Nguyễn Chí Thanh – Nhà lãnh đạo chiến lược tài năng, người chỉ đạo xuất sắc

Với bản lĩnh kiên cường, trí tuệ mẫn tiệp và nhãn quan chính trị sắc sảo, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã dành hết tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sỹ cộng sản kiên trung, mẫu mực, một vị tướng tài trí, mưu lược, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (bên phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự ở miền Nam, ngày 5/7/1967. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Trong hơn 30 năm hoạt động cách mạng, được Đảng, quân đội giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trên nhiều cương vị trọng yếu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn có mặt ở những nơi gian khổ, ác liệt nhất, luôn đem hết tinh thần trách nhiệm, nghị lực và trí tuệ, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân và quân đội.

Người chiến sỹ cộng sản kiên trung, mẫu mực

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 trong một gia đình nông dân tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên-Huế).

Cuộc đời hoạt động phong phú và sinh động của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Điểm nổi bật ở Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là ông luôn sát sao với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn để đánh giá “đúng” và “trúng” tình hình; trên cơ sở đó đưa ra những quyết định đúng đắn, sáng tạo để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sớm bộc lộ tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, khả năng tập hợp quần chúng và lãnh đạo cách mạng. Khi còn là một thanh niên ở tuổi 17, người thanh niên Nguyễn Vịnh đã tham gia đấu tranh chống lại bọn cường hào ở địa phương và sau đó tham gia phong trào đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ những năm 1936-1939, được kết nạp và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1937; trở thành Bí thư chi bộ cộng sản đầu tiên ở địa phương.

Năm 1938, mới tròn 24 tuổi ông đã được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Là người lãnh đạo cách mạng cao nhất trên quê hương Thừa Thiên, ông đã dẫn dắt và khơi dậy ý chí cách mạng quật cường của đồng bào, đồng chí, tạo nên sự lớn mạnh của phong trào cách mạng trong tỉnh.

Từ năm 1939 đến năm 1945, ông ba lần bị địch bắt, giam ở nhà lao Thừa Phủ, rồi Lao Bảo và Buôn Ma Thuột. Trong lao tù đế quốc, ông luôn thể hiện tinh thần bất khuất, kiên cường, giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Ở nhà tù Lao Bảo, ông lập ra “Tổ chức bí mật” nhằm tập hợp lực lượng, thống nhất hành động, thúc đẩy phong trào cách mạng, bắt liên lạc với tổ chức đảng từ bên ngoài. Tại nhà đày Buôn Ma Thuột, ông tham gia “Lực lượng trung kiên,” một tổ chức bí mật trong tù đóng vai trò như một chi bộ cộng sản và tiếp tục đấu tranh quyết liệt, ngoan cường.

Thoát khỏi lao tù, ông tích cực cùng các lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, lãnh đạo phong trào đấu tranh, chuẩn bị tiềm lực và tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên cả nước.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông tiếp tục được giao những trọng trách quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của sự nghiệp cách mạng. Bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, cả trong và ngoài quân đội, ông vẫn luôn thể hiện là đảng viên kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng, không chịu lùi bước trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào.

 

ttxvn-nguyen-chi-thanh2-2165.jpg
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (trái, người chỉ tay) cùng Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch mở Chiến dịch Biên Giới năm 1950. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

 

Để xây dựng quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn mới, năm 1950, ông được giao làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, công tác đảng, công tác chính trị có bước tiến vượt bậc; trở thành “linh hồn, mạch sống” của quân đội.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 năm 1951, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Bộ Chính trị. Năm 1959, ông được phong quân hàm Đại tướng.

Trưởng thành từ phong trào cách mạng, đến khi giữ các vị trí trọng trách của Đảng, Quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn là con người của thực tiễn, nắm bắt thực tiễn cộng với tư duy sáng tạo, ông đã có những chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn, giải quyết được những vấn đề căn cốt do thực tiễn cách mạng đặt ra.

