Triển khai cuộc vận động “Xây dựng chi đoàn mạnh” khu vực địa bàn dân cư

Nâng cao số lượng và chất lượng đoàn viên tại địa bàn dân cư đang được các cấp bộ Đoàn quan tâm triển khai, đặc biệt chú trọng đến việc đổi mới nội dung sinh hoạt chi đoàn để thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia vào tổ chức Đoàn, đồng thời để các hoạt động Đoàn ngày càng cụ thể, đi vào chiều sâu, qua đó phát huy tối đa năng lực của tuổi trẻ vào việc phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Thành lập chi đoàn mới, Chi đoàn Bưu Điện – Liên Việt, huyện Hải Hà.

Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đều tổ chức và chỉ đạo cơ sở tập huấn cho đội ngũ Bí thư Chi đoàn; định kỳ 6 tháng, cuối năm có các đợt kiểm tra đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại trong công tác quản lý đoàn vụ, đoàn tịch, quản lý đoàn viên và tổ chức triển khai chuyên đề. Việc tổ chức sinh hoạt Chi đoàn được các đơn vị chỉ đạo thực hiện tương đối nghiêm túc, có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức tổ chức sinh hoạt. Hệ thống sổ sách của các chi đoàn cơ bản đảm bảo đủ số lượng, quản lý đảm bảo chất lượng: sổ đoàn viên, sổ chi đoàn, sổ phản ánh 2 chiều giữa chi đoàn và Đoàn cơ sở. Về sinh hoạt định kỳ của chi đoàn theo Điều lệ Đoàn 1 tháng 1 lần và sinh hoạt 2 đầu mối 3 tháng 1 lần. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc duy trì sinh hoạt chi Đoàn 1 tháng/lần thường được triển khai đều đặn và nghiêm túc trong khối trường học; đối với khối địa bàn dân cư việc tổ chức sinh hoạt chi đoàn 1 tháng/lần gặp nhiều khó khăn.

Nội dung, hình thức sinh hoạt chi đoàn chủ yếu đang thực hiện qua một hội nghị, tọa đàm, chuyên đề, giao lưu, tổ chức sinh hoạt liên chi đoàn, sinh hoạt tập trung, hoạt động trải nghiệm, dã ngoại, tổ chức dọn vệ sinh môi trường “Ngày chủ nhật xanh”…Trong thời gian qua, các chi đoàn thực hiện việc sinh hoạt Đoàn theo Điều lệ Đoàn gắn với thực hiện Nghị quyết số 03 ngày 27/12/2018 của BCH Tỉnh đoàn về “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn trên địa bàn dân cư giai đoạn 2018-2022”; Công tác tổ chức chi đoàn được cấp ủy quan tâm, thường xuyên rà soát, bổ sung, kiện toàn đảm bảo duy trì đủ Bí thư và Phó Bí thư chi Đoàn thôn khu; hình thức sinh hoạt chi đoàn đổi mới đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên và phù hợp với điều kiện thực tế công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong gia đoạn hiện nay. Đặc biệt, công tác thu hút tập hợp thanh niên được nâng lên thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền, giáo dục ĐVTN, giới thiệu gương người tốt, việc tốt, tin tốt, nắm bắt tư tưởng, tình hình ĐVTN hàng ngày qua mạng xã hội facebook, zalo, trong đó cơ sở Đoàn có trang fanpage facebook của đơn vị, địa phương, từ đó kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo đơn vị và tổ chức Đoàn có giải pháp, hướng giải quyết kịp thời. Hoạt động chính của chi Đoàn là thực hiện chỉ đạo của cấp ủy và đoàn cấp trên gắn với thực hiện phong trào hành động cách mạng của Đoàn: củng cố, xây dựng chi đoàn mạnh, tham gia phần việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tham gia tổ tự quản, tổ công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi trong dịp hè…

Về phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước: Hàng năm, theo chủ đề công tác năm của Ban Chấp hành, Ban Thường vu Tỉnh đoàn lựa chọn các công việc cụ thể phát động trong toàn Đoàn, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia, đặc biệt là các hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội, thông qua các phong trào đó để xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức. Hoạt động của đoàn cơ sở dần đi vào nền nếp: duy trì sinh hoạt Chi đoàn, chế độ họp BCH định kỳ, việc đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đoàn được thực hiện theo quy định. Việc thành lập mới tổ chức đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước được quan tâm chú trọng. Công tác xây dựng Đoàn, Hội trong doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước được quan tâm và có đổi mới về phương thức tiếp cận đối tượng: tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao; tư vấn, khám bệnh miễn phí cho thanh niên công nhân; kiên trì vận động chủ doanh nghiệp tạo điều kiện cho việc thành lập và duy trì tổ chức Đoàn Hội; phát huy hiệu quả hoạt động của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ninh góp phần phát triển các tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh có 207 doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức Đoàn – Hội trong tổng số 7210 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (đạt 2,84%) với tổng số 20.050 đoàn viên, hội viên, tập trung chủ yếu ở Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả và Móng Cái (trong đó, tổ chức Đoàn là 192; tổ chức Hội LHTN Việt Nam là 15). Trong năm 2019, toàn tỉnh đã thành lập thêm 07 tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Công tác tổ chức xây dựng Đoàn toàn tỉnh trong những năm qua đã có những chuyển biến mạnh mẽ, trong đó, có những mặt chuyển biến mang tính đột phá. Công tác chỉ đạo của BCH, BTV Tỉnh đoàn có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở, đề ra các giải pháp, chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng công tác cán bộ, chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên và công tác phát triển Đảng. Công tác đoàn viên của Đoàn tiếp tục được quan tâm, chất lượng có sự chuyển biến rõ nét. Việc quản lý đoàn viên được thực hiện bài bản, chặt chẽ. Công tác cán bộ tiếp tục rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp, đảm bảo trẻ hóa đội ngũ cán bộ đi đôi với việc nâng cao chất lượng cán bộ về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ chính trị và nghiệp vụ. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đoàn có nhiều điểm mới, nhất là việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn theo hướng phù hợp với từng đối tượng thanh niên, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác tạo nguồn đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng, tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho cán bộ rèn luyện, trưởng thành và là nguồn bổ sung lớn cho các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp.

Việt Tiệp (Ban Tổ chức Kiểm tra Tỉnh đoàn)