Chính vì vậy, việc đảng viên thiếu vắng không tham gia sinh hoạt chi bộ đầy đủ đặt ra cho chi uỷ, chi bộ phải nhanh chóng tìm ra lời giải. Yêu cầu đặt ra là, chi uỷ và chi bộ phải làm sao bảo đảm cho đảng viên được tham gia sinh hoạt chi bộ, vừa tạo điều kiện để đảng viên hoàn thành nhiệm vụ công tác chuyên môn nơi cơ quan, đơn vị đảng viên đang công tác, làm việc.
Chi bộ khu dân cư tôi có số đông đảng viên là cán bộ đã nghỉ hưu. Trừ số đảng viên thuộc diện miễn sinh hoạt, việc sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng thường không bảo đảm sỹ số tham gia, thậm chí có đảng viên thiếu vắng từ 2 đến 3 kỳ sinh hoạt liên tiếp. Bên cạnh số đảng viên có lý do chính đáng như: ốm đau, bệnh tật hay có công việc đột xuất, số thiếu vắng thường rơi vào các đảng viên trẻ. Đây là các đảng viên còn đang tham gia công tác, làm việc trong các cơ quan, đơn vị, có cả công ty liên doanh với nước ngoài, do ở đó chưa có tổ chức đảng nên được giới thiệu, chuyển về sinh hoạt cùng với chi bộ khu dân cư.
Với số đảng viên trẻ này, việc vừa bảo đảm thời gian sinh hoạt đầy đủ với chi bộ để làm tròn nhiệm vụ đảng viên, vừa bảo đảm được kỷ luật, thời gian lao động rất chặt chẽ của cơ quan, đơn vị nơi họ đang công tác là bài toán chưa có lời giải. Thậm chí đâu đó đã có ý kiến băn khoăn cho rằng, một người không thể làm tốt cả hai việc này cùng một lúc. Thực trạng nói trên không thể không đặt ra cho cấp uỷ, chi bộ nhiều suy nghĩ, trăn trở. Vấn đề trên đã được nêu ra thảo luận, bàn bạc trong nhiều kỳ sinh hoạt của cấp uỷ và chi bộ. Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, chi uỷ đã có một số biện pháp cụ thể như ghi sổ theo dõi để chấm điểm thi đua, thực hiện điểm danh cuối mỗi buổi sinh hoạt chi bộ. Tuy nhiên, mọi cố gắng đều chưa mang lại kết quả. Chi uỷ và chi bộ cũng đã bàn đến việc thay đổi lịch sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng nhưng vẫn không thành do lịch thời gian sinh hoạt hiện tại đã thành nền nếp ổn định nhiều năm và là phù hợp với chi bộ khu dân cư có số đông đảng viên là cán bộ đã nghỉ hưu.
Trong nội bộ chi bộ đã xuất hiện “lời ra tiếng vào”, nhất là vào dịp tổng kết đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên cuối năm. Các ý kiến nêu ra là đúng và không phải không có lý khi cho rằng không thể cào bằng, đánh giá các đảng viên tham gia sinh hoạt đầy đủ với đảng viên nghỉ, thiếu vắng sinh hoạt, dù đã có báo cáo xin phép chi bộ đầy đủ. Việc chia sẻ, thông cảm lẫn nhau giữa các đảng viên trong cùng một chi bộ, cùng một khu dân cư “tối lửa tắt đèn có nhau” là cần thiết, song cũng ở mức độ nào đó. Việc thiếu vắng không tham gia đều đặn các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng của một số đảng viên của chi bộ là không thể chấp nhận được, đòi hỏi chi bộ phải có sự đổi mới không chỉ về nền nếp sinh hoạt mà cả về quản lý, kiểm tra, giám sát đối với đảng viên.