Cuối năm 1964, ông được điều vào miền Nam, giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam. Đây là một trong những thời điểm then chốt của cách mạng miền Nam. Trên cương vị người lãnh đạo, chỉ đạo cao nhất tại chiến trường, với tư duy chiến lược toàn diện cùng bề dày kinh nghiệm, đồng chí đã vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, phân tích tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, dự báo chính xác diễn tiến của chiến tranh. Từ những đánh giá khoa học về thế và lực của cả ta và địch, đồng chí khẳng định: quân và dân ta hoàn toàn có đủ sức mạnh của chiến tranh nhân dân để “không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ, quyết thắng Mỹ.”

 

ttxvn-nguyen-chi-thanh3-8819.jpg
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (ngoài cùng bên phải) và Thượng tướng, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Trần Văn Trà nghe báo cáo tình hình chiến trường (năm 1966). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

 

Ngày 6/7/1967, đúng vào ngày lên đường trở lại chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời sau một cơn đau tim nặng.

Đảng lãnh đạo tuyệt đối quân đội

Với bản lĩnh kiên cường, trí tuệ mẫn tiệp và nhãn quan chính trị sắc sảo, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã dành hết tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Đại tướng đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, hoạt động. Trong đó, xây dựng nền móng chính trị vững chắc cho Quân đội Nhân dân Việt Nam là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã quán triệt sâu sắc và thực hiện sáng tạo tư tưởng của Người là quân sự phục tùng chính trị, chính trị là gốc; xây dựng lực lượng vũ trang phải trên cơ sở xây dựng lực lượng chính trị quần chúng; trong xây dựng quân đội, phải lấy xây dựng chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu.

Luôn quán triệt sâu sắc nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối quân đội. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: “Quân đội ta là quân đội của Đảng. Đảng lãnh đạo tuyệt đối quân đội. Chúng ta cần kiên quyết đấu tranh chống lại tất cả những khuynh hướng cho rằng quân đội là phi đảng, phi chính trị, phi giai cấp và đòi làm giảm nhẹ sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội.”

Đây là điểm tâm huyết lớn nhất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và cũng chính là cống hiến to lớn mang ý nghĩa lâu dài đối với việc xây dựng nền tảng chính trị của quân đội.

Muốn làm được những điều đó, trong chỉ đạo thực tiễn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đề ra 7 nguyên tắc cơ bản về công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội.

Một là, Đảng phải nắm chắc quân đội thì mới có quân đội cách mạng và Đảng mới nắm được chính quyền. Đảng không thể nhường quyền lãnh đạo quân đội cho một ai.

Hai là, quân đội phải là Quân đội Nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phải xử lý tốt các mối quan hệ với Đảng, với dân, với đồng đội, với kẻ thù.

Ba là, về công tác tư tưởng, không ngừng tăng cường giáo dục, rèn luyện. Chính trị có thể thỏa hiệp nhưng tư tưởng thì không được phép.

Bốn là, về công tác tổ chức, phải nắm vững đường lối tổ chức. Đường lối tổ chức phải phục tùng đường lối chính trị.

 

ttxvn-nguyen-chi-thanh4-8021.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm Sư đoàn 312, ngày 01/01/1964. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

 

Năm là, công tác chính trị là linh hồn của quân đội. Toàn bộ hoạt động của công tác chính trị là để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện công tác vận động quần chúng của Đảng trong quân đội.

Sáu là, đi đúng đường lối quần chúng, từ quần chúng mà ra, trở về với quần chúng.

Bảy là, công tác chính trị phải đi sâu vào cuộc sống chiến đấu và xây dựng của quân đội, có thế mới phát huy được sức mạnh, càng lúc khó khăn gian khổ người ta mới cần công tác chính trị. Công tác chính trị không thể chung chung, xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng.

Có thể thấy, những nguyên tắc mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nêu trên đã phản ánh một tư tưởng chiến lược và tính biện chứng cao, có ý nghĩa lâu dài và bất biến đối với quân đội cách mạng.

