Sức trẻ Quảng Ninh trong sự nghiệp đổi mới

Tuổi trẻ là tuổi của hoài bão, ước mơ, khát vọng vươn lên. Đó chính là động lực để các thế hệ thanh niên hiện thực hóa lý tưởng, mục tiêu của bản thân, quyết tâm sống trách nhiệm, vượt khó, sẵn sàng cống hiến hết mình để xây dựng quê hương, đất nước.

Giao lưu những tấm gương thủ lĩnh thanh niên, hội viên tiêu biểu trên các lĩnh vực học tập, lao động sản xuất, khởi nghiệp sáng tạo do Tỉnh đoàn tổ chức, tháng 10/2021.

Thỏa sức đam mê, sáng tạo

Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển doanh nghiệp SIC, là một trong 8 đại diện tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh nằm trong danh sách 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2021 trên toàn quốc. Thành công này chính là động lực để anh tiếp tục phấn đấu, nỗ lực vươn lên trên con đường lập nghiệp.

Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển doanh nghiệp SIC (đứng giữa) nhận danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2021. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Công ty SIC của Nguyễn Văn Đạt được thành lập năm 2018 và trở thành địa chỉ tin cậy hỗ trợ khởi nghiệp cho nhiều thanh niên trên địa bàn Quảng Ninh. SIC hướng mục tiêu của mình vào các hoạt động đào tạo, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp; tìm kiếm, kết nối cơ hội và dự án đầu tư, dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên; mở các khoá học kỹ năng cho những bạn trẻ có đam mê kinh doanh… Đồng thời, phối hợp với CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Quảng Ninh mời các chuyên gia về lĩnh vực kinh doanh để nghe, góp ý hoàn thiện các ý tưởng khởi nghiệp…

SIC đã trở thành “cầu nối”, giúp lan tỏa phong trào khởi nghiệp đến với nhiều bạn trẻ. Và đó chính là những gì mà Nguyễn Văn Đạt hướng tới khi từ khi thành lập công ty cho đến nay.

Nguyễn Văn Đạt chia sẻ: Mỗi người có một ngã rẽ, hướng đi riêng. Bản thân tôi là người luôn muốn khám phá, chinh phục những điều mới mẻ, đặt nhiều tâm huyết vào hoạt động khởi nghiệp. Từ ý tưởng đến thực tế hành động là điều không dễ dàng, đã có rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thất bại và chính bản thân tôi cũng từng thất bại. Đúc rút từ bản thân, tôi nghĩ có thể các bạn chọn cho mình một ý tưởng chưa tốt, một phương pháp, hướng đi chưa đúng, chưa định hướng được điều mình phải làm là gì. Vì thế, SIC ra đời với mục tiêu mang đến cho các bạn trẻ những kỹ năng cần có về khởi nghiệp. Chúng tôi muốn trở thành địa chỉ uy tín, tin cậy để hỗ trợ các bạn trẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp trên con đường lập nghiệp.

Thời gian đầu thành lập, SIC gặp nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm và thị trường hoạt động. Với những chiến lược đúng đắn, Nguyễn Văn Đạt cùng với các cộng sự đã tích cực truyền thông bằng nhiều hình thức, làm thay đổi tư duy của nhiều thanh niên, cũng như các doanh nhân. Anh liên tục tìm kiếm, làm việc, kết nối với CEO các tập đoàn lớn, chuyên gia, giảng viên uy tín tại nhiều nơi như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… để mời về Quảng Ninh giảng dạy.

“Khó khăn bước đầu chính là động lực để tôi cùng các cộng sự cố gắng. Chúng tôi xác định chương trình đào tạo, học tập phải đem lại lợi ích, đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó cũng phải tranh thủ sự hỗ trợ tích cực của các cấp uỷ, chính quyền địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính. Nhất là các chương trình “Cà phê doanh nhân” của tỉnh là dịp cộng đồng doanh nghiệp được đối thoại, chia sẻ thông tin, nêu kiến nghị… với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành” – Nguyễn Văn Đạt cho biết thêm.