Ai cũng biết, đảng viên của Đảng được sinh hoạt, hoạt động trong một tổ chức đảng chứ không phải một câu lạc bộ theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Chính tính tổ chức chặt chẽ và kỷ luật nghiêm minh đã làm nên sức mạnh của Đảng. Chi bộ là nền tảng của Đảng, là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở do chính đảng viên xây dựng mà thành. Do vậy là đảng viên của Đảng thì phải chấp hành Điều lệ Đảng và những quy định của Đảng. Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và Hướng dẫn số 12-HD/TW của Ban Tổ chức Trung ương ngày 6-7-2018 “về một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, thì “Chi bộ họp thường lệ mỗi tháng một lần, họp bất thường khi cần”. Với tư cách là tổ chức, cơ quan lãnh đạo của Đảng vững chắc ở khu dân cư, việc sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng là rất cần thiết nhằm: Đánh giá kết quả công tác lãnh đạo của chi bộ trong tháng; trao đổi, thống nhất nhiệm vụ công tác cho tháng tiếp theo; xác định, trao đổi những vấn đề trọng tâm liên quan đến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, yêu cầu của cấp ủy cấp trên; đánh giá tình hình tư tưởng đảng viên và quần chúng; lắng nghe phản ánh ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và quần chúng.
Chi bộ mạnh là nhờ mọi đảng viên đều tốt. Các đảng viên tốt gắn bó, kết hợp lại cấu thành tổ chức chi bộ theo những nguyên tắc nhất định của Đảng và đến lượt mình, tổ chức chi bộ lại quy định mọi hoạt động của đảng viên, trong đó có việc sinh hoạt đảng mà đảng viên phải tuân theo. Chính vì vậy, việc đảng viên thiếu vắng không tham gia sinh hoạt chi bộ đầy đủ đặt ra cho chi uỷ, chi bộ phải nhanh chóng tìm ra lời giải. Yêu cầu đặt ra là, chi uỷ và chi bộ phải làm sao bảo đảm cho đảng viên được tham gia sinh hoạt chi bộ, vừa tạo điều kiện để đảng viên hoàn thành nhiệm vụ công tác chuyên môn nơi cơ quan, đơn vị đảng viên đang công tác, làm việc. Nói cách khác, một khi quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ đảng viên được thực hiên tốt, đồng nghĩa với việc thực hiện quy định của Đảng về tôn trọng nguời lao động, tạo điều kiện để họ yên tâm hơn trong công tác chuyên môn, bảo đảm có thu nhập, phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống gia đình.
Trong “cái khó ló cái khôn” và sáng kiến đã xuất hiện. Trong một buổi sinh hoạt tổ đảng, vấn đề nêu trên lại được đưa ra thảo luận dân chủ, có ý kiến đề xuất: “Tại sao chi uỷ không tổ chức sinh hoạt “bù” vào một khung giờ thích hợp cho số đảng viên còn thiếu, vắng trong các buổi sinh hoạt chi bộ chính thức?”. Vậy là quyền dân chủ, quyền được trình bày ý kiến của đảng viên đã được phát huy. Cuộc họp chi uỷ và tiếp theo là họp chi bộ ngay sau đó, ý kiến nói trên được tập thể chi uỷ và đa số đảng viên trong hội nghị chi bộ nhanh chóng tán thành và có sự nhất trí cao.
Lẽ dĩ nhiên, cuộc họp chi bộ “bù” đầu tiên ngay sau đó cũng đã được tổ chức vào một khung giờ buổi tối của một ngày nghỉ mà việc thăm dò trước đó cho thấy là thích hợp. Buổi sinh hoạt có mặt của tập thể chi uỷ cùng hầu hết số đảng viên trẻ đã diễn ra đầm ấm, chân thành và thành công rất tốt đẹp. Vui nhất chính là các đảng viên trẻ còn đang tham gia công tác. Một ý kiến đại điện cho tiếng nói chung của những người dự họp chia sẻ: “Xin cảm ơn sáng kiến của chi bộ, bởi từ nay chúng tôi thấy yên tâm hơn để vừa làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ đảng viên, vừa bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ công tác chuyên môn, không còn thấp thỏm lo đi làm thì phải bỏ sinh hoạt đảng, còn đi họp đảng thì lại trễ giờ, vi phạm kỷ luật lao động của cơ quan, đơn vị”.
Nhìn nụ cười và niềm vui ánh lên trên khoé mắt các đảng viên trẻ, từ đồng chí bí thư chi bộ, các đồng chí chi uỷ viên đều cảm thấy vui lây với họ, như trút được một gánh nặng, trăn trở bấy lâu nay, càng cảm nhận và thấm nhuần hơn ý nghĩa của việc thường xuyên “tự đổi mới, tự chỉnh đốn” là một quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, không loại trừ cả những sáng kiến dù nhỏ bé bắt đầu từ cơ sở.