Kỷ niệm 61 năm ngày Bác Hồ ra thăm đảo (9/5/1961 – 9/5/2022)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đến công nhân Vùng mỏ, quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Huyện đảo Cô Tô là địa phương duy nhất trong cả nước được Bác Hồ đồng ý cho dựng tượng lúc Người còn sống. Ngày 9/5/1961 đã trở thành niềm tự hào của người dân Cô Tô khi được đón Người ra thăm.

Ngày 9/5/1961, nhân dân, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đảo Cô Tô vinh dự được đón Bác Hồ ra thăm. Trong giờ phút thiêng liêng đó, cán bộ, chiến sỹ và đồng bào trên đảo được tận mắt nhìn thấy Bác trong bộ quần áo kaki, đôi dép cao su giản dị, Bác nói:

“Thưa các cụ phụ lão!

Anh chị em bộ đội, cán bộ!

Thanh niên, nhi đồng!

Chúng tôi thay mặt Đảng và Chính phủ thân ái hỏi thăm toàn thể đồng bào. Trong thời kỳ kháng chiến, đồng bào ta đã hăng hái giúp đỡ cán bộ và bộ đội. Từ hòa bình lập lại, đồng bào ta đoàn kết chặt chẽ, khắc phục khó khăn thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, nhờ vậy mà đời sống đã tiến bộ hơn trước, đồng bào tổ chức các HTX để làm ăn cho vui vẻ và tiến bộ, như thế là tốt. Để tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc, các HTX cần phải ra sức thực hiện các việc sau đây:

– Thủy lợi tốt, phân bón nhiều, chọn giống cho tốt, cày bừa kỹ, cấy giầy đúng mức v.v… Phải ra sức chăn nuôi, vì chăn nuôi vừa là một nguồn lợi lớn, lại là một kho phân nhiều.

– Cần đẩy mạnh nghề đánh bắt cá, nghề làm muối, nuôi dưỡng và bảo vệ các thứ hải sâm, chân trâu v.v…

Để làm tốt những nghề đó thì phải cần cải thiện kỹ thuật, cải tiến lưới, thuyền. Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. trồng cây sẽ đem lại cho nhân dân một nguồn lợi lớn lại làm cho xứ sở ta thêm tươi đẹp.

– Phải ra sức củng cố hợp tác, làm đúng khẩu hiệu cần kiệm xây dựng hợp tác xã.

– Về văn hóa cần cố gắng thanh toán nạn mù chữ và đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hóa trong cán bộ nhân dân. Việc vệ sinh phòng bệnh cần tăng cường. Có sức khỏe đầy đủ thì sản xuất mới mạnh mẽ.

– Về trật tự trị an, các đồng chí bộ đội, công an, dân quân và cán bộ lâu nay đã làm tròn nhiệm vụ. Như thế là tốt. Các đồng chí cần tiếp tục cố gắng học tập chính trị, nghiệp vụ và văn hóa, cần đoàn kết chặt chẽ với nhân dân và giúp đỡ nhân dân. Đồng bào thì cần giúp đỡ các đồng chí ấy làm nhiệm vụ cho thật tốt.

Để làm tốt các việc trên đây, đồng bào ta phải nhận thấy rõ và làm thật đúng nghĩa vụ của người chủ nước nhà. Cán bộ phải chí công vô tư, phải làm một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động phải làm đầu tàu phải gương mẫu trong mọi việc. Hiện nay trong số 4 ngàn nhân dân chỉ có 180 đảng viên như thế là quá ít. Cần phải phát triển thêm và phát triển tốt Đảng và Đoàn…

Cuối cùng Bác nói: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết và tiến bộ”.

Tháng 1/1962, trong lần thứ sáu Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại thăm Vùng mỏ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hải Ninh đứng đầu là đồng chí Hoàng Chính – Bí thư Tỉnh ủy đã thưa với Bác nguyện vọng của nhân dân là muốn được dựng bức tượng của Bác trên đảo Cô Tô để ngày ngày đồng bào được nhìn thấy Bác, được gần gũi Bác. Bác đã đáp ứng nguyện vọng đó của đồng bào, đồng ý cho tỉnh Hải Ninh được dựng tượng Người trên đảo Cô Tô.

Đúng dịp sinh nhật lần thứ 78 của Bác (5/1968), đảo Cô Tô như mở hội, nhân dân các đảo kéo về đông vui với cờ hoa, biểu ngữ chào mừng ngày sinh nhật Bác, cũng là ngày khánh thành tượng Bác trên đảo Cô Tô. Dự lễ cắt băng khánh thành hôm đó có ông Nguyễn Ngọc Đàm khi đó là Phó Chủ tịch (giai đoạn 1969 – 1980 là Chủ tịch) Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Ninh, ông Lê Bảy – Trưởng Ty Thủy sản và một số người khác. Ngày 22/5/1968, sau khi công trình hoàn thành, Ty Văn hóa Thông tin Quảng Ninh đã bàn giao cho xã Cô Tô, và huyện Cẩm Phả đưa vào sử dụng, phát huy giá trị. Ủy ban hành chính xã Cô Tô có trách nhiệm trực tiếp bảo vệ, giới thiệu phục vụ khách tới thăm quan.

Cô Tô là nơi duy nhất được Bác đồng ý cho phép dựng tượng khi Người còn sống. Điều này đã thể hiện tầm nhìn, sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Bác Hồ đối với vấn đề chủ quyền biển đảo, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô là niềm vinh dự, tự hào của quân và dân huyện đảo tiền tiêu

Trải qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô luôn luôn được các cấp có thẩm quyền và toàn thể nhân dân quan tâm, đầu tư các nguồn lực cho công tác quy hoạch, tu bổ, tôn tạo. Di tích trở thành điểm nhấn có ý nghĩa lớn về chính trị, có giá trị lớn về cảnh quan, văn hóa – lịch sử trên vùng biển Đông Bắc Tổ quốc. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ đặc biệt tiêu biểu, ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 93/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô là di tích quốc gia đặc biệt.

Khắc ghi lời dạy của Người, Cô Tô phấn đấu vươn lên trở thành đô thị biển hiện đại, trọng tâm du lịch vùng Đông Bắc

Sau 61 năm kể từ ngày Bác Hồ ra thăm đảo, sau 28 năm thành lập huyện đảo, quân và dân Cô Tô vẫn luôn quyết tâm, phấn đấu thực hiện tốt lời Bác dặn. Bằng trí tuệ, sự năng động, sáng tạo, quân và dân huyện đảo đã hăng hái học tập, rèn luyện và noi theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người, quyết tâm xây dựng Cô Tô ngày một giàu đẹp hơn, giữ vững quốc phòng an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo; vươn lên trở thành đô thị biển hiện đại, trọng tâm du lịch vùng Đông Bắc.

Thu Báu – Trang Đào