Đóng góp to lớn của đồng chí Phạm Hùng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng gắn liền với lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX. Với tinh thần trách nhiệm cao, kiên định, sáng tạo, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách kinh tế trong những năm 1960 – 1965, đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) xác định đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc trong thời kỳ quá độ là “đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc ở miền Bắc và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”(1). Đại hội xác định đường lối xây dựng kinh tế là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965), lấy xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm, thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đồng thời hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa. Sau Đại hội, một loạt các phong trào thi đua trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, trong quân đội, giáo dục và phong trào thi đua đạt danh hiệu tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa được phát động.

Phó Thủ tướng Phạm Hùng (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) xem tơ đã ươm tại Hợp tác xã Văn Quán (tỉnh Vĩnh Phúc), tháng 2-1964_Ảnh: TTXVN

Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp phụ trách kinh tế, đồng chí Phạm Hùng đã chủ động, nhạy bén trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất, phục vụ nhiệm vụ chiến lược củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, quán triệt chủ trương của Đảng, cuối tháng 9-1960, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Hùng phát động thi đua đẩy mạnh sản xuất vụ đông – xuân 1960 – 196l. Đồng chí nhấn mạnh: “Vụ đông – xuân này là đông – xuân mở đầu thời kỳ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, là vụ mở đầu kế hoạch sản xuất nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết lịch sử của Đại hội. Vụ đông – xuân thắng lợi to lớn và toàn diện sẽ biểu hiện một cách sinh động nhất tính chiến đấu, tính thực tiễn của Nghị quyết Đại hội Đảng, sẽ càng thuyết phục và cổ vũ mạnh mẽ hàng triệu quần chúng biến Nghị quyết của Đại hội thành sức mạnh vật chất thúc đẩy sản xuất, hợp tác hóa phát triển với tốc độ cao”(2). Ngày 21-9-1960, Phó Thủ tướng Phạm Hùng ký Chỉ thị số 214/TTg, về việc đẩy mạnh công tác thủy lợi phục vụ thắng lợi vụ đông – xuân đầu tiên của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Đồng chí Phạm Hùng đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp toàn diện. Nhiều nghị quyết và chỉ thị quan trọng về nông nghiệp đã được xây dựng và ban hành (3). Đồng chí Phạm Hùng nhất quán quan niệm: Xây dựng và phát triển kinh tế, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng hướng vào mục tiêu không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Theo đồng chí, đường lối, chính sách kinh tế của Đảng, Chính phủ là bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của người dân. Đây là tiêu chí hàng đầu đánh giá sự đúng đắn của các chính sách, cách thức quản lý kinh tế, năng lực của người lãnh đạo, quản lý, bảo đảm cho đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ăn sâu, bén rễ trong nhân dân, khơi gợi tinh thần, năng lực sáng tạo của toàn dân. Đồng chí luôn tâm niệm, uy tín của Đảng là ở tâm nguyện vì dân, thu phục, quy tụ được dân tâm.

Cuối năm 1960, khi phong trào hợp tác hóa nông nghiệp đang lên cao, đồng chí Phạm Hùng đã dự Hội nghị tổng kết phong trào thi đua của tỉnh Quảng Bình, trong đó có mô hình tiên tiến của Hợp tác xã Đại Phong. Hợp tác xã Đại Phong lúc đầu chỉ có vài chục gia đình đồng bào miền Nam vượt tuyến ra Quảng Bình. Khi đến, họ chỉ có hai bàn tay trắng, Đảng và Chính phủ hỗ trợ một ít vốn, bà con ra sức vỡ hoang suốt ngày đêm, nhưng thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp, tình trạng đói ăn thường xuyên diễn ra. Dần dần, Đại Phong hợp nhất với hợp tác xã nghèo Đông – Tây – Bắc thành 135 hộ. Do tổ chức sản xuất hiệu quả, có tinh thần tương thân tương ái và đoàn kết, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, đời sống nhân dân dần được cải thiện, chỉ còn năm hộ thiếu ăn được bà con xã viên giúp đỡ. Cuối năm 1960, Đại Phong đã tiến lên hợp tác xã bậc cao với quy mô liên thôn. Nắm vững phương châm lấy sản xuất nông nghiệp là chính, Hợp tác xã Đại Phong tích cực cải tiến kỹ thuật, công cụ, xem kỹ thuật là khâu then chốt quyết định để tăng năng suất lao động. Tại buổi bế mạc hội nghị, đồng chí Phạm Hùng biểu dương phong trào thi đua của tỉnh Quảng Bình, trong đó nổi bật là Hợp tác xã Đại Phong và khen ngợi đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã Nguyễn Ngọc Ánh. Từ những đánh giá kịp thời, sự động viên, khích lệ của đồng chí Phạm Hùng, Hợp tác xã Đại Phong đã trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào xây dựng hợp tác xã trên miền Bắc. Phong trào “học tập Đại Phong” dấy lên mạnh mẽ trên toàn miền Bắc sau đó.

