Thời gian qua, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp vươn lên làm giàu bằng nhiều mô hình kinh tế năng động, sáng tạo đã được phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo được động lực lớn trong việc thanh niên đồng hành cùng phát triển kinh tế, khích lệ tinh thần dám nghĩ, dám làm.
Chị Bùi Thị Thu Hương (thứ 3, phải sang) giới thiệu sản phẩm sách và mỹ phẩm của mình tại diễn đàn khởi nghiệp quốc gia “Khát vọng khởi nghiệp trong thời kỳ 4.0”, tại TP Hạ Long, tháng 6/2019. |
Sinh năm 1985, chị Bùi Thị Thu Hương đã chọn cho mình con đường khởi nghiệp bằng việc phát triển mô hình cung cấp sách giáo khoa học sinh và văn phòng phẩm. Quy mô ban đầu của Nhà sách chỉ là một cửa hàng nhỏ với số vốn ít ỏi. Năm 2015 chị Hương đã mạnh dạn đầu tư vốn vào việc phát triển, tạo dựng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và phân phối. Tới nay, chị Hương đã phát triển được 2 cửa hàng sách và văn phòng phẩm cùng một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm làm đẹp, cho doanh thu từ 1,2 – 1,5 tỷ đồng/năm.
Chị Hương chia sẻ, với quyết tâm và tin tưởng vào con đường khởi nghiệp mình đã chọn, nên tôi đã tìm tòi, xây dựng chiến lược kinh doanh cho riêng mình. Trong đó, tập trung trọng tâm vào đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho nhân viên bán hàng và đầu tư đổi mới công nghệ, trang bị máy móc, ứng dụng công nghệ trong bán hàng theo hướng hiện đại và tiên tiến. Là một thanh niên trẻ, con đường sự nghiệp vẫn đang rộng mở phía trước, tôi sẽ luôn cố gắng phát huy hết sức trẻ để tiếp tục theo đuổi con đường mình đã lựa chọn trong thời đại phát triển nền công nghiệp 4.0 hiện nay. Bản thân tôi thấy, có rất nhiều mô hình kinh tế để thanh niên khởi nghiệp hiện nay, nếu có ý chí và biết nắm bắt đúng xu hướng phát triển thì sẽ thành công.
Cũng là một thanh niên trẻ, có nhiệt huyết và ý chí vươn lên làm giàu, anh Đặng Minh Thu, thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Chẽ và bạn bè, người thân trong gia đình đầu tư vào mô hình chăn nuôi trâu, bò thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình.
Mô hình chăn nuôi trâu, bò thương phẩm của gia đình anh Đặng Minh Thu, cho thu nhập ổn định hằng năm. |
Anh Thu, cho biết: Đầu năm 2018, nhận thấy được các tiềm năng về việc phát triển chăn nuôi trâu, bò thương phẩm tại địa phương và được sự tư vấn, hỗ trợ tạo điều kiện của huyện về phát triển sản xuất trên địa bàn, tôi đã chủ động đăng ký thực hiện dự án chăn nuôi trâu, bò thương phẩm. Tới nay, mô hình đã phát triển ổn định với quy mô gần 30 con trâu, bò cho thu nhập ổn định. Tôi thấy, việc hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước cho thanh niên phát triển các mô hình kinh tế ngay tại địa phương là rất cần thiết. Song song với đó, huyện, xã cần tổ chức thêm các lớp tập huấn, các chính sách cho vay vốn, các buổi tuyên truyền đối thoại, tọa đàm khởi nghiệp… để người dân, đặc biệt là thanh niên được biết, thử nghiệm.
Theo báo cáo của Tỉnh Đoàn, đến nay, tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách của đoàn thanh niên quản lý là hơn 273 tỷ đồng, với 235 tổ tiết kiệm và vay vốn, hỗ trợ cho 6.693 hộ thanh niên vay vốn. Nguồn vốn cho vay ủy thác qua đoàn thanh niên trung bình mỗi năm tăng từ 20 đến gần 25 tỷ đồng. Nhiều đơn vị có dư nợ cao và tỷ lệ tăng trưởng cao như: Tiên Yên, Ba Chẽ, Đông Triều…
Còn theo thống kê của CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Quảng Ninh, hiện nay CLB đã thu hút được trên 400 thành viên là các tập thể, cá nhân tại 11/14 huyện, thị xã, thành phố tham gia để cùng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế.
Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Quảng Ninh, cho biết: Với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và xã hội như hiện nay, việc mạnh dạn khởi nghiệp làm giàu trên chính mảnh đất quê hương là điều hết sức cần thiết và cần được nhân rộng trong toàn tỉnh. Chúng tôi luôn khuyến khích và sẽ hỗ trợ các cá nhân, tập thể có mong muốn làm giàu, đi lên ổn định cuộc sống. Thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình đồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp và lập nghiệp, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Minh Đức