Thời gian qua, triển khai thực hiện chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai một số mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số, tôn giáo trên địa bàn tỉnh và bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực.
Kết nối các nguồn lực để thanh niên dân tộc, tôn giáo tự tin khởi nghiệp….
Nhận thấy mô hình nuôi gà giống Tiên Yên có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo Đoàn TN thành phố Hạ Long quan tâm, động viên đoàn viên thanh niên trên địa bàn các xã (trước đây thuộc huyện Hoành Bồ, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc Dao) mạnh dạn thử nghiệm mô hình kinh tế; đồng thời tích cực huy động các nguồn lực để hỗ trợ đoàn viên thanh niên bước đầu khởi nghiệp.
Sáng ngày 24/9/2022, tại nhà Văn hoá thôn Đồng Tâm xã Lê Lợi, thông qua kênh huy động của Đoàn Thanh niên, Thành ủy – HĐND – UBND thành phố Hạ Long trao tặng cho thanh niên dân tộc thôn Đồng Tâm, xã Lê Lợi 10.000 con gà giống Tiên Yên (trị giá hơn 300.000.000 triệu đồng) để động viên Đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Đồng thời, BTV Tỉnh đoàn hướng dẫn Đoàn thanh niên xã Lê Lợi kết nối với mô hình nuôi gà bản Đầm Hà của HTX Tuyền Hiền để học hỏi thêm kinh nghiệm, áp dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi.
Hỗ trợ thanh niên dân tộc, tôn giáo mở rộng mô hình kinh tế…..
Hợp tác xã chăn nuôi gà Tiên Yên do đồng chí Trần Đăng Hạnh – Phó Bí thư đoàn xã Phong Dụ (Dân tộc Tày) triển khai thành công dự án xưởng sơ chế, bảo quản gà chất lượng cao quy mô 1.200 con/ca trị giá gần 3 tỷ đổng để thúc đẩy sơ chế gà đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa sản phẩm Gà Tiên Yên vào các thị trường chất lượng cao như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.
Tháng 3/2022, BTV Tỉnh đoàn đã làm việc với Huyện ủy – UBND huyện Tiên Yên và thống nhất chủ trương rà soát các trang trại chăn nuôi do thanh niên làm chủ, để xây dựng phương án hỗ trợ, liên kết với Hợp tác xã chăn nuôi Gà Tiên Yên của anh Trần Đăng Hạnh trong tiêu thụ sản phẩm, mở rộng quy mô xưởng sơ chế, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc trên địa bàn. Trong năm, Hợp tác xã đã đón đoàn tham quan làm việc của Thanh niên Hạ Long để giới thiệu về kỹ thuật chăn nuôi Gà và dây chuyền sản xuất công nghệ cao, đồng thời giới thiệu công ty sản xuất giống Gà đạt tiêu chuẩn mà Hợp tác xã đã liên kết. Dưới sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn, Hợp tác xã do đồng chí Trần Đăng Hạnh làm Giám đốc điều hành sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, tạo sự liên kết trong chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật để các trang trại gà do thanh niên làm chủ phát triển sản xuất đảm bảo đạt chất lượng và năng suất cao.
Trong năm 2022, qua rà soát, nhận thấy mô hình nuôi dúi của anh Tằng Tiến Trung (người dân tộc Dao Thanh Y, Thôn Hà Bắc, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên) rất có tiềm năng bởi thị trường hiện nay về sản phẩm Dúi rừng đang rất hiếm; nhu cầu về thịt Dúi rừng đang được thị trường quan tâm tìm kiếm; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã hỗ trợ phát triển mô hình thông qua việc chỉ đạo hỗ trợ, kết nối, giúp anh Trung vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội; đồng thời hỗ trợ các thủ tục pháp lý liên quan đến thủ tục chăn nuôi. Hiện nay, mô hình nuôi dúi của anh Tằng Tiến Trung đã đi vào hoạt động rất hiệu quả.
Chị Bùi Thị Vui (người theo đạo Công giáo), Bí thư chi đoàn thôn 2, Ủy viên BTV Đoàn xã Hiệp Hoà, thị xã Quảng Yên là một trong những thanh niên tôn giáo làm kinh tế giỏi với cơ sở giết mổ lợn liên hoàn do chị làm chủ. Cơ sở được đi vào hoạt động từ năm 2019, ban đầu là một cơ sở nhỏ hẹp với các thiết bị, dụng cụ giết mổ thủ công, đơn sơ. Để động viên và kịp thời định hướng, hỗ trợ thanh niên tôn giáo phát triển kinh tế, mở rộng quy mô cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên thị xã Quảng Yên hỗ trợ chị Bùi Thị Vui kết nối với khoản vay 100 triệu từ nguồn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội; đồng thời tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về vấn đề bảo vệ môi trường, hướng dẫn cách thu gom và xử lý nước thải trong quá trình vận hành cơ sở giết mồ.
Từ những sự quan tâm, hỗ trợ của Đoàn thanh niên về nguồn vốn và kiến thức trong sản xuất kinh doanh, đến nay, chị Bùi Thị Vui đã nâng cấp cơ sở giết mổ lợn của mình lên quy mô lớn, sử dụng thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, đầy đủ hệ thống thu gom và xử lý nước thải theo quy định, hoàn toàn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường trong quá trình giết mổ. Mỗi ngày, cơ sở giết mổ lợn của chị Bùi Thị Vui có thể tiêu thụ từ 30-35 con/ngày, đảm bảo ổn định đời sống.
Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn vẫn tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Đoàn Thanh niên thị xã Quảng Yên kết nối với cơ sở của chị Bùi Thị Vui để giải quyết việc làm cho 3 thanh niên tôn giáo trên địa, động viên thanh niên tôn giáo chủ động lao động sản xuất, mạnh dạn làm kinh tế dưới sự hỗ trợ, đồng hành của tổ chức Đoàn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong thời gian tới, BTV Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục có phương án rà soát và hỗ trợ nhân rộng những mô hình kinh tế thanh niên đạt hiệu quả ở những địa bàn khó khăn, địa bàn trọng điểm về dân tộc, tôn giáo để giúp thanh niên vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo bền vững.
BBT