Không ngủ quên trên “vòng nguyệt quế”

Nhìn lại chặng đường hơn 35 năm đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Những thành tựu đó là cả quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nhưng chúng ta cũng không ngủ quên trên “vòng nguyệt quế” bởi nguy cơ tụt hậu về kinh tế vẫn hiện hữu.

Thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử

Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước thực sự mang lại những thay đổi to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Quá trình tiến hành khảo sát ở một số địa phương trên cả nước, khi đặt vấn đề với các thế hệ trưởng thành trước đổi mới (năm 1986), nhiều người vẫn còn ám ảnh bởi sự tàn phá nặng nề của chiến tranh và những năm thiếu đói triền miên, người dân, nhất là nông dân làm không đủ no. Sau chiến tranh, các nước đế quốc áp đặt bao vây cấm vận kinh tế với Việt Nam trong suốt gần 20 năm, khoảng 3/4 dân số sống dưới mức nghèo khổ. “Lương thực, thực phẩm khan hiếm do nước ngoài cấm vận. Trong nước, cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp khiến người nông dân không mặn mà với ruộng đồng. Gia đình tôi cũng như nhiều người dân khác trong vùng thiếu đói triền miên”, ông Nguyễn Văn Bình (78 tuổi) ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội chia sẻ.

Tại Đại hội VI (tháng 12-1986), Trung ương Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện, đánh dấu bước chuyển rất quan trọng trong nhận thức của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội (CNXH), về thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Đại hội VI đã cụ thể hóa quan điểm mới về cơ cấu kinh tế, về công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong chặng đường đầu tiên, từ đó đề ra chủ trương tập trung cho “3 chương trình kinh tế lớn”. Đại hội có quan điểm mới về cải tạo XHCN, coi cải tạo XHCN là nhiệm vụ thường xuyên, phải trải qua thời gian dài và liên tục với những bước đi, hình thức thích hợp. Đại hội nhận rõ, ngay khi quan hệ sản xuất XHCN chiếm ưu thế vẫn tồn tại những thành phần kinh tế khác, như kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa, kinh tế tư bản tư nhân ở mức độ nhất định…

Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế nước ta bắt đầu có những bước chuyển động tích cực và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt hơn 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN; thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008.

Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ liên tục tăng và hiện chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt hơn 540 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 280 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỷ USD vào cuối năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước).

Cũng nhờ kinh tế có bước phát triển nên đời sống văn hóa cũng được cải thiện đáng kể; sinh hoạt văn hóa phát triển phong phú, đa dạng. Hiện Việt Nam có hơn 70% dân số sử dụng internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.

Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định và nhấn mạnh: Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới.

Trong thời gian qua, chúng tôi có dịp khảo sát tại nhiều địa phương trong cả nước. Mỗi người dân dù ở miền núi hay vùng biển, thành phố hay nông thôn đều có chung cảm nhận: Diện mạo đất nước đổi thay từng ngày. Đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sự đoàn kết vượt khó vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển vượt bậc. Hiện nay, 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới đạt 96.7%; 100% xã có trường tiểu học, THCS; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế; 76,7% thôn có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng…

Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH là đúng đắn. Những kết quả đạt được sau hơn 35 năm đổi mới là minh chứng cụ thể nhất, sinh động và thuyết phục nhất để đập tan các luận điệu xuyên tạc về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Chúng ta sẽ tụt hậu nếu…

Ngày 28-3-2021, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khi giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã khẳng định: “Cán bộ, đảng viên chúng ta đều có nguyện vọng đưa đất nước tiến bước. Đây là truyền thống quý, không chịu đói nghèo, không chịu tụt hậu, không chịu thua kém. Tất cả điều đó cũng là sự hiện thực hóa ước nguyện của Bác Hồ, đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu và mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân… Áp lực đối với chúng ta là liên tục tăng trưởng cao. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc có 2-3 thập niên liền liên tục tăng trưởng cao. Việt Nam hoàn toàn có khả năng tăng trưởng cao, nếu không có biện pháp để tăng trưởng cao thì sẽ tụt hậu, không phát triển bền vững, nghèo, thu nhập thấp, lạc hậu”.

Sau hơn 35 năm đổi mới, nhìn tổng quát, thế và lực của nước ta mặc dù đã mạnh hơn trước nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được khơi thông; nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn rất lớn, nhất là một số nhóm yếu tố, nhóm dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế… Đặc biệt, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nền kinh tế có độ mở lớn và chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng khó lường; những căng thẳng địa chính trị, sự gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính… Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển có thể đuổi kịp nước giàu, nhưng cũng đi kèm theo nhiều thách thức bị bỏ lại hoặc lệ thuộc hơn vào nước giàu.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để đạt mục tiêu đề ra, chúng ta phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm. Chính phủ thể hiện rõ sự điều hành linh hoạt trong đại dịch Covid-19 khi có những chính sách phù hợp, đặc biệt là Nghị quyết 128 được ban hành thực sự đã thổi một luồng sinh khí mới vào nền kinh tế Việt Nam. GDP năm 2021 ước tính tăng 2,58%; thu ngân sách nhà nước ước tính cả năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng). Việt Nam cũng trở thành một trong 20 nước thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất thế giới.

Đầu năm 2022, lần đầu tiên Quốc hội khóa XV tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, quyết định thông qua những nội dung quan trọng, như: Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư…; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ… Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Tinh thần và kết quả của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã tạo ra những khí thế mới, thời cơ mới, cùng với các chính sách mới được ban hành, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025, đất nước sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đời sống người dân sẽ được nâng cao, niềm tin của nhân dân sẽ càng được củng cố vững chắc”.

Quyết tâm của cả hệ thống chính trị được thể hiện rõ nét nhất, sinh động nhất khi ngay đầu Xuân 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiến hành chuyến đi “xuyên Tết, xuyên Việt” khảo sát từ Bắc vào Nam, trực tiếp chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc trong triển khai một số dự án trọng điểm. Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh, đối với các bộ, ngành, địa phương: Quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, xác định trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn vốn, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả.

Với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Việt Nam đã và đang bứt phá, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao, tránh nguy cơ tụt hậu…

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, trong bối cảnh, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn trước và gay gắt hơn so với dự báo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Chính phủ cần tập trung “ưu tiên thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, xử lý dứt điểm những “điểm nghẽn”, vướng mắc, tồn tại để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước”, xứng đáng với vị thế là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất; trực tiếp tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện hiệu quả mọi chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Bài 1: Đẩy lùi nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ

(còn nữa)

Theo QĐND