Chiếc máy cày của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng cho Hợp tác xã Đại Phong (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), nơi khởi nguồn phong trào thi đua “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, thực hiện luống cày đầu tiên (tháng 6-1961) trước sự vui mừng của bà con xã viên_Ảnh: TTXVN

Nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất mà Trung ương Đảng đề ra là phải từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân. Nhiệm vụ đó đòi hỏi các cấp, các ngành phải nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm. Trong Ban Bí thư, đồng chí Phạm Hùng phụ trách lĩnh vực kinh tế và trực tiếp phụ trách khối tài chính thương nghiệp, làm Trưởng Ban Tài mậu của Đảng, bao gồm các ngành tài chính, ngân hàng, nội thương, ngoại thương và giá cả. Nhiệm vụ quan trọng của các ngành thuộc khối tài mậu là cần phát huy hết chức năng để phục vụ sự nghiệp phát triển, mở rộng lưu thông hàng hóa, hỗ trợ các ngành y tế, giáo dục, văn hóa phát triển, thực hiện tiết kiệm trong tiêu dùng, để dành vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản.

Trong nội dung đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, công nghiệp được xác định giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Nhưng khi bước vào thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, sản xuất mới được khôi phục, máy móc đã cũ, hư hỏng nhiều; thủ công nghiệp nghèo nàn, phân tán, lực lượng kỹ thuật hầu như không có. Trình độ văn hóa của nhân dân thấp, đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề rất ít. Sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nền kinh tế miền Bắc bị tàn phá nặng nề, nhiều vùng vẫn chưa khai hoang, phục hóa. Nhiệm vụ quan trọng nhất của công nghiệp nặng thời kỳ này là “trang bị cho lao động cả nước, trước hết là lao động nông nghiệp và công nghiệp nhẹ có đủ các loại công cụ với trình độ kỹ thuật khác nhau, từ thô sơ đến hiện đại, tùy theo từng ngành và từng loại công việc, để gấp rút đưa năng suất lao động xã hội lên ít nhất gấp đôi, gấp ba mức năng suất hiện nay”(4).

Tháng 1-1961, tại Hội nghị cán bộ quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba khóa III, đồng chí Phạm Hùng nêu rõ: Với việc hoàn thành thắng lợi kế hoạch 3 năm, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, miền Bắc đã bước vào một thời kỳ cách mạng mới. Yêu cầu rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên là phải nhận thấy những nhân tố mới, thấy rõ yêu cầu mới của cách mạng, từ đó có cơ sở để thống nhất về nhiệm vụ cụ thể và chỉ tiêu kế hoạch nông nghiệp năm 1961; cần chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để có tinh thần, tác phong làm việc mới; phát triển nông nghiệp làm cơ sở cho sự nghiệp công nghiệp hóa.

Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, cán bộ, đảng viên các cấp giữ những trọng trách trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương đa số đã tỏ rõ bản lĩnh và năng lực của mình, hoàn thành mọi nhiệm vụ. Tuy nhiên, còn một số cán bộ, đảng viên do trình độ, năng lực hạn chế, lại không thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, xa rời quần chúng…, gây cản trở tới việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch và nhịp độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Nắm bắt những khuyết điểm, hạn chế trong công tác quản lý kinh tế, tài chính của các cấp, các ngành, ngày 26-4-1962, Bộ Chính trị mở cuộc vận động “Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong ngành công nghiệp”(5). Yêu cầu của cuộc vận động trong bốn năm (1962 – 1965) là thực hiện một cuộc chuyển biến cách mạng trên các mặt tư tưởng và tổ chức, đưa công tác quản lý lên một trình độ mới, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời với cuộc vận động trong công nghiệp, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 70-NQ/TW, ngày 19-2-1963, về cuộc vận động “Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc”. Đồng chí Phạm Hùng cho rằng, phải thực hiện hai cuộc vận động này với tinh thần như hai cuộc cách mạng lớn và trong quá trình tiến hành phải phân định từng bước cho phù hợp, trong đó bước chuẩn bị là hết sức quan trọng. Thực hiện hai cuộc vận động này phải đi tới hoàn thành quan hệ sản xuất mới gắn liền với phát triển lực lượng sản xuất, với phương châm là làm đến đâu, phát hiện thấy có vấn đề gì cần sửa thì phải sửa ngay. Đồng chí Phạm Hùng nhiều lần khẳng định: Chỉ có sản xuất phát triển thì mới tạo tiền đề cho các lĩnh vực khác phát triển. Các ngành khác phát triển sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển đi lên. Mối quan hệ giữa sản xuất với các lĩnh vực đời sống xã hội có nhiều chiều, phức tạp, đòi hỏi khi xử lý phải nhạy bén và hết sức sáng tạo. Đồng chí Phạm Hùng cùng Ban Bí thư dành nhiều thời gian bàn thảo và chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện đối với các tỉnh trọng điểm, như Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nam Định…

Năm 1964, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường hoạt động khiêu khích, phá hoại và chuẩn bị cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân chống phá miền Bắc. Trước những mưu đồ và hành động chuẩn bị mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 81-CT/TW, ngày 7-8-1964, “Về tăng cường sẵn sàng chiến đấu chống mọi âm mưu của địch khiêu khích và phá hoại miền Bắc”. Bộ Chính trị chỉ thị cho các cấp bộ đảng và chính quyền tăng cường công tác phòng không nhân dân, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.

Ngay đầu năm 1964, đồng chí Phạm Hùng được Bộ Chính trị giao trách nhiệm gấp rút chuẩn bị đề án về thương nghiệp và giá cả thời chiến để trình Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa III họp vào cuối năm 1964. Đồng chí Phạm Hùng cùng các đồng chí phụ trách Ban Tài chính – Thương nghiệp của Phủ Thủ tướng, Vụ Vật giá, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, với sự tham gia của các đồng chí phụ trách Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương, thành lập Ban trù bị xây dựng báo cáo và dự thảo Nghị quyết để trình Trung ương.

Trước tình hình cấp bách, miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa phải chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa phải tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam, với phong cách làm việc tập trung, khẩn trương, trách nhiệm và hiệu quả, đồng chí Phạm Hùng cùng các đồng chí trong Ban trù bị tập trung nghiên cứu lý luận về lưu thông, phân phối, học tập những kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa về thương nghiệp và giá cả; đồng thời, tăng cường nghiên cứu sự hình thành và tổng kết kinh nghiệm về công tác thương nghiệp và giá cả từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Căn cứ vào những đặc điểm kinh tế, những nhiệm vụ chính trị và kinh tế về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Ban trù bị Hội nghị Trung ương 10 do đồng chí Phạm Hùng làm Trưởng ban đã đề ra những nội dung về nội thương, ngoại thương, giá cả, thảo luận sâu về các vấn đề, như vị trí, chức năng của mỗi ngành trong nền kinh tế quốc dân; phương hướng, nhiệm vụ chung; nhiệm vụ cụ thể và những biện pháp thiết thực để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Trong quá trình thảo luận, đề xuất vấn đề, xây dựng báo cáo, khi các thành viên Ban trù bị phát biểu ý kiến, đồng chí Phạm Hùng luôn chú ý lắng nghe, điều hành thảo luận dân chủ rồi mới đi đến kết luận.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Khu lưu niệm đồng chí Phạm Hùng ở xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long_Ảnh: TTXVN

