Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở trong và ngoài nước

Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, ngày 16/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị về công tác xây dựng Đảng và công tác Đảng ngoài nước với chủ đề “Tăng cường xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng công tác Đảng ngoài nước, triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XIII”.

Bên lề Hội nghị, nhiều đại biểu đã chia sẻ ý kiến về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác đảng ngoài nước, đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển Đảng trong thế hệ Việt kiều trẻ, cũng như vai trò quan trọng của công tác giáo dục chính trị để tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở trong và ngoài nước.

Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tăng cường “sức đề kháng” bảo vệ nền tảng tư tưởng

Chia sẻ về nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, công tác chính trị tư tưởng với đảng viên quần chúng ở nước ngoài, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình nhấn mạnh, trong suốt lịch sử phát triển, Đảng ta luôn nhấn mạnh và hết sức coi trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ, phải hết sức coi trọng công tác tư tưởng.

Đặc biệt, Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ rất căn bản là công tác giáo dục chính trị tư tưởng – nền tảng của nhiệm vụ “xây”, trong mối quan hệ giữa “xây” và “chống”. Việc tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng là tăng cường “sức đề kháng” trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, sai trái.

Trong tổng thể công tác này, việc giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng người Việt Nam ở nước ngoài là việc làm quan trọng. Để thực hiện tinh thần chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả mà Đảng đã đề ra, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ phải tiếp tục được coi trọng, làm ngay từ “gốc”, tức là, ngay từ các tổ chức cơ sở đảng ở trong nước, từ đó tăng cường nhận thức sâu sắc, thói quen rèn luyện, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ. “Nói cách khác là tăng cường ‘sức đề kháng’ ngay từ khi còn ở trong nước”, đồng chí Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đồng chí Lê Hải Bình cho rằng, cần tăng cường nắm bắt tình hình dư luận, điều chỉnh linh hoạt và đổi mới phương thức giáo dục tư tưởng chính trị cho cộng đồng người Việt Nam ở các địa bàn khác nhau, tùy trình độ phát triển, đặc tính văn hóa của mỗi quốc gia. Hiện cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu tiếp cận tình hình của quê hương, đất nước qua báo chí, truyền thông, do đó, cần đổi mới hình thức thông tin, tuyên truyền đối ngoại về một đất nước hòa bình, hữu nghị, năng động và phát triển đối với cán bộ đảng viên, người Việt Nam ở nước ngoài.

“Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là công tác quán triệt chủ trương, nghị quyết, đường lối của Đảng phải hết sức sáng tạo, tránh việc bê nguyên văn kiện, nghị quyết để quán triệt cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Công tác này phải phù hợp với thực tiễn, linh hoạt sáng tạo để cho mỗi nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng gắn với một biện pháp, chính sách thiết thực với bà con. Có như vậy, mỗi người dân mới hiểu rõ và quán triệt sâu sắc hơn”, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu.

Theo đồng chí Lê Hải Bình, trong tổng thể công tác đấu tranh trước các luận điệu sai trái, thù địch, chúng ta phải chủ động thuyết phục bà con cùng tham gia vào mặt trận của toàn dân, thế trận toàn dân bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; vận dụng sức mạnh đại đoàn kết và tập hợp lực lượng để đấu tranh chủ động, hiệu quả nhất.

“Trong bối cảnh mới với nhiều thuận lợi đan xen thách thức, chúng ta có nền tảng quan trọng là cơ đồ, tiềm năng, vị thế, uy tín của đất nước; lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác đảng được. Vì vậy, trong thời gian tới, sự phối hợp giữa các cơ quan ở trong nước với các tổ chức, cơ sở đảng ở nước ngoài ngày càng chặt chẽ hơn, trong đó, Đảng ủy Bộ Ngoại giao và các cấp ủy ở ngoài nước đóng vai trò trung tâm trong công tác cụ thể hóa, phối hợp thực hiện các kế hoạch này”, đồng chí Lê Hải Bình nêu.

Phát triển Đảng trong thế hệ Việt kiều trẻ

Chia sẻ đôi nét về công tác sinh hoạt và phát triển Đảng tại Liên bang Nga, Đại sứ Đặng Minh Khôi, Bí thư Đảng ủy tại Liên bang Nga cho biết là một đảng bộ lớn, công tác phát triển Đảng được Đảng bộ triển khai rất hiệu quả tại địa bàn, tập trung chủ yếu vào khối lưu học sinh và sinh viên sang học tập.

Tuy nhiên, một điều trăn trở với công tác phát triển Đảng tại địa bàn, theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, đó là làm sao phát triển được trong con em của cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga, những thế hệ Việt kiều thứ hai, thứ ba tại đây.

Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga rất lớn, với khoảng 60-80 nghìn người. Các con em kiều bào thế hệ thứ hai, thứ ba vẫn am hiểu về Việt Nam, luôn hướng về quê hương đất nước, hầu hết các em đang học trường Nga. Tuy nhiên, để phát triển Đảng cho các em, cần có một tổ chức chính trị-xã hội phù hợp để các em tham gia và từ đó bồi dưỡng, phát triển.

Một điểm nữa được Đại sứ Đặng Minh Khôi đề cập tới, một số lưu học sinh Việt Nam sang Nga học tập trong thời gian ngắn, không có đủ thời gian để xem xét đánh giá theo diện cảm tình Đảng hoặc kết nạp Đảng, mặc dù đây đều là những sinh viên ưu tú. “Nếu làm tốt công tác phát triển Đảng với thế hệ Việt kiều thứ hai, thứ ba, cũng như các sinh viên Việt Nam có thời gian học tập ngắn thì vai trò của Đảng ta tại Liên bang Nga sẽ ngày càng lớn mạnh”, Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết.

Thông tin thêm về tình hình công tác sinh hoạt Đảng tại Liên bang Nga, Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết, trong 2-3 năm gần đây, công tác sinh hoạt Đảng của các tổ chức Đảng ở nước ngoài, không chỉ ở Liên bang Nga, đã thay đổi hết sức mạnh mẽ. Đảng ủy Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga gắn rất chặt công tác sinh hoạt Đảng với hoạt động của Đại sứ quán và các chi bộ.

Ví dụ, đối với chi bộ lưu học sinh, sinh viên sẽ gắn với chủ đề sinh hoạt của thanh niên, khởi nghiệp và hướng về Tổ quốc hoặc tổ chức những buổi trao đổi, thảo luận trong sinh viên. Các tổ chức đảng trong cơ quan đại diện gắn chặt với nhiệm vụ, hoạt động chính trị, kinh tế của cơ quan đại diện. Hình thức sinh hoạt này là hết sức thiết thực.

“Vừa qua, trong nước cũng thay đổi rất mạnh công tác sinh hoạt Đảng; các tài liệu phong phú hơn, hình thức sinh hoạt trực tuyến cũng đa dạng hơn. Nội dung sinh hoạt được cải tiến, gắn chặt với tình hình trong nước, chủ trương của Đảng, nhưng có đổi mới và có sức thu hút đối với đảng viên trẻ”, Đại sứ Đặng Minh Khôi nhận xét.

Theo TTXVN