Còn trẻ nhưng Lý Thị Thủy (SN 2003) được coi là một trong những VĐV triển vọng của đua thuyền Quảng Ninh với bảng vàng thành tích đáng nể mà nhiều VĐV cùng trang lứa phấn đấu còn khó. Ít ai biết rằng, Thủy đã phải nỗ lực vượt bậc chiến thắng chính bản thân mình để chinh phục những đỉnh cao mới.
Lý Thị Thủy sinh ra ở Thượng Yên Công (Uông Bí) trong một gia đình khó khăn có 3 anh, chị, em. Từ nhỏ, Thủy đã tự lập hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa. Cái duyên đến với đua thuyền cũng thật tự nhiên và tình cờ.
“Quả thật em cũng không nghĩ một ngày mình sẽ theo nghiệp thể thao, trở thành VĐV đua thuyền, dù trước đó chưa hề biết tới môn thể thao lạ lẫm này. Chứng kiến người chị ruột Lý Thị Thúy theo đuổi đam mê thể thao, thành công và có nhiều điều kiện giúp đỡ bố mẹ lo kinh tế, em cũng ghi danh đi tập thử, không ngờ lại yêu thích và gắn bó với môn này luôn” – Thủy kể.
Năm 2016, Lý Thị Thủy chính thức bước vào làm quen và tập luyện môn đua thuyền. HLV Đỗ Văn Hiệu đánh giá Thuỷ có chiều cao tốt, cân nặng, thể hình và có nhiều tố chất rất phù hợp để luyện tập và thi đấu bộ môn thể thao cường độ cao như đua thuyền. Đua thuyền là môn tập ngoài trời, đòi hỏi VĐV phải dậy sớm, tập luyện với sông nước bất kể nắng mưa, gió rét. Với Thủy, ngay từ đầu đua thuyền đã thử thách ý chí, tinh thần của em.
”Ban đầu, khó nhất đối với em có lẽ là tập bơi, làm quen thuyền, tập thăng bằng trên sông cả tháng trời. Không chỉ vậy, việc tập thể lực, tập chạy cũng khá nặng. Tập nặng, sống xa nhà, xa gia đình, nhiều khi cũng khiến em buồn, nản chí…” – Thủy kể lại.
“Có thời điểm, sự tiến bộ của Thủy chững lại. Tôi cảm thấy hình như Thủy đang thiếu một điều gì đó, một động lực để Thủy tự tin, vươn mình thành công” – HLV Đỗ Văn Hiệu chia sẻ.
“Đòn bẩy” với Thủy có lẽ đến từ tình cảm với gia đình, với sự vất vả của bố mẹ, mong muốn đỡ đần những gánh nặng với bố mẹ. Năm 2019, mẹ Thủy đã chấp nhận đi làm ăn xa nhà để lo cho gia đình, lo cho em học hành. Có lẽ vì thế mà Thủy lao vào tập luyện. Ngoài các bài tập trong giáo án luôn hoàn thành tốt, Thủy còn chăm chỉ tập thêm thể lực. Thủy thường xuyên hoàn thành tốt cự ly chạy 6-10km trên bộ, chèo thuyền trên sông để rèn thể lực. Dù nhiều lúc xuống sức, nôn khan ngay trên sân tập nhưng Thủy vẫn nỗ lực. Ý chí, sự chuyên cần đó đã được đền đáp.
Năm 2020, Thủy giành liên tiếp 3 HCV giải trẻ, 2 HCV ở Giải Vô địch quốc gia – giải đấu cao nhất có sự cạnh tranh quyết liệt nhất của các tay đua thuyền chuyên nghiệp.
Năm 2021 ít thi đấu vì dịch, đến năm 2022, Thủy được Ban huấn luyện đưa vào danh sách thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 dù có không ít tay chèo trẻ tài năng và giàu triển vọng. Không phụ niềm tin, Thủy đã thể hiện xuất sắc, cùng đồng đội giành 4 HCV các nội dung thuyền 2 K2 và K4 cự ly 200m và 500m.
Bên cạnh đó, Thủy cũng kịp làm giàu thêm bảng thành tích của mình với 5 HCV tại Giải Vô địch đua thuyền trẻ Quốc gia; 2 HCV tại giải Vô địch các CLB đua thuyền toàn quốc; 1 HCV, 1HCB và 1 HCĐ tại giải Đua thuyền Cúp Canoeing toàn quốc. Đầu năm 2023, Thủy giành thêm 2 HCV và 2 HCB ở giải Vô địch đua thuyền các CLB.
Có thể thấy, Lý Thị Thủy đang có điểm rơi phong độ tốt. Thủy cũng thường xuyên được góp mặt ở Đội tuyển đua thuyền Quốc gia chuẩn bị cho các giải lớn trong nước và quốc tế. Với những thành tích nổi bật, Thủy đã được Tỉnh Đoàn vinh danh là tài năng trẻ Quảng Ninh năm 2022.
“Em biết mình còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để chinh phục những đỉnh cao, theo đuổi đam mê đua thuyền của mình và mong ước trở thành HLV giỏi, truyền lửa cho thế hệ trẻ sau khi giải nghệ” – Thủy chia sẻ về dự định của mình trong tương lai.