Sau đêm cùng mẹ đi tặng quà cho người vô gia cư, bé Trần Vũ Nguyệt Anh, 11 tuổi quyết định vẽ tranh bán để kiếm tiền ủng hộ người nghèo.
Chiều cuối tuần, gia đình Nguyệt Anh ở Mê Linh, Hà Nội cùng nhau ra vườn thư giãn. Trong lúc bố mẹ và chị gái đang chăm sóc những bụi hoa hồng thì Nguyệt Anh lại cặm cụi pha màu vẽ tranh. Hơn bốn tháng nay, cô bé lớp 5 coi vẽ là một “nhiệm vụ” với chỉ tiêu mỗi ngày vẽ xong một bức.
“Một bức nếu bán được 10 nghìn đồng sẽ mua được một chiếc bánh mì. Những người vô gia cư ăn bánh mì rồi uống nước vào nữa thì chắc chắn là no bụng”, Nguyệt Anh nói.
Anh Trần Thanh Hiển, bố Nguyệt Anh, giải thích thêm: “Thật ra, con gái chưa hiểu 10 nghìn đồng sẽ giúp được gì cho những người khó khăn. Khi lấy ví dụ 10 nghìn thì mua được chiếc bánh mì, bé hiểu như vậy là no, là giúp được người ta nên quyết định vẽ tranh bán để giúp người nghèo”.
Vợ chồng anh Hiển tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện nên hai cô con gái không lạ với những việc làm của bố mẹ. Đợt dịch Covid-19 năm ngoái, Nguyệt Anh cũng tham gia phát khẩu trang miễn phí cho người dân Hà Nội cùng bố.
Tháng 9/2020, em được cùng mẹ đi phát quà cho người vô gia cư. Lúc trở về, Nguyệt Anh hỏi bố con có thể làm gì để giúp những người nghèo. Nghe con gái hỏi bất chợt, ông bố 46 tuổi trả lời: “Bố thấy con hay vẽ tranh, hay con vẽ đi rồi bố bán giúp cho, mình lấy tiền mua thức ăn tặng cho họ”.
Với mỗi bức tranh, tiền màu, tiền giấy đã mất 6 nghìn đồng nhưng anh Hiển vẫn quyết định chỉ bán với giá 10 nghìn. Anh Hiển nghĩ: “Mình ủng hộ việc con làm là đã gieo trong con lòng yêu thương và sự quan tâm chia sẻ với người yếu thế rồi.”
Chưa từng học về hội họa, những bức tranh nhỏ của Nguyệt Anh được vẽ theo trí tưởng tượng, chủ đề thường là thiên nhiên, cây cỏ hay những gì em thấy trong cuộc sống hằng ngày. Không biết cách pha màu sao cho đúng nên thỉnh thoảng Nguyệt Anh lại hỏi bố: “Đây là màu gì hoặc màu này đã giống với màu của hoàng hôn chưa bố?”.
“Có hôm đi làm về, bước vào nhà vệ sinh, thấy những vệt màu đỏ văng tung tóe trên bồn rửa. Tưởng là máu, tôi hốt hoảng gọi các con lại vì sợ ở nhà xảy ra chuyện gì. Con bé thỏ thẻ thú nhận với tôi là do con rửa cọ làm vấy bẩn, khiến tôi một phen hú vía”, anh Hiển nhớ lại.
Mỗi bức tranh của Nguyệt Anh thường mất hai giờ. Thông thường, mỗi ngày em chỉ vẽ được một bức. Chỉ những ngày cuối tuần, hoặc có những lúc nổi hứng, cô bé vẽ một mạch ba bức.
Có lúc vẽ quá sức nên mỏi người, em nằm lăn ra giường đòi bố bóp lưng cho. Thấy con gái mệt, sợ đau mắt, anh Hiển khuyên nghỉ ngơi nhưng Nguyệt Anh nói: “Con vẽ ủng hộ người khó khăn thì bố cũng phải ủng hộ con bằng cách bóp lưng cho con chứ?”.
Những bức tranh đầu tiên hoàn thành, ông bố mang đến công ty nhờ đồng nghiệp mua ủng hộ nhưng không ngờ những bức tranh được mọi người rất thích thú. Nhiều người ngỏ ý mua thêm và giới thiệu bạn bè khác cùng mua.
Sau khi chia sẻ việc làm của con gái lên Facebook, “đơn đặt hàng” từ khắp nơi tới tấp đổ về. Tuy nhiên, Nguyệt Anh còn phải học bài nên không thể vẽ hết cho tất cả mọi người.
Mỗi tháng, tuy chỉ bán được khoảng 20-30 bức tranh nhưng Nguyệt Anh thường được các khách hàng ủng hộ thêm tiền. Vì thế, có tháng em kiếm được gần 500 nghìn đồng.
Cận Tết, Nguyệt Anh hỏi bố: “Tết thì người vô gia cư có về quê không bố?” Sau khi nghe bố giải thích, vì tình hình dịch bệnh nên chắc mọi người sẽ không về được. Vậy là cô bé xin bố dùng số tiền hơn 500 nghìn vừa bán tranh đi mừng tuổi họ.
Đêm 30 Tết, anh Hiển chở con gái đi quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm nhưng không thấy nhiều người vô gia như ngày thường. Đang định đi về thì Nguyệt Anh thấy trên đường có các cô bác lao công đang quét rác, em hỏi bố: “Tết mà các cô bác vẫn phải đi quét rác hả bố. Mình mừng tuổi mọi người được không?”. Anh Hiển đồng ý ngay, chở con gái quay lại mừng tuổi cho những người lao công ngay thời khắc vừa bước qua năm mới.
Nguyệt Anh vui nhất là cứ vài ngày, sau khi bán tranh xong bố lại mang về cho mình vài chục nghìn. Em cũng rất thích được cùng bố đi giao tranh cho khách.
Có những đêm đi về trễ, Nguyệt Anh ngủ thiếp trên ô tô. Nhiều lần nghĩ chắc con gái sẽ không vẽ nữa, nhưng hôm sau đi làm về, anh lại thấy con gái cặm cụi vẽ.
“Dù không nói ra nhưng tôi biết, con bé đặt mục tiêu mỗi tháng phải vẽ được ít nhất 20 bức tranh”, anh Hiển nói.
Diệp Phan