Đến nay, SIC ngày càng khẳng định thương hiệu “Nơi doanh nhân đến để phát triển, nơi doanh nghiệp tới để vững bền”. Thời gian qua, đã có hơn 500 doanh nhân, giám đốc, lãnh đạo các doanh nghiệp, hơn 2.000 cán bộ quản lý các doanh nghiệp tham gia các chương trình đào tạo kỹ năng quản lý, kỹ năng làm việc do SIC tổ chức.

Nguyễn Thị Thanh Hoa và Vũ Thị Hải Ly trình bày ý tưởng “Dung dịch phòng trị nấm cho cá cảnh từ lá bàng khô và muối biển” tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo lần thứ IV năm 2021.

Với niềm yêu thích đối với các bộ môn khoa học, nhiều học sinh cũng đã trở thành những nhà sáng chế trẻ. Xuất phát từ thực tế cuộc sống, mong muốn biến đam mê thành hiện thực, thỏa sức sáng tạo, để tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống, bằng những kiến thức được truyền đạt từ các thầy, cô, cũng như tự tìm tòi, học hỏi, nhiều học sinh đã phát triển thành đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao và được chọn gửi dự thi các cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo lần IV được tổ chức tháng 10/2021, Nguyễn Thị Thanh Hoa và Vũ Thị Hải Ly, học sinh lớp 9A, Trường THCS Phong Cốc (TX Quảng Yên) đã gây ấn tượng rất lớn đối với Ban Giám khảo qua ý tưởng “Dung dịch phòng, trị nấm cho cá cảnh từ lá bàng khô và muối biển”. 2 em đã giành giải nhất chung cuộc của cuộc thi ở bảng thi dành cho học sinh. Được biết, ý tưởng này cũng giành được giải nhì cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học TX Quảng Yên và của tỉnh, đoạt giải ba tại cuộc thi Sáng tạo TTN-NĐ toàn tỉnh.

Nguyễn Thị Thanh Hoa hào hứng chia sẻ: Chúng em hình thành ý tưởng này từ thực tế cuộc sống ngay tại chính gia đình mình. Ở nhà em, bố là người rất thích nuôi cá cảnh. Những lần cá bị nấm, em thấy bố thường thả lá bàng và muối biển vào bể cá. Cách làm này có lúc cũng chữa được do cá bị bệnh nhẹ. Em nghĩ rằng, có thể phương pháp dân gian này đúng, nhưng cách thức sử dụng chưa phù hợp. Vì thế, em đã nảy ra ý tưởng tạo ra dung dịch pha sẵn, nghiên cứu làm sao để có tỷ lệ thích hợp dùng làm thuốc đặc trị. Sau khi tham khảo trên mạng, em đã trao đổi ý tưởng cùng Ly và cô giáo dạy bộ môn sinh học. Từ đó, 3 cô trò đã bắt tay cùng thực hiện.

Nguyễn Thị Thanh Hoa và Vũ Thị Hải Ly (Trường THCS Phong Cốc, TX Quảng Yên) giành giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo năm 2021.

Đến nay, sản phẩm đã được sự bảo trợ của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) sau rất nhiều công đoạn nghiên cứu, thử nghiệm khắt khe, từ thu gom, làm sạch lá bàng, đến chưng cất tinh chất lá bàng, rồi điều chỉnh nhiều lần tỷ lệ pha muối và tinh chất… Hoa và Ly đã phải dành rất nhiều thời gian cùng nhau đến những nhà dân có nuôi cá cảnh làm thử nghiệm, để tìm ra được công thức chuẩn nhất cho sản phẩm này.

