Ngày 2/8, Thường trực Tỉnh ủy họp chỉ đạo các biện pháp cấp bách mới để phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh trong nước ngày càng diễn biến phức tạp, với biến chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, chủ trì cuộc họp. Cuộc họp được truyền hình trực tuyến tới 13 địa phương cấp huyện và 177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Trong tuần qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các châu lục đang diễn biến phức tạp lên với biến chủng Delta, ghi nhận thêm 4.295.860 ca mắc mới và 68.536 người tử vong mới. Châu Á vẫn là tâm dịch của thế giới khi dẫn đầu về số ca mắc Covid-19.
Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, số ca tử vong tăng đột biến. So với tuần trước, số ca mắc mới trong tuần qua đã tăng 63.103 người, 936 ca tử vong, chiếm 71% số ca tử vong từ đầu dịch đến nay. Trung bình mỗi ngày nước ta ghi nhận 7.887 ca mắc mới; 117 ca tử vong. Các tỉnh, thành phố ở khu vực miền Nam trong những tuần gần đây số ca bệnh liên tục tăng, nhất là ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An. Các tỉnh phía Bắc gần với tỉnh Quảng Ninh cũng ghi nhận nhiều ca mắc mới, trong đó Hà Nội đã ghi nhận gần 500 ca mắc mới trong cộng đồng, Hải Dương ghi nhận 22 ca mắc mới, Lạng Sơn ghi nhận 10 ca mắc mới, Hải Phòng ghi nhận 1 ca mắc mới.
Còn tại Quảng Ninh, từ ngày 26/6/2021 đến nay, Quảng Ninh đã qua 37 ngày không phát hiện ca nhiễm cộng đồng. Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch các cấp đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch sát với diễn biến tình hình dịch, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện cho việc sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá. Hàng tuần, các đơn vị thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên cho 20% số người lao động của đơn vị và xét nghiệm toàn bộ cho người lao động tham gia cung ứng dịch vụ, hàng hóa của các đơn vị liên quan. Các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến đường biên giới trên đất liền, trên biển; thực hiện tiêm chủng an toàn 129.763 liều vắc xin phòng Covid-19.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đã xây dựng các phương án phòng, chống dịch trong tình huống xấu hơn. Hiện nay các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng 72 cơ sở cách ly tập trung có thể sử dụng được ngay với công suất hiện tại có thể tổ chức cách ly cho 14.000 người. Các địa phương cũng lên phương án, xác định địa điểm bổ sung công suất cách ly tập trung.
Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, nhấn mạnh: Với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước như hiện nay, Quảng Ninh chính thức bước vào giai đoạn chống dịch cam go hơn và phải vận hành cơ chế ở mức độ cao nhất từ tỉnh đến tận thôn, khu, bản, tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng và đến từng người dân theo tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi một tổ dân, gia đình là một pháo đài chống dịch”.
Qua kiểm tra, giám sát, nhận định một số địa phương, cơ quan, đơn vị thời gian qua chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, còn thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát cụ thể cần thiết ở địa bàn cấp huyện, cấp xã. Người dân có biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Một số nơi chưa thực hiện triệt để phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, nhất là trong việc chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng ứng phó với tình huống nảy sinh.
Vì vậy, để giữ thành quả phòng, chống dịch của tỉnh thời gian qua, giảm số ca mắc, giảm số người tử vong và không để rơi vào tình trạng mất kiểm soát nếu như trên địa bàn xuất hiện tình huống có ca bệnh, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành phải nhìn thẳng, đúng sự thật, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, phương án cao nhất cho tình hình diễn biến xấu nhất. Mỗi địa bàn, mỗi xã, phường, thị trấn đến từng huyện, thị xã, thành phố, sở, ban, ngành phải bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để đánh giá lại tình hình của địa bàn, đơn vị; đánh giá lại các giải pháp cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với diễn biến của dịch cũng như khuyến cáo của các chuyên gia. Phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật ở mức cao hơn, cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân rõ hơn, ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu các cấp gắn với tiến độ cụ thể theo từng phương án, cấp độ dịch bệnh.
Nhấn mạnh đến các giải pháp cấp bách thời gian tới, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh yêu cầu tiếp tục kiên quyết, kiên trì ngăn chặn triệt để các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào địa bàn. Tỉnh chủ trương siết chặt quản lý chợ đầu mối, kể cả chợ dân sinh; tạm dừng hoạt động du lịch ở một số địa điểm và một số dịch vụ không thiết yếu; không tụ tập, tập trung đông người tại các nơi công cộng. Tạm dừng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; hoạt động bán hàng vỉa hè, quán giải khát, hoạt động dịch vụ phòng kín.
