Trong lời nói đầu cho cuốn Địa chí Quảng Ninh, Giáo sư Vũ Khiêu viết: “Quảng Ninh có thể coi là một trong những mảnh đất kỳ lạ của hành tinh, một sản phẩm có một không hai, vừa là của tạo hóa, vừa là của chính con người. Dưới khoảng trời xanh tĩnh lặng, những đảo đá vừa uy nghi, trầm mặc, vừa mộng mơ, lãng mạn là những di sản văn hóa vật chất và tinh thần từ cuộc sống hiện thực của biết bao thế hệ con người, miệt mài trong lao động, đấu tranh để vươn tới những gì tốt đẹp nhất. Nơi đây, mỗi bờ cát, mỗi con sóng đều thấm đượm những hạnh lạc và ưu tư, những nước mắt và nụ cười, những giọt mồ hôi và cả máu đỏ của bao nhiêu con người… Tất cả cứ lắng đọng lại cùng thời gian, trầm tích trong những lớp đất đá, cỏ cây, trời mây, sóng nước, mỗi góc phó, con đường, xóm thôn, bến bãi… làm lay động lòng người.”
Nhớ lại 58 năm trước (năm 1963) khi thực hiện hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh, trong cuộc họp của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị lấy mỗi tỉnh một chữ cuối của Hồng Quảng và Hải Ninh, ghép lại thành Quảng Ninh, vừa dễ nhớ, lại có nhiều nghĩa. “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững. Quảng Ninh là một vùng rộng lớn, yên vui, bền vững.
Vùng đất yên vui, rộng lớn đó là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất của văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ và sự hội tụ, giao thoa giữa nền văn minh sông Hồng với văn hóa vùng Đông Bắc. Cơ tầng văn hóa đó đã hình thành nên giá trị cốt lõi của tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của người Quảng Ninh…
Sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa truyền thống được chắt lọc từ nhiều vùng miền trong cả nước và văn hóa hiện đại ra đời trong cuộc sống công nghiệp, cùng với sự giao thoa văn hóa hội nhập quốc tế hiện nay đã tạo nên cốt cách con người Quảng Ninh năng động, sáng tạo, hào sảng, văn minh, thân thiện. Đó là thế mạnh, là nguồn lực to lớn để làm nên sức mạnh trường tồn của vùng đất phên dậu Tổ quốc, là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hiện thực hóa mục tiêu “xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc”.
Ai đó đã từng viết “Xa quê hương suốt mấy chục năm rồi. Mãi trong ta nhớ miền quê yêu dấu” – Miền quê đó có mênh mông sóng biển Hạ Long, có cao cao những tầng than đen, hun hút những đường lò sâu, có dấu xưa Yên Tử, có địa đầu Móng Cái, Quan Lạn, Cô Tô… để “Đêm nằm nghe rì rào sóng vỗ. Thấy như đang Quảng Ninh quê mình”.
Hòn Gai là cái tên xưa cũ của thành phố Hạ Long bây giờ. Đối với những người đã sinh ra và lớn lên hoặc có gần như cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất này, Hòn Gai như là máu thịt, là một phần không thể thiếu. Trải qua thời gian, trải qua thăng trầm, đã có biết bao nhiêu đổi thay, nhưng với họ, Hòn Gai xưa – Hạ Long nay vẫn luôn thân quen như là hơi thở…
Giờ đây trong các báo cáo hàng năm của tỉnh, kết quả sản xuất nông nghiệp đã xếp cuối cùng, nhường chỗ cho công nghiệp, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu, cảng biển… Ngã ba Cột đồng hồ khi xưa giờ đã trở thành ngã 5, ngã 6. Cột đồng hồ đã quy mô, hiện đại, rực rỡ hơn. Những chuyến phà cập bến đôi bờ Hòn Gai-Bãi Cháy đã chỉ còn trong ký ức mỗi người, thay vào đó là cây cầu Bãi Cháy lấp lánh ánh đèn. Sắp tới, từ bên này Hòn Gai sang bên kia Bãi Cháy, Hoành Bồ còn có cầu Cửa Lục 1, Cửa Lục 3. Hòn Gai xưa – Hạ Long nay không còn bé nhỏ man mác buồn với màu xám xịt của khó khăn mà thay đổi vượt bậc, vươn mình trở thành thành phố du lịch sầm uất, hiện đại. |
Quảng Yên – vùng đất nên thơ nằm bên dòng Bạch Đằng giang đã ghi những dấu ấn đặc biệt vào văn hoá, lịch sử đất nước với 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược phương Bắc, với những lễ hội, những công trình mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Và vùng đất ấy cũng ghi dấu ấn vào tâm tư con người theo một cách rất riêng, thấm sâu vào lòng người những lớp lang kỷ niệm, những ân tình chan chứa. Để những còn người ấy, dù vẫn đang gắn bó với dòng sông huyền thoại Bạch Đằng hay đã đi khắp bốn phương, trải qua bao thăng trầm của đời người, vẫn vẹn nguyên một tấm lòng tha thiết với quê hương, với hai chữ Quảng Yên nặng nghĩa, nặng tình. Giờ đây, Quảng Yên xôn xao những con đường lớn, những phố thị khang trang và bao cây cầu nối bờ vui đã dần khai mở diện mạo một đô thị mới. Nơi đây đã và đang là điểm kết nối quan trọng của các công trình giao thông liên vùng Đông Bắc, những cảng biển hiện đại hay các khu công nghiệp Nam Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc, Đông Mai,… đang đà phát triển; những vùng sản xuất rau, vùng nuôi hải sản tập trung, vùng trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao cũng đang rộn ràng nhịp điệu ngày mới. Một Quảng Yên anh hùng, quật khởi trong cách mạng tháng 8, một Quảng Yên thanh bình, no ấm bao đời giờ đang vươn vai đứng dậy để hội nhập toàn diện. Tất cả đang mở ra những bước phát triển ấn tượng về kinh tế – xã hội cho một vùng đất ven biển còn nhiều tiềm năng chưa khai phá. Song nội lực dồi dào đã thể hiện bằng những con số đáng mừng mà Quảng Yên góp vào mức tăng trưởng chung của toàn tỉnh Quảng Ninh. Trong nhịp sinh sôi của thiên nhiên, nhịp phát triển của cả một vùng đất lớn ấy, là biết bao tâm sức của ngàn, vạn người con Quảng Yên đang nỗ lực vì thị xã hôm nay – thành phố biển ngày mai. |
“Học đi em. Học đi mà nhớ mãi. Quê hương ta một dải. Từ mũi Cà Mau. Đến địa đầu Móng Cái…”. Móng Cái – vùng đất phên giậu đó là nơi ta đặt niềm tin mãnh liệt từ khi cô dạy đặt nét bút đầu tiên vẽ bản đồ đất nước, hun đúc tâm hồn ta biết sống cho Tổ quốc thiêng liêng… Móng Cái đang trỗi dậy mạnh mẽ trong hình hài, diện mạo của một thành phố vùng biên năng động, hiện đại, luôn trong tốp đầu phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh Quảng Ninh. Từ cây cầu Bắc Luân II đến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và mới đây là dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh trong Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái… tất cả đang mở ra thêm “cánh cửa” giao thương, hội nhập mạnh mẽ đưa Móng Cái đến gần hơn với thế giới, là cơ sở để thành phố vươn mình sớm hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, cảng biển trọng điểm của Quảng Ninh và tiến tới là của cả nước. Những chiến công từ thời chiến cho đến những thành tựu ở thời bình hôm nay của Móng Cái cứ thế lấp lánh, rực rỡ như khúc hoan ca rộn ràng bên dòng sông Ka Long hiền hòa, chảy mãi..>>> Xem tiếp |
Có lưng tựa núi và hướng ra sông lớn, vùng đất cửa ngõ phía Tây Đông Triều ẩn chứa trong mình một bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm. Ánh hào quang, vàng son từ quá khứ xa xưa ấy cũng như khí thế cách mạng của một vùng đất cách mạng năm nào hun đúc niềm tự hào thiêng liêng cho mảnh đất, con người Đông Triều vững bước đi lên hôm nay… Đông Triều không chỉ là quê gốc của nhà Trần mà còn là vùng đất có bề dày truyền thống từ xa xưa, thời Hai Bà Trưng đã xuất hiện nữ tướng Lê Chân ở làng Vẻn, thời Lý có chùa Quỳnh Lâm, thời vua Lê, chúa Trịnh cũng xây dựng rất nhiều chùa chiền trên đất này, biến Đông Triều thành vùng đất có truyền thống văn hoá, để lại dấu tích tốt đẹp, giá trị. Đó là chùa Ngoạ Vân nơi vua Trần Nhân Tông hóa phật, chùa Quỳnh Lâm là học viện của phái Trúc Lâm, chùa Hồ Thiên là nơi đào tạo các cao tăng của phật giáo Trúc Lâm, hay đền Sinh, Thái Miếu… Truyền thống đó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng, nhận thức của con người Đông Triều xưa nay với niềm vinh dự, tự hào về truyền thống quê hương, tổ tiên xưa. |
Vùng mỏ Cẩm Phả bây giờ đã mang diện mạo của đô thị hiện đại, năng động, phát triển. Những khu lán trại ngày xưa nay đã không còn. Đời sống của công nhân mỏ đã sung túc, đủ đầy, hạnh phúc hơn. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: Đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, khu đô thị Du lịch Dịch vụ Bái Tử Long… được xây dựng. Gắn bó cả đời người nơi đây, trong sự thay đổi không ngừng của thành phố mỏ này, có một thứ vẫn luôn tồn tại ở mỗi con người vùng mỏ đó chính là tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”. Trải qua những thăng trầm, khó khăn và thách thức, những con người vùng mỏ ở thế hệ nào vẫn luôn sát cánh, đồng tâm, mạnh mẽ đứng lên. |