“Lá bàng và muối biển, thực tế là nguồn nguyên liệu rất dễ tìm, theo chúng em tìm hiểu thì có rất nhiều tính năng ưu việt, nếu được sử dụng đúng cách sẽ cho ra được dung dịch chuẩn, phù hợp với rất nhiều người, vì giá thành khá rẻ. Bên cạnh đó, chúng em đã thử nghiệm ở cả một số loại cá nước ngọt và thấy dung dịch mang lại hiệu quả tốt. Để phát triển thêm sản phẩm của mình, chúng em dự định sẽ thử nghiệm diện rộng hơn, có thể nghiên cứu, sử dụng thêm các nguồn nguyên liệu khác, để sản phẩm có thể trở nên hữu ích đối với đời sống” – Vũ Thị Hải Ly cho biết thêm.

“Tiếp lửa” cho những ước mơ vươn xa

Thời gian qua, Tỉnh Đoàn đã chủ động nghiên cứu, triển khai nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở năm 2021 “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của thanh niên Quảng Ninh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, hiện đã được Hội đồng thẩm định của tỉnh phê duyệt triển khai. Toàn tỉnh đã vận động ĐVTN đề xuất 13.603 ý tưởng, sáng kiến; duy trì hiệu quả của 244 CLB Khoa học kỹ thuật trẻ, tập trung tại các đơn vị ngành than.

Mô hình “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trong chuồng lạnh, liên kết trong chăn nuôi gà bản Đầm Hà” của chị Nguyễn Thị Thu Hiền được nhận Giải thưởng Lương Định Của.

Tỉnh Đoàn còn phối hợp triển khai cuộc thi Sáng tạo TTN-NĐ cấp tỉnh. Từ năm 2018, phối hợp tổ chức thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Qua từng năm, các ý tưởng dự thi đều tăng cả về số lượng và chất lượng, với nhiều ý tưởng giàu tính khả thi, đề xuất xây dựng thương hiệu, phát triển các sản phẩm nông nghiệp địa phương; phát triển du lịch cộng đồng; sản xuất một số loại máy móc kỹ thuật phục vụ sản xuất, có tính ứng dụng cao trong đời sống xã hội…

Với mục tiêu thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, năm 2017, BTV Tỉnh Đoàn đã thành lập CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Quảng Ninh; chỉ đạo các cơ sở đoàn trong toàn tỉnh thành lập 13 CLB khởi nghiệp cấp huyện, 3 CLB khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng. Đến nay, CLB đã phát triển với trên 400 hội viên, với các hoạt động cà phê khởi nghiệp, diễn đàn khởi nghiệp, là nơi để hội viên được chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh, quảng bá sản phẩm, giao lưu học hỏi. Từ đó, các doanh nghiệp trẻ đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp tích cực cho ngân sách của tỉnh, phúc lợi xã hội…

Lãnh đạo Tỉnh Đoàn thăm vườn cây giống của Công ty CP Quế hồi Quảng Ninh do Lỷ A Tài (xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà) làm chủ.

Với sự hỗ trợ của các CLB Đầu tư và Khởi nghiệp, nhiều thành viên trong CLB đã vươn lên, nỗ lực khẳng định bản thân. Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Thu Hiền, HTX Tuyền Hiền (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà); anh Hoàng Đức Mạnh, Phó giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều); anh Lê Văn Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Điện máy Thiên Long (TP Hạ Long)… Và hằng năm, tỉnh đều có doanh nghiệp nằm trong top 100 doanh nghiệp khởi nghiệp xuất sắc tiêu biểu toàn quốc.

Đặc biệt, tỉnh cũng đã ban hành Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030. Một trong những mục tiêu mà chương trình đề ra đó là tạo điều kiện để thanh niên bình đẳng về cơ hội học tập, đổi mới, sáng tạo. Vì thế, các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh cần tăng cường đổi mới hình thức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thanh niên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới khởi nghiệp, định hướng và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; góp phần vào phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và hội nhập quốc tế…

Có thể thấy, thanh niên Quảng Ninh ngày càng thể hiện bản lĩnh, trình độ, tri thức; đóng góp sức lực vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đây là hình mẫu thanh niên trong thời kỳ mới với “Tâm trong – trí sáng – tiên phong – hoài bão lớn”, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh.

Vân Anh