VOV.VN – Với hình dáng ấn tượng, được làm từ khung sắt và tạo hình bằng lưới, chiều dài 4,5-6m, chiều cao khoảng 2m, mỗi chú cá có thể “ăn” 4-5 tạ vỏ chai nhựa
Với đặc thù lượng khách du lịch vãng lai và lưu trú nhiều, kèm theo đó là rác thải sinh hoạt trong đó lượng rác thải nhựa tăng cao, Quảng Ninh đã có nhiều cách làm hay nhằm hạn chế rác thải nhựa ra môi trường.
Nếu Vịnh Hạ Long thay thế toàn bộ các sản phẩm nhựa trong hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh; Đảo Cô Tô sử dụng làn nhựa và các đồ đựng làm từ vật liệu tái chế thì đảo Cái Chiên lại phân loại rác bằng những thùng rác hình cá khổng lồ ngay trên bờ biển.
Với hình dáng ấn tượng, bắt mắt được làm từ khung sắt và tạo hình bằng lưới với chiều dài 4,5-6m, chiều cao khoảng 2m, mỗi chú cá có thể “ăn” 4-5 tạ vỏ chai nhựa các loại. |
Thùng rác hình cá mang thông điệp “Hãy cho tôi xin rác” được Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Cái Chiên đưa vào sử dụng trên bến phà và bãi biển của xã Cái Chiên, huyện Hải Hà từ vài tháng nay. Được làm từ khung sắt và tạo hình bằng lưới với chiều dài khoảng 5m, chiều cao khoảng 2m, mỗi thùng rác hình cá có thể chứa 4-5 tạ vỏ chai nhựa các loại. Không chỉ tạo ấn tượng, các “chú cá” này còn mang những thông điệp về môi trường, khuyến khích du khách và người dân chủ động thu gom rác thải nhựa đúng nơi quy định.
Bà Lưu Hà An, khách du lịch đến từ Hòa Bình, cho biết: “Vừa xuống bến phà đã thấy một cá biển màu xanh mở miệng to xin rác thải nhựa. Rất gây chú ý cho chúng tôi, thường thì du lịch các nơi phải tìm thùng rác để bỏ rác vào, còn ở đây chú cá khổng lồ vừa đẹp mắt vừa được đặt ở nhiều khu vực thuận tiện, dễ tìm. Theo tôi nên nhân rộng mô hình này tại các điểm du lịch trên đảo”.
Rất nhiều du khách không khỏi bất ngờ với các mô hình cá biển khổng lồ được đặt ngay tại các điểm tham quan để người dân và du khách vứt rác. |
Đảo Cái Chiên hiện đã có 6 mô hình “Cá ăn rác thải nhựa”. Từ khi có những chú cá “khổng lồ” này, người dân trên đảo tích cực tuyên truyền cho du khách, vận động mọi người cùng chung tay phân loại rác thải, giữ gìn vệ sinh, môi trường.
Ông Lương Xuân Thú, Chủ tịch UBND xã Cái Chiên, huyện Hải Hà, chia sẻ: “Mô hình này bà con nhân dân rất hưởng ứng chứ không riêng gì khách du lịch bởi vì nó bảo vệ môi trường chung. Đầu tiên người dân vứt bừa bãi, sau khi được tuyên truyền thì cũng nhận thức rất tốt, chai nhựa sử dụng xong sẽ bỏ vào con cá. Sau đó, xe của xã sẽ tiến hành thu gom rác thải hàng ngày”.
Cùng với việc đưa vào sử dụng mô hình “Cá ăn rác thải nhựa”, Đoàn Thanh niên Cái Chiên, Hải Hà còn tổ chức các đội ra quân dọn vệ sinh môi trường, làm sạch bờ biển và khuyến khích các nhà hàng, khách sạn đầu tư các thùng rác theo mô hình “cá ăn rác thải nhựa” phù hợp với điều kiện thực tế… Chính quyền địa phương cũng chủ động hạn chế rác thải nhựa bằng những việc làm cụ thể như: sử dụng bình nước thủy tinh thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần tại các cuộc hội nghị, hội thảo; thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy, sử dụng túi giấy tái chế bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub), cho biết: “Việt Nam được đánh giá là quốc gia xả thải rất nhiều ra môi trường. Tôi mong muốn tất cả mọi người cùng góp sức nhỏ của mình có những hành động rất cụ thể thay đổi chính những thói quen trong cuộc sống hàng ngày từ những thói quen rất đơn giản và luôn ý thức được việc tiết giảm, tái chế và tái sử dụng đồ nhựa”.
Rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Vì vậy, cùng với những biện pháp chủ động của chính quyền địa phương, mỗi gia đình và từng người dân ngay từ bây giờ hãy thực hiện khẩu hiệu “nói không với rác thải nhựa” bằng những hành động nhỏ nhất, góp phần bảo vệ môi trường sống cho chúng ta và các thế hệ mai sau./.
Theo VOV