Anh Nguyễn Minh Ngọc ở phường Xuân Sơn, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đi tiên phong phát triển chăn nuôi đà điểu, mở ra hướng đi mới ở địa phương.
Trang trại của Nguyễn Minh Ngọc nằm giữa cánh đồng Cầu Cau (khu Xuân Viên 4, phường Xuân Sơn). Với diện tích 5ha, những ai đến đây cũng phải mỏi chân để tham quan hết trang trại của Ngọc. Bất ngờ hơn là ông chủ trang trại còn khá trẻ, nhiệt huyết và năng động.
Sinh năm 1984, tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ngọc đã làm ở nhiều công ty khác nhau. Mặc dù sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm trong ngành giáo dục nhưng Ngọc lại yêu thích công việc của nhà nông. Chính vì thế mà, cách đây 10 năm, vừa đi làm ở công ty chuyên về xuất nhập khẩu, với chút vốn trong tay, Ngọc vẫn mày mò, quyết chí làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại.
Thời gian đầu, vợ chồng Ngọc ra đồng Cầu Cau xây dựng trang trại chỉ có 1ha đất nhưng đến nay, đã mở rộng được 5ha, trồng trọt, chăn nuôi với đủ các loại cây, con. Vợ chồng anh đã quy hoạch làm đầm nuôi rươi với diện tích 3ha, đào ao, thả cá, nuôi sâm cầm, trồng hoa lan và xây dựng chuồng trại theo quy trình khép kín như lợn, gà, vịt, ngan. Hiện tại, gia đình anh nuôi hơn 6.000 con gà, 4.000 con vịt, ngan.
Ấn tượng nhất là chàng kỹ sư kinh tế này còn chăn nuôi 100 con đà điểu sinh sản. Anh cũng là người đầu tiên của tỉnh và thị xã chăn nuôi đà điểu. Tham quan trang trại đà điểu của anh Ngọc ai cũng ấn tượng bởi được ngắm nhìn những “chú chim” khổng lồ, khỏe mạnh đang tung tăng trong khu chuồng nuôi rộng lớn.
Anh Ngọc chia sẻ: “Đà điểu đến với tôi như một cái duyên. Tôi vốn thích chăn nuôi từ nhỏ nên khi bắt tay vào xây dựng trang trại, ngoài nuôi gà, vịt, tôi học hỏi và quyết định nuôi đà điểu từ năm 2013. Khi mới nuôi, ai cũng cho là tôi mạo hiểm vì loài vật này ở địa phương chưa có ai nuôi cả. Những năm đầu, tôi chọn nuôi thương phẩm với 50 con.
Thực ra, nuôi đà điểu cũng rất đơn giản, vì đây là con vật dễ nuôi, lớn nhanh, ít dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là rau cỏ, ngô, thóc. Đà điểu sống quen trong môi trường hoang dã nên rất sợ tiếng ồn, do đó, trang trại phải tách biệt với khu dân cư.
Đây là giống ưa chạy nhảy nên chuồng phải có diện tích rộng, nền chuồng phải có cát để đà điểu dễ vận động. Giá bán 1 kg thịt đà điểu là 100.000 đồng, sau 10 tháng nuôi cho trọng lượng 1 tạ, xuất bán trung bình là 10 triệu đồng/con.
Ngoài sản phẩm thịt đà điểu, vợ chồng tôi còn bán thêm trứng để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Mỗi con đà điểu cái đẻ từ 35 – 40 quả trứng/năm. Trên thị trường hiện nay, trứng đà điểu có giá 150.000 đồng/quả. Sau khi trừ chi phí là tiền giống, thức ăn, công nuôi thì mỗi con đà điểu tôi cũng thu lãi khoảng 5 triệu đồng”.
Sau nhiều năm kiên trì nuôi thử quy mô đàn nhỏ, nhận thấy kỹ thuật nuôi đà điểu không khó, phù hợp với điều kiện đất đai của gia đình và cũng là tính con đường phát triển kinh tế lâu dài, từ năm 2019, anh Ngọc quyết định mở rộng đàn nuôi, chỉ nhặt tỉa những con đà điểu xấu để bán thương phẩm, còn lại anh chuyển sang nuôi sinh sản để gây con giống bán cho những người có nhu cầu. Hiện trong chuồng có 100 con đà điểu với trọng lượng mỗi con khoảng 1 tạ.
Từ mô hình kinh tế trang trại, mỗi năm sau khi trừ chi phí, Nguyễn Minh Ngọc thu lãi gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 công nhân lao động là thanh niên của địa phương. Anh Nguyễn Công Thái, lao động làm việc tại trang trại cho biết: “Tôi vào làm trong trang trại của anh Ngọc từ đầu năm 2019. Công việc của tôi là chăm sóc đàn đà điểu. Thu nhập mỗi tháng của tôi tại đây là 5 triệu đồng, cũng khá ổn cho cuộc sống của gia đình”.
Hiệu quả từ phát triển kinh tế trang trại, đặc biệt là từ mô hình chăn nuôi đà điểu của anh Nguyễn Minh Ngọc đã minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ cùng khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Không chỉ làm giàu cho gia đình, Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ, anh luôn sẵn sàng giúp đỡ các hộ nông dân trong và ngoài xã về kinh nghiệm chăn nuôi đà điểu, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Mai Hậu