân dân, mà còn góp phần tạo lập, định hướng dư luận xã hội tích cực, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, các thông tin sai lệch, xuyên tạc và cải chính, bác bỏ các tin đồn nhảm, kích động do các phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất, các thế lực thù địch gieo rắc, phát tán.
– Sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý công tác dư luận xã hội nói chung và công tác định hướng dư luận xã hội nói riêng. Trong nhiều văn bản, Đảng và Nhà nước cũng như các cấp Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội coi việc định hướng dư luận xã hội là một nhiệm vụ quan trọng. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 (khóa VI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng nhấn mạnh: “Công tác tư tưởng phải bám sát cuộc sống, bám sát tâm tư, nguyện vọng quần chúng”1. Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010 được ban hành theo Quyết định số 219/2005/QĐ – TTg ngày 9/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định: “Hoàn thiện phương thức và cơ chế phối hợp để xử lý có hiệu quả thông tin phản hồi của nhân dân đóng góp, phản ánh với Đảng và Nhà nước, nâng cao chất lượng điều tra dư luận xã hội, tăng cường hệ thống thông tin đối ngoại, chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII) về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ: “Nâng cao chất lượng thông tin nội bộ và công tác tuyên truyền. Coi trọng biện pháp điều tra dư luận xã hội”2. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) nhấn mạnh: “Chú trọng công tác nghiên cứu, điều tra xã hội học, nắm bắt dư luận xã hội phục vụ công tác tư tưởng”. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa XI), Đảng chỉ rõ: “Phát huy sức mạnh của dư luận xã hội lành mạnh hỗ trợ cho các biện pháp quản lý của Nhà nước và các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân”. Ngày 18/4/2014, Ban Bí thư Trung ương khóa XI ban hành Kết luận số 100 – KL/TW về “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”.
Tuy nhiên, công tác nghiên cứu dư luận xã hội ở nước ta hiện nay cũng đang gặp những khó khăn như:
– Sự phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu làm cho cơ cấu xã hội ngày càng đa dạng. Sự phân hóa về giai tầng xã hội, về thu nhập và mức sống gia tăng, theo đó sự phân hóa về lợi ích, sự đa dạng về tư tưởng, quan điểm cũng ngày một phát triển hơn. Sự khác biệt trong nhận thức, nhất là trong phán xét đánh giá về các sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội của các giai tầng, các nhóm xã hội, các tổ chức xã hội sẽ gia tăng và phát triển như một xu hướng tất yếu.
– Trong điều kiện bùng nổ thông tin, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới và mạng xã hội, công chúng tiếp xúc với nhiều luồng thông tin đa dạng, đa chiều. Trong đó, có những thông tin trái chiều, thất thiệt từ các thế lực thù địch, nhưng còn một bộ phận công chúng “miễn dịch” chưa được, chưa đủ sáng suốt để đánh giá sự đúng – sai, thật – giả trong các luồng thông tin ấy.
– Đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền còn hạn chế năng lực định hướng thông tin. Đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, định hướng dư luận xã hội còn thiếu kỹ năng nghiên cứu, nắm bắt, phân tích, dự báo xu hướng vận động của dư luận xã hội, đặc biệt là khả năng phối hợp với những người làm công tác truyền thông tại các cơ quan trong hệ thống chính trị để định hướng dư luận xã hội.
Giải pháp nâng cao hiệu quả định hướng dư luận xã hội phục vụ công tác tư tưởng
Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác định hướng dư luận xã hội
Đảng lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, do vậy Đảng lãnh đạo công tác tư tưởng và công tác định hướng dư luận xã hội là một nội dung quan trọng của công tác tư tưởng và công tác lãnh đạo, quản lý xã hội.
Định hướng dư luận xã hội trước hết và chủ yếu bằng việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời và có chọn lọc, có định hướng cho dư luận xã hội thông qua tất cả các phương tiện truyền thông cả truyền thống và hiện đại.
Để đảm bảo cho việc đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao hiệu quả công tác định hướng dư luận xã hội cần quan tâm đến các vấn đề sau:
Thứ nhất, lãnh đạo, chỉ đạo phải kịp thời. Để các phương tiện truyền thông, trước hết là báo chí thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về sự kiện, hiện tượng, các cấp ủy Đảng thông qua các cơ quan chuyên môn, cần sớm đưa ra quan điểm chỉ đạo chính thức để các phương tiện truyền thông có phương hướng thông tin thống nhất, kịp thời. Nếu lãnh đạo, chỉ đạo chậm, quan điểm chính thức, chính thống của cơ quan lãnh đạo thiếu kịp thời thì hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo sẽ hạn chế, theo đó hiệu quả định hướng dư luận xã hội cũng bị hạn chế.
Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo phải đảm bảo tính khoa học, tính thống nhất cao: Để định hướng dư luận xã hội theo mục đích đặt ra, các cơ quan thông tin, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân rất cần nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ, khoa học, chính xác, đặc biệt là phải có tính thống nhất, nhất quán cao từ phía các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm của Đảng. Nếu sự chỉ đạo thiếu thống nhất, diễn ra theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, các cơ quan truyền thông, nhất là truyền thông đại chúng rất khó khăn trong việc đưa tin và trong một số trường hợp buộc phải dừng việc thông tin, tác động định hướng dư luận xã hội sẽ giảm, thậm chí không có.
Nâng cao chất lượng nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội
Dư luận xã hội là hiện tượng xã hội có thể định hướng được, nhưng định hướng dư luận xã hội là công việc khó khăn, phức tạp. Để có cơ sở cho việc xác định nội dung, lựa chọn phương pháp định hướng dư luận xã hội, phải có thông tin đầy đủ về thực trạng và xu hướng vận động của dư luận xã hội nghĩa là phải nghiên cứu về nó. Các nghiên cứu làm căn cứ cho việc định hướng dư luận xã hội phải hướng vào việc làm rõ bản chất, các tính quy luật và những nhân tố khách quan, chủ quan tác động, ảnh hưởng đến quá trình phát sinh, phát triển của các luồng dư luận khác nhau cũng như cơ sở khoa học để đánh giá, phân tích một luồng dư luận nào đó. Việc nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội cần tuân thủ nghiêm ngặt các công đoạn, các khâu, các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu, đảm bảo kết quả nghiên cứu mang tính khách quan, chân thực.
Các cuộc điều tra phục vụ công tác định hướng dư luận xã hội cần được tổ chức theo các định hướng chủ yếu sau:
– Các cuộc điều tra do cơ quan chức năng của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp tiến hành định kỳ nhằm giúp cơ quan truyền thông nắm bắt dư luận xã hội về những vấn đề, sự kiện thời sự, nóng bỏng trong từng thời điểm nhất định. Kết quả nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội theo hướng này giúp các cơ quan truyền thông những căn cứ cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch thông tin – truyền thông. Để chủ đề nghiên cứu phục vụ hữu ích cho công tác định hướng dư luận xã hội của cơ quan truyền thông, trước khi tiến hành điều tra, cơ quan chức năng có thể trưng cầu, tham khảo ý kiến của cơ quan truyền thông về nội dung nghiên cứu.
– Các cuộc điều tra xuất phát từ yêu cầu của cơ quan truyền thông. Theo hướng nghiên cứu này, một cơ quan truyền thông có thể độc lập nghiên cứu hoặc các cơ quan truyền thông liên kết, phối hợp với nhau cùng nghiên cứu hay “đặt hàng” các cơ quan chuyên nghiên cứu dư luận xã hội thực hiện.
Ngoài ra, tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là Ban Tuyên giáo cấp ủy và Mặt trận Tổ quốc cần chủ động, kịp thời nắm bắt dư luận xã hội về các sự kiện, hiện tượng mang tính thời sự, liên quan đến lợi ích của cơ quan, tổ chức mình và lợi ích của quốc gia – dân tộc, lợi ích của nhân dân. Những thông tin dư luận xã hội được nắm bắt qua kênh này là cơ sở rất quan trọng để định hướng dư luận xã hội trong nội bộ cơ quan, tổ chức đó và định hướng dư luận xã hội trên quy mô toàn xã hội.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực định hướng dư luận xã hội cho cán bộ truyền thông và cán bộ làm công tác dư luận xã hội
Những kiến thức và kỹ năng công tác dư luận xã hội nói chung và kỹ năng định hướng dư luận xã hội nói riêng cần được đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ chuyên trách, các cộng tác viên dư luận xã hội và cán bộ truyền thông, bao gồm: kiến thức lý luận và nghiệp vụ công tác tư tưởng, kiến thức về tâm lý học xã hội, xã hội học, khoa học chính trị, những hiểu biết cơ bản và chuyên sâu về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, họ cần được đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức lý luận về dư luận xã hội, các kỹ năng điều tra, nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội, kỹ năng tổng hợp, phân tích, dự báo dư luận xã hội. Biết xây dựng kế hoạch và thành thục các bước tiến hành một cuộc điều tra dư luận xã hội…
Hình thức đào tạo, bồi dưỡng có thể là: đào tạo dài hạn các ngành xã hội học, tâm lý học, công tác tư tưởng, hoặc có thể tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn, bồi dưỡng chuyên đề, bồi dưỡng nâng cao, bồi dưỡng theo chức danh, bồi dưỡng dưới hình thức hội nghị, hội thảo, tham quan, trao đổi kinh nghiệm…
Để các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, đáp ứng nhu cầu công tác cần tổ chức các cuộc thăm dò nhu cầu về số lượng, về nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng. Tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu, rút kinh nghiệm về nghiệp vụ của cộng tác viên dư luận xã hội là một hình thức bồi dưỡng vì qua đây các cộng tác viên có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác của mình. Đồng thời, đây cũng là một kênh để phát hiện, nắm bắt nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng các cộng tác viên dư luận xã hội hiện nay.
Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ các phương tiện truyền thông trong định hướng dư luận xã hội
Tham gia định hướng dư luận xã hội là tất cả các lực lượng, phương tiện truyền thông bao gồm các phương tiện truyền thông trực tiếp (truyền thông cá nhân, truyền thông nhóm) và truyền thông gián tiếp (truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội). Trong các phương tiện truyền thông trên đây, vai trò to lớn thuộc về các phương tiện truyền thông đại chúng, tuyên truyền miệng và hoạt động của báo cáo viên cũng như vai trò của các thủ lĩnh dư luận (những người lãnh đạo, quản lý, những người có uy tín trong cộng đồng).
Đối với các sự kiện, vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội lan tỏa nhanh, tác động mạnh mẽ, sâu sắc trong đời sống xã hội, nếu thiếu sự phối hợp, thống nhất, chia sẻ quan điểm vì lợi ích chung sẽ dẫn đến hỗn loạn, mất định hướng, công chúng hoang mang vì không biết tin vào ai, chủ thể nào, phương tiện truyền thông nào.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo cấp ủy các cấp, với Quốc hội và Hội đồng nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong việc nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân để làm căn cứ cho việc định hướng dư luận xã hội tích cực phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, hạn chế nhận thức sai lệch và loại bỏ các tin đồn nhảm, kích động, chia rẽ
Định hướng dư luận xã hội là để hình thành dư luận xã hội đúng đắn, tích cực, có lợi cho việc ổn định và phát triển xã hội. Điều đó tất yếu đòi hỏi phải đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, các thông tin sai lệch, xuyên tạc, khẳng định quan điểm đúng đắn, chính thức của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, cần minh bạch hóa các nguồn thông tin, phân biệt rõ dư luận xã hội và tin đồn, loại bỏ tin đồn thất thiệt, các luận điệu kích động, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ủng hộ các luồng dư luận xã hội đúng đắn, tích cực.
Trong các ý kiến, quan điểm của dư luận xã hội có nhiều ý kiến, quan điểm đúng đắn, khách quan, nhưng cũng có một số luồng ý kiến, quan điểm sai lầm, chủ quan, thiên lệch mà những ý kiến, quan điểm này có nguyên nhân từ việc thiếu thông tin hoặc có thông tin nhưng bị bóp méo, bị biến dạng bởi lợi ích cá nhân cực đoan hoặc “lợi ích nhóm” cục bộ. Trong điều kiện ấy cần cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan và quan trọng hơn là phải phân tích rõ các mối quan hệ về lợi ích để trên cơ sở đó hạn chế, chấn chỉnh các nhận thức sai lệch, tạo môi trường, điều kiện cho dư luận xã hội đúng đắn, lành mạnh phát triển và phát huy tác dụng trong đời sống xã hội.
Nghiên cứu, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội là hai nội dung, hai nhiệm vụ quan trọng ngang nhau của công tác dư luận xã hội. Nếu kết quả nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội là một nguồn thông tin cần thiết để làm căn cứ cho việc hoạch định, bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật và mọi chủ trương công tác thì định hướng dư luận xã hội là kết quả trực tiếp của việc nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội, là một mục đích của công tác dư luận xã hội mà các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội không thể xem nhẹ. Công tác định hướng dư luận xã hội một khi được coi trọng đúng mức, chất lượng, hiệu quả được nâng cao thì tình hình tư tưởng xã hội sẽ ổn định, trật tự, an toàn xã hội sẽ được đảm bảo, sự thống nhất giữa ý Đảng – lòng dân sẽ nâng cao, đoàn kết xã hội sẽ bền vững.
Lương Khắc Hiếu
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền