Tổng Bí thư đã lý giải vì sao lần này Trung ương lại tiếp tục bàn và ra Nghị quyết về vấn đề này? Đó là: “… bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII của Đảng cũng còn những hạn chế, khuyết điểm: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình; công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Hệ thống chính trị ở nước ta chưa thực sự trong sạch, vững mạnh như mong muốn; không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vẫn thiếu tu dưỡng và rèn luyện, vẫn sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự. …”

Tổng Bí thư cũng chỉ ra nội dung mới của lần này, đó làkhông chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị; không chỉ đối với đảng viên và các cấp uỷ, tổ chức đảng mà còn mở rộng ra cả đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị. Và tinh thần mới, xác định mục tiêu mới là: đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Bổ sung, nhấn mạnh thêm nhóm nhiệm vụ, giải pháp về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Bổ sung, hoàn thiện toàn diện hơn các thể chế, thiết chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, Tổng Bí thư đã chỉ rõ những việc phải làm và làm ngay để thực hiện có kết quả, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động, đó là: Phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Kết luận và Quy định, nắm vững những tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm; mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Các cấp uỷ và tổ chức đảng các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận, Quy định, tránh hời hợt, hình thức. Phải thực hiện đồng bộ, toàn diện, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm. Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình.

Có thể nói, việc Bộ Chính trị tổ chức một hội nghị với quy mô toàn quốc đã thể hiện sự chỉ đạo tập trung, trực tiếp từ Trung ương đến các tổ chức cơ sở Đảng, Nhân dân tin tưởng nhiều hơn vào quyết tâm chính trị của Tổng Bí thư cùng toàn Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hy vọng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội tiên phong, là lực lượng lãnh đạo đất nước.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H, 2011, t.7, tr.414-415.

[2]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15.

Lương Anh Tế