Giảm hoạt động tập trung đông người tại cơ quan, công sở và các cơ sở y tế. Khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi ngờ trong cộng đồng khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Tăng cường hơn nữa tầm soát chủ động trong cộng đồng cho các công nhân làm việc tại các KCN, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các lao động làm nghề trên biển.
Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về quản lý địa bàn của mình. Lực lượng Công an giữ vai trò tham mưu trực tiếp về quản lý dân cư, cư trú, các di biến động về dân cư để ngăn chặn những nguy cơ mầm bệnh xâm nhập. UBND các địa phương cũng phải chuẩn bị phương án chỉ đạo điều hành ở cấp mình cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra, ứng với từng cấp độ dịch bệnh của tỉnh. Ngoài việc chuẩn bị rõ các cơ chế vận hành các nhân lực, vật lực, các phương án thực hiện phải đảm bảo theo nguyên tắc phù hợp với từng tình huống, số ca mắc, dự toán kinh phí phù hợp, tổ chức mua sắm trang thiết bị đảm bảo chống dịch, hạn chế thấp nhất tử vong; không để thiếu cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị y tế, kít xét nghiệm, thiếu oxi hay máy thở.
Sở Y tế phải chuẩn bị sẵn các kịch bản để huy động tối đa nguồn nhân lực y tế tại ngành của mình, như cán bộ, nhân viên y tế về hưu, các tình nguyện viên, sinh viên y khoa và tập huấn cho các lực lượng này đủ khả năng tham gia ứng phó trong các tình huống. Tăng cường năng lực xét nghiệm trên phạm vi toàn tỉnh, trước hết là ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí và các đơn vị đang có năng lực xét nghiệm. Mục tiêu mỗi ngày, Quảng Ninh phải xét nghiệm được 10.000 mẫu đơn.
Từ nguồn xã hội hóa, trong thời gian ngắn nhất trên địa bàn toàn tỉnh có 1 triệu test nhanh. Về công tác điều trị, tỉnh đã xây dựng 2 phác đồ điều trị cho tình huống có 1.000 ca và 5.000 ca F0 trên địa bàn. 13 địa phương phải rà soát cụ thể cơ sở vật chất, nhân lực y tế trên địa bàn mình để xác định rõ trong tình huống cấp bách sẽ xử lý ra sao. Từng huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng quy trình cách ly mới để xác định quy mô và hình thức tổ chức cách ly phù hợp với biến chủng mới.
Đối với việc mua sắm phục vụ phòng chống dịch, bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ với tinh thần đảm bảo không để tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và phải công khai, minh bạch.
Về tiêm chủng, thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo các cấp từ tỉnh xuống xã, do Chủ tịch UBND cùng cấp làm trưởng ban để điều phối thực hiện, ngành Y tế giữ vai trò tham mưu về chuyên môn. Phải xây dựng dữ liệu tiêm chủng theo mô hình tới tận cấp huyện và 177 xã, phường trên cơ sở tích hợp, sử dụng các dữ liệu đã có; hoàn thành xong trước ngày 10/8.
Chỉ đạo xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trong trường hợp toàn tỉnh Quảng Ninh hay các huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, cách ly xã hội.
Truyền thông chủ động và tiếp tục củng cố lòng tin của nhân dân. Mỗi sở, ngành, đoàn thể tập trung xây dựng phương án ở từng cơ quan, đơn vị mình trong tình hình mới, để khi cần có thể huy động tối đa lực lượng tại chỗ và sức mạnh tổng hợp cho phòng, chống dịch với yêu cầu cấp thiết hơn.
Cũng trong chiều nay, Thường trực Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022. Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, hiện nay tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2025 chưa được xác định (dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thông qua vào cuối tháng 10/2021); đồng thời tình hình kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế có nhiều biến động do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nên hiện nay chưa có cơ sở để xác định được chính xác nguồn vốn dự kiến cho kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cũng như kế hoạch đầu tư công năm 2022. Tuy nhiên, để chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022, căn cứ mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định tăng trưởng bình quân là 10%/năm; trên cơ sở số liệu chi đầu tư phát triển đã bố trí giai đoạn 2017-2021 (tăng bình quân 7% năm); Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh dự kiến vốn đầu tư công ngân sách tỉnh năm 2022 tăng 7,8% so với số giao đầu năm 2021. Trong đó tập trung vào một số dự án mang tính động lực của tỉnh, tạo đà cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới và ưu tiên cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các địa phương thuộc tỉnh.
Cho ý kiến về nội dung này, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất cho rằng, việc phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2022 phải tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Quan tâm ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các dự án liên quan tới thực hiện mục tiêu đề ra theo Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tác động rất lớn tới kinh tế – xã hội, các ngành, địa phương phải tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính – ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ tài sản công. Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm và trực tiếp phụ trách chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án cụ thể, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, GPMB, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân…