Khởi nghiệp thời công nghệ 4.0 với các địa bàn vùng cao vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ. Thế nhưng, không ít thanh niên vùng cao đã biết tìm tòi, học hỏi kiến thức từ sách vở, Internet để xây dựng phát triển các mô hình kinh tế của gia đình. Từ đó, phong trào lập thân, lập nghiệp của tuổi trẻ vùng cao đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Cách đây hơn chục năm, anh Nguyễn Thành Trọng (SN 1986), quê ở Hải Phòng đã cùng gia đình chuyển về huyện Ba Chẽ để sinh sống và lập nghiệp với khát vọng tìm kiếm cơ hội làm giàu trên mảnh đất này. Trước những khó khăn, thử thách ban đầu, anh Trọng không nản chí và quyết tâm hiện thực hoá ý tưởng của mình. Hiện anh đã là chủ một doanh nghiệp về công nghệ thông tin ở Ba Chẽ.
Anh Trọng chia sẻ: Khi mới chuyển về Ba Chẽ sinh sống, gia đình tôi chỉ có vỏn vẹn 7 triệu đồng. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của địa phương, tôi được vay 50 triệu đồng để làm ăn. Gia đình mở một cửa hàng nhỏ chuyên sửa chữa và cung cấp các linh kiện máy tính. Lĩnh vực này ở Ba Chẽ khi ấy ít người làm, nên chỉ một thời gian tôi đã có đông khách hàng.
Sự uy tín trong kinh doanh, cùng các sản phẩm chất lượng đã giúp anh Trọng ngày càng được nhiều khách hàng tin tưởng. Từ đó, cửa hàng sửa chữa nhỏ của anh đã phát triển thành Công ty TNHH Thương mại – Kỹ thuật dịch vụ Thành Nam, với doanh thu hằng năm đạt khoảng 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Anh Trọng cũng được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm CLB Đầu tư Khởi nghiệp huyện Ba Chẽ. Hiện nay, anh Trọng là Giám đốc HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ, chuyên thu mua các sản phẩm trà do người dân nơi đây sản xuất.
Phong trào khởi nghiệp ở vùng cao phát triển mạnh trong thời gian gần đây, không ít thanh niên bắt tay vào hành trình khởi nghiệp với nhiều dự án mới, phù hợp với thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhiều CLB Đầu tư Khởi nghiệp ở các địa phương đã có những tấm gương thanh niên tiêu, biểu xuất sắc trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ…
Điển hình như CLB Đầu tư Khởi nghiệp huyện Đầm Hà (thành lập năm 2017), đã góp phần nuôi dưỡng, kết nối, phát triển các ý tưởng kinh doanh, dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ trên địa bàn huyện có khát vọng làm giàu, có niềm đam mê kinh doanh và có tinh thần khởi nghiệp. Đến nay, CLB phát triển lên 25 thành viên, các thành viên trong CLB cùng hỗ trợ nhau trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2020, CLB đã có 2 ý tưởng tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức, cả 2 ý tưởng lọt vào top 10 ở khu vực phía Bắc. Trong đó, ý tưởng khởi nghiệp “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trong chuồng lạnh, liên kết trong chăn nuôi gà bản Đầm Hà” của chị Nguyễn Thị Thu Hiền (HTX Tuyền Hiền, xã Quảng Tân), đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi và được nhận giải thưởng Lương Định Của, chị Hiền cũng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Nhằm đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, Đoàn Thanh niên huyện Đầm Hà cũng phối hợp tổ chức các chương trình tư vấn mùa thi, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên tại các KCN, phối hợp với các cơ quan, đơn vị mở các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, đứng ra tín chấp với Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn để phát triển kinh tế. Nhiều thanh niên đã vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu, với những mô hình tiêu biểu, như: Mô hình nông nghiệp hữu cơ của anh Trương Thế Đô (xã Đại Bình); mô hình HTX Quế hồi Quảng Ninh của anh Lỷ A Tài (xã Quảng An); mô hình Vườn – ao- chuồng của anh Bùi Văn Thắng (xã Tân Bình)…
Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp của tổ chức Đoàn đã giúp cho những thanh niên vùng cao mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Qua đó, truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ nỗ lực khẳng định, vươn lên làm giàu chính đáng.
Đàm Vân