Gần như mỗi danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa ở Quảng Ninh đều gắn liền với truyền thống văn hoá của dân tộc. Vì vậy, để không ngừng phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử ấy, các ngành, địa phương đã đa dạng, linh hoạt nhiều giải pháp giáo dục hiệu quả. Qua đó, góp phần bồi đắp tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước cho thanh thiếu nhi, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Là địa phương có trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Bình Liêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác gìn giữ, giáo dục văn hóa truyền thống cho các tầng lớp nhân dân nhất là thanh thiếu nhi. Ngành Giáo dục huyện đã chỉ đạo các trường học chủ động lồng ghép nội dung giáo dục văn hóa dân tộc, tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa, cho học sinh tham gia học tập, trải nghiệm thực tế tại các địa chỉ đỏ, di tích, danh thắng, lễ hội truyền thống của địa phương.
Đồng chí Vi Tiến Vượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu, cho biết: Để đẩy mạnh giáo dục và bồi đắp văn hóa truyền thống, lịch sử cho học sinh, nhiều năm nay các trường học trên địa bàn huyện duy trì việc mặc trang phục dân tộc vào các ngày học trong tuần. Cùng với đó, chú trọng tổ chức các hoạt động, như: Thành lập các câu lạc bộ thêu, hát soóng cọ, hát then – đàn tính là những nét văn hóa nổi bật, đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao, Sán Chỉ, Tày; một số nhà trường cũng bố trí các khu vực riêng trong sân trường xây dựng các mô hình, bảng thông tin giới thiệu các sự kiện lịch sử của đất nước, khu vui chơi các trò chơi dân gian…
Đặc biệt, trên địa bàn huyện hằng năm đều diễn ra các lễ hội truyền thống như lễ hội đình Lục Nà, ngày hội Kiêng gió, hội Soóng cọ. Đây cũng là dịp để học sinh được tham gia tập luyện, biểu diễn, thực hành văn hóa… giúp các em càng hiểu và trân trọng hơn phong tục tập quán vùng, miền, bản sắc, nét đẹp văn hóa quê hương.
Không riêng ở Bình Liêu, các trường học trên địa bàn tỉnh đều chủ động triển khai các sân chơi bằng hình thức sân khấu hóa các tác phẩm văn học, tái hiện lịch sử cho học sinh tham gia vào các giờ ngoại khóa, giờ sinh hoạt dưới cờ vào sáng thứ hai đầu tuần. Đồng thời, vào các ngày lễ, dịp kỷ niệm lớn của đất nước thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu, tọa đàm, nói chuyện truyền thống giữa học sinh với các cựu chiến binh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Những năm gần đây, nhiều trường học nhất là các trường mầm non, tiểu học thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục truyền thống văn hóa cho thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu, Tết cổ truyền dân tộc bằng các hoạt động trải nghiệm tập gói bánh chưng, làm bánh nướng – bánh dẻo, thi các trò chơi dân gian…. mang đến cho thiếu nhi không gian “học mà chơi, chơi mà học” thú vị, bổ ích.
Cùng với các trường học, các cấp bộ Đoàn hằng năm đều tổ chức “Hành trình vì biển đảo quê hương”, “Con thuyền di sản”, các chương trình tình nguyện “Tháng 3 biên giới”, “Xuân tình nguyện”… Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn Đoàn đã tổ chức 165 chuyến hành trình theo chân Bác qua các địa chỉ đỏ. Đây không chỉ là cơ hội để thanh thiếu nhi được tham quan, vui chơi mà các chuyến đi còn tạo sự hứng khởi cho các em thông qua việc tiếp cận với các kiến thức lịch sử và hiểu về giá trị các di sản một cách trực quan, sinh động, giúp các em nhận thức sâu sắc hơn trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích lịch sử của quê hương.
Ngoài việc tích cực tổ chức cho thanh thiếu nhi tham gia các hành trình về nguồn, các cấp bộ Đoàn còn tổ chức kết nạp đoàn viên, đội viên mới tại các di tích lịch sử nhằm giáo dục truyền thống, lòng tự hào cho thanh thiếu nhi. Đồng thời, định kỳ tổ chức Liên hoan các nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng, các hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”, cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… thu hút đông đảo thanh thiếu nhi tham gia, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
Sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giáo dục đã và đang hình thành cho thanh thiếu nhi những tình cảm trân quý, hào hứng và say mê với truyền thống văn hóa, lịch sử để vun đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong học tập, rèn luyện, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp dựng xây và phát triển đất nước.