Công tác tư tưởng là trọng tâm của công tác chính trị trong xây dựng quân đội

Nắm vững những luận điểm cơ bản đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho rằng công tác tư tưởng là trọng tâm hàng đầu của công tác Đảng, công tác chính trị trong xây dựng quân đội. Đại tướng yêu cầu cần giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ có trình độ giác ngộ giai cấp, giác ngộ dân tộc thật sâu sắc để phát huy lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, kiên quyết kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn.

Điều này đã được khẳng định sâu sắc trong thực tiễn. Qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, Việt Nam đã giành thắng lợi không phải dựa vào sức mạnh người đông, vũ khí hiện đại, mà dựa vào sự chiếm ưu thế tuyệt đối về chính trị và tư tưởng.

 

ttxvn-nguyen-chi-thanh6-7661.jpg
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tiếp xúc cử tri, trước cuộc bầu cử Quốc hội khóa II (1960-1964) khu vực Vĩnh Linh (Quảng Trị), tháng 4/1960. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Kinh nghiệm thắng lợi của công tác Đảng, công tác chính trị trong kháng chiến chống thực dân Pháp được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tiếp tục vận dụng và phát triển trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có công lớn trong việc xây dựng, củng cố quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ của quân và dân ta. Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng chỗ mạnh và chỗ yếu chí cốt của quân Mỹ, Đại tướng khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi.

Chăm lo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh về mọi mặt

Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém,” Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đặt lên hàng đầu công tác chăm lo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh về mọi mặt.

Giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân đội có đủ đạo đức, tài năng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong mọi tình huống được Đại tướng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, hiệu quả. Đại tướng luôn yêu cầu các cấp phải làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện toàn diện đội ngũ cán bộ về cả chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức cách mạng và năng lực, phương pháp, tác phong công tác; kết hợp “xây” kiên trì, bền bỉ với kiên quyết “chống,” lấy thuyết phục là chính trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, kỷ luật.

Đại tướng đặc biệt chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc và quyết tâm chiến đấu, chiến thắng quân xâm lược để bảo vệ Tổ quốc; quán triệt cho bộ đội thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản chất quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu trong mối quan hệ quân dân “cá nước.”

Đề cao yêu cầu bồi dưỡng toàn diện đội ngũ cán bộ quân đội, Đại tướng đặc biệt quan tâm giác ngộ tư tưởng “người trước, súng sau” (con người phải là nhân tố quyết định, vũ khí là nhân tố quan trọng) làm cơ sở nền tảng nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng và sức mạnh chiến đấu, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Đồng thời, bồi dưỡng cán bộ về quan điểm quần chúng, phát huy dân chủ, chấp hành kỷ luật và đề cao tinh thần đoàn kết trong tập thể.

 

ttxvn-nguyen-chi-thanh1-704.jpg
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (phải) và đồng chí Lê Duẩn đang trò chuyện cùng một chiến sỹ trẻ (trái). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là Giám đốc đầu tiên của trường Chính trị trung, cao cấp của quân đội (nay là Học viện Chính trị). Trường có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị nhằm xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện.

Với tài năng và kinh nghiệm trong chỉ đạo thực tiễn, Đại tướng đã đề xuất nhiều giải pháp giúp đào tạo ra những cán bộ, giảng viên lý luận xuất sắc; đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, đặt nền móng cơ sở lý luận, phương hướng, mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo cán bộ chính trị của Học viện sau này.

Tấm gương tài, đức vẹn toàn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Trung ương Đảng đánh giá “là một đồng chí lãnh đạo trung thành, lỗi lạc, người chỉ huy mưu lược, tài trí, một đồng chí dũng cảm, kiên quyết; một người con ưu tú, người lãnh đạo xuất sắc.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như “đại bàng bay cao, nhìn xa,” “là một người thật thà, gan góc và kiên quyết.”

Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, cùng với những cống hiến xuất sắc về lý luận và thực tiễn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một di sản tinh thần quý báu trong lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam.”

Với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Nhà nước trao tặng, truy tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác./.