Để phát huy hơn nữa giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, nâng tầm văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trở thành di sản của quốc gia, dân tộc, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân cần ra sức thi đua, tiến quân vào khoa học công nghệ, làm chủ vũ khí, trang bị, kỹ thuật hiện đại…
Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tôi luyện cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ phẩm chất, văn hóa và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm lịch sử hào hùng của dân tộc, làm sáng ngời giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. Hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” đã đi vào lịch sử, thấm sâu vào tâm thức của mỗi quân nhân và người dân Việt Nam, lan tỏa một cách tự nhiên trong đời sống cộng đồng, trở thành một giá trị văn hóa tiêu biểu…
Trải qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội, danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” đã được nâng tầm trở thành văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” chứa đựng bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, là sự hòa quyện giữa tính dân tộc và tính giai cấp; giữa tính truyền thống và tính hiện đại; là sự phản ánh bản sắc văn hóa, nét đẹp tinh thần, tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam, đồng thời là giá trị văn hóa, nhân văn, nhân ái của quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Nhắc đến văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” là sự phản ánh những chuẩn mực văn hóa, đạo đức của người quân nhân cách mạng với tấm lòng kiên trung, tận tụy, luôn trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; luôn kiên định và giữ vững lập trường chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; luôn nêu cao tinh thần anh dũng, không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao… Những giá trị tốt đẹp ấy, dù trong thời chiến hay thời bình, đều được thể hiện cụ thể qua từng cử chỉ, hành động, việc làm, góp phần tạo nên sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội, gìn giữ và tỏa sáng phẩm chất, văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân, được nhân dân tin yêu, đùm bọc. Càng ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, càng ngời sáng văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, để lại ấn tượng sâu đậm đối với đồng bào trong nước cũng như bạn bè quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn” (1). Giá trị văn hóa là yếu tố cốt lõi của đời sống xã hội, được nhân loại sáng tạo và kết tinh trong quá trình lịch sử, hướng con người tới những giá trị “Chân – Thiện – Mỹ”. Giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, là niềm vinh dự, tự hào, là động lực mạnh mẽ giúp mọi cán bộ, chiến sĩ toàn quân không ngừng phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” (2).
Thực tế thời gian qua, “Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta” (3). Đối với Quân đội, bên cạnh âm mưu tách Quân đội khỏi sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt” của Đảng, “phi chính trị hóa” Quân đội, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước còn ra sức phủ nhận, xuyên tạc bản chất, giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” của Quân đội ta. Chúng luôn tìm mọi cách phủ nhận, bôi đen giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” nhằm chia rẽ Quân đội với Đảng, chia rẽ Quân đội với nhân dân, làm cho Quân đội mất vai trò là lực lượng chính trị tin cậy, công cụ bạo lực sắc bén của Đảng. Chúng cho rằng, “giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” chỉ phù hợp với thời điểm đất nước có chiến tranh”; hiện nay, giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” đã lỗi thời, lạc hậu… Càng nguy hiểm khi những âm mưu nói trên còn đưa đến những nhận thức lệch lạc ở một bộ phận cán bộ, chiến sĩ; làm ảnh hưởng đến truyền thống, bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, việc lan tỏa sâu rộng, phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội; nâng cao khả năng vận dụng các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, đặc biệt về việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong Quân đội. Trong đó, trọng tâm là Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; Kế hoạch số 1349/KH-CT ngày 15/8/2022 của Tổng cục Chính trị về thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong Quân đội nhân dân Việt Nam,… Qua đó, tiếp tục xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân, luôn có khát vọng, lý tưởng cao đẹp, giữ vững và phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thực chất, trong từng lời nói và hành động, với tinh thần “lấy thông tin tích cực dẹp bỏ thông tin tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; tiếp tục lan tỏa sâu rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, những gương người tốt, việc tốt; cá nhân điển hình, tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tiếp tục khẳng định giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; kiên quyết đấu tranh loại bỏ các âm mưu, thủ đoạn, hành động xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động; kịp thời định hướng tư tưởng quân nhân trong mọi tình huống.
Đặc biệt, cần tiếp tục tăng cường vai trò định hướng của Ban Chỉ đạo 35 các cấp trong Quân đội; thường xuyên phát huy vai trò, trách nhiệm của các lực lượng chuyên trách như Lực lượng 47, đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên các cấp trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; xây dựng các bài viết, hình ảnh, video clip có giá trị đấu tranh sắc bén, đấu tranh trực diện, có chiều sâu, lập luận chặt chẽ,… tạo nên thế trận vững chắc, kiên quyết bẻ cong những luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc, sai sự thật trên không gian mạng; lan tỏa sâu rộng giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Các cấp trong Quân đội đang chuẩn bị tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tìm ra những tồn tại, thiếu sót để khắc phục trong thời gian tới. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên.
Trong đó, giáo viên giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng chính là một trong những lực lượng nòng cốt, đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi vì, khi đứng trên bục giảng, mỗi lời nói, hành động của giáo viên sẽ tác động rất lớn đến tư tưởng và hành động của người học. Mục tiêu trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn là không chỉ cung cấp cho người học kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, mà còn phải trang bị cho họ thế giới quan, phương pháp luận, lập trường quan điểm chính trị đúng đắn, giúp họ nâng cao bản lĩnh chính trị, khả năng “miễn dịch” trong đời sống xã hội, giữ vững giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”.
Trong giai đoạn hiện nay, để phát huy hơn nữa giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, nâng tầm văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trở thành di sản của quốc gia, dân tộc, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân cần ra sức thi đua, tiến quân vào khoa học công nghệ, làm chủ vũ khí, trang bị, kỹ thuật hiện đại; không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt; tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc và của Quân đội, mãi mãi xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, mãi mãi xứng danh là Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Phát huy truyền thống, bản chất, hình ảnh cao đẹp, giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới phải trở thành nếp sống, nếp nghĩ, lẽ sống, hành động sống, phương châm xuyên suốt của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Không ngừng nỗ lực, phấn đấu, khẳng định vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, rèn giũa “thanh bảo kiếm” thật sự sắc bén để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay./.
Tài liệu tham khảo:
(1). Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.157.
(2). Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 14, tr.435.
(3). Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr.108.
Theo ĐCS