Tháng 12-1964, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III họp bàn về vấn đề thương nghiệp và giá cả. Căn cứ vào thực tiễn 10 năm phấn đấu quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Hội nghị bổ sung một số điểm vào đường lối chung cách mạng xã hội chủ nghĩa: Tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng là cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, lấy cách mạng kỹ thuật làm then chốt. Căn cứ đường lối đó, công tác thương nghiệp và giá cả phải phục vụ tốt đời sống nhân dân, thúc đẩy sản xuất phát triển, thúc đẩy cách mạng kỹ thuật, cải tiến tổ chức thương nghiệp, tăng cường thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán, quản lý tốt thị trường.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 là những căn cứ lý luận và thực tiễn để xây dựng một nền thương nghiệp và giá cả xã hội chủ nghĩa phục vụ đắc lực nhiệm vụ vừa đẩy mạnh sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chiến đấu chống đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam. Sau Hội nghị, đồng chí Phạm Hùng đã viết cuốn sách “Vị trí và nhiệm vụ của thương nghiệp và giá cả trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta” để phổ biến nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10. Thực tiễn sinh động và những luận giải mà đồng chí Phạm Hùng nêu trong cuốn sách là những đóng góp lý luận và thực tiễn lớn về một lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phạm Hùng, việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 được tiến hành hết sức khẩn trương, tích cực. Việc thu mua lương thực, thực phẩm, nông sản, hàng hóa theo giá ổn định trong nghĩa vụ và theo giá cao ngoài nghĩa vụ rất có hiệu quả trong việc tập trung nguồn hàng vào Nhà nước, kịp thời phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống sinh hoạt của nhân dân trong bối cảnh miền Bắc phải kiên cường chống chiến tranh phá hoại.

Việc cung cấp hàng hóa theo định lượng đối với các nhu cầu thiết yếu của nhân dân kết hợp với bán theo giá cao ngoài định lượng cho các đối tượng có thu nhập cao hơn, đã tạo điều kiện ổn định đời sống của các tầng lớp nhân dân, thu hút lượng tiền mặt nhằm ổn định giá cả và giá trị đồng tiền trong thời chiến. Hậu phương lớn được ổn định, người già, trẻ em, những người mất sức lao động được bảo đảm đời sống đã tạo điều kiện cho hàng triệu thanh niên yên tâm, hăng hái lên đường nhập ngũ và gia nhập thanh niên xung phong.

Dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất cao độ của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phạm Hùng, công tác lưu thông phân phối thời chiến đã động viên được mọi nguồn lực, nhằm xây dựng và bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm chi viện đến mức cao nhất cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Đến năm 1965, có 88,8% số hộ nông dân vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp; trong đó, 71,7% số hộ lên hợp tác xã bậc cao. Nền nông nghiệp hợp tác hóa cùng giai cấp nông dân tập thể đã hình thành và phát triển. Diện tích, năng suất và tổng sản lượng sản xuất nông nghiệp đều tăng, tốc độ tăng bình quân hằng năm về giá trị tổng sản lượng nông nghiệp là 4,1%. Nông nghiệp miền Bắc từ một nền nông nghiệp lạc hậu, độc canh, năng suất thấp dần dần trở thành một nền nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện. Thắng lợi lớn nhất của nông nghiệp miền Bắc thời kỳ này là đã giải quyết được phần lớn nhu cầu về lương thực, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và một phần cho xuất khẩu.

Công nghiệp miền Bắc có mức phát triển khá. Từ những cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ bé, chủ yếu là khai thác nguyên liệu và sửa chữa nhỏ, đã bắt đầu sản xuất một phần tư liệu sản xuất và phần lớn những vật phẩm tiêu dùng của nhân dân. Một trong những thành quả lớn nhất của công nghiệp miền Bắc thời kỳ 1961-1965 là phục vụ nông nghiệp có hiệu quả, đặc biệt trong các khâu thủy lợi, trang bị máy móc, nông cụ, phân bón, thuốc trừ sâu,… Trong thời kỳ này, khối lượng tư liệu sản xuất cung cấp cho nông nghiệp tăng bình quân 25%/năm, chiếm 1/4 giá trị tổng sản lượng của công nghiệp nặng. Vai trò chủ đạo của công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân bước đầu được phát huy. Các ngành công nghiệp chủ yếu, như điện, cơ khí, luyện kim, hóa chất, vật liệu xây dựng,… đã hình thành và phát triển nhanh, nhất là ngành điện và ngành cơ khí. Nhiều khu công nghiệp phát triển và hình thành ở Hà Nội, Hải Phòng, Việt Trì, Thái Nguyên, Nam Định, Vinh, Hồng Quảng. Miền Bắc bắt đầu xây dựng những công trình lớn, quan trọng, như gang thép Thái Nguyên, thủy điện Thác Bà, phân đạm Bắc Giang với tiến độ nhanh. Trong khi đó, sức mua của đồng tiền vẫn được giữ vững, giá cả ổn định. Những thành tích đó có sự đóng góp đáng kể của khối tài mậu, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, khéo léo, tài tình của đồng chí Phạm Hùng. Đồng chí đã dành nhiều tâm huyết, dày công chỉ đạo các ngành trong khối tài mậu, theo dõi và kiểm tra chặt chẽ các mặt, cân đối về thu – chi tài chính, về lưu thông tiền tệ và lưu thông hàng hóa, cân đối giữa kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu, tạo nền nếp ổn định trong khối.

Khi miền Bắc bước vào thời kỳ ứng phó với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng chí Phạm Hùng cùng Chính phủ phải tổ chức nền kinh tế trong điều kiện có chiến tranh, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện tích cực cho cách mạng miền Nam.

Đoàn viên, thanh niên huyện Long Hồ tham quan, tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng ở xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long_Ảnh: TTXVN

Trên những cương vị được đảm trách, đồng chí Phạm Hùng luôn quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo phát triển kinh tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Đồng chí Phạm Hùng tỏ rõ sự chủ động, nhạy bén, tài thao lược trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, tài chính… Sự am hiểu, sâu sát thực tế giúp đồng chí cùng với tập thể lãnh đạo đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chiến lược cách mạng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh thống nhất nước nhà. Từ những đóng góp của đồng chí Phạm Hùng trong hoạt động chỉ đạo thực hiện kế hoạch 5 năm đầu tiên trong xây dựng chủ nghĩa xã hội với nhiều khó khăn, thử thách, càng cho thấy rõ hơn tâm huyết, trí tuệ, bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nước, vì dân của đồng chí. Đồng chí Phạm Hùng đã thấu triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư cách của một người cách mạng, người cộng sản chân chính, đó là đối với công việc phải xem xét hoàn cảnh kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm, phục tùng đoàn thể. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Phạm Hùng (11-6-1912 – 11-6-2022) là dịp để chúng ta ôn lại, tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, nhất là những đóng góp của đồng chí trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1960 – 1965). Những phẩm chất cao đẹp của đồng chí Phạm Hùng là tấm gương sáng để mỗi người Việt Nam hiện nay, nhất là những cán bộ, đảng viên học tập và noi theo, đóng góp sức lực, trí lực của mình vào sự nghiệp xây dựng và phát đất nước nhanh và bền vững./.

PGS, TS. Trịnh Thị Hồng Hạnh
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

——————

(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 21, tr. 558 – 559
(2) Báo Nhân Dân, số 2378, ngày 22-9-1960
(3) Nghị quyết số 26-NQ/TW, của Hội nghị Trung ương 5 khóa III (tháng 7-1961), “Về vấn đề phát triển nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965)”; Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 27-2-1961, của Bộ Chính trị, “Về nhiệm vụ và phương hướng công tác hợp tác hóa nông nghiệp trong năm 1961”; Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 24-7-1961, của Ban Bí thư, “Về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật”; Nghị quyết số 70-NQ/TW, của Bộ Chính trị, ngày 19-2-1963, Về cuộc vận động “Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc”
(4) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 98
(5) Còn gọi là cuộc vận động “ba xây, ba chống”

Theo TCCS