Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu các đại biểu tập trung cho ý kiến vào hai nội dung quan trọng.
Phát biểu tại kỳ họp, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu các đại biểu tập trung cho ý kiến vào hai nội dung quan trọng. Đó là, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và thảo luận, góp ý kiến vào 03 dự thảo Báo cáo tư vấn của Hội đồng, góp phần phục vụ việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII (dự kiến họp vào tháng 10/2022), bao gồm: Một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Kỳ họp này, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc vào dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm, kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm của Hội đồng Lý luận Trung ương và 3 dự thảo Báo cáo tư vấn nêu trên.
Về Dự thảo Báo cáo Kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm và Kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm, các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với Dự thảo Báo cáo, phân tích làm rõ hơn những kết quả nổi bật, những đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động mà Hội đồng đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022. Các đại biểu cũng nhấn mạnh thêm yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội đồng thích ứng với điều kiện mới.
Về các báo cáo tư vấn phục vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư: Đối với Dự thảo Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”, các ý kiến cơ bản nhất trí với Dự thảo Báo cáo, đồng thời nhấn mạnh, bổ sung một số kết quả nổi bật qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết; phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; dự báo tình hình sắp tới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, giải pháp chủ yếu để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị thời gian tới.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của phương thức lãnh đạo của Đảng với tính chất là biểu hiện tập trung nhất của vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Vì thế, cần tập trung đổi mới đồng bộ các nội dung phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là đổi mới phương thức hoạch định đường lối, ra nghị quyết, tổ chức thực hiện các nghị quyết và phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua công tác tổ chức, cán bộ.
Về Dự thảo Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với Dự thảo Báo cáo, đồng thời đã nhấn mạnh, bổ sung một số kết quả nổi bật về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua 35 năm đổi mới; phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dự báo bối cảnh mới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Các ý kiến nhất trí kiến nghị về xây dựng Nghị quyết Trung ương mới “Về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Về Dự thảo Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các ý kiến cơ bản nhất trí với Dự thảo Báo cáo, đồng thời nhấn mạnh, bổ sung một số kết quả nổi bật về thực hiện CNH, HĐH qua 35 năm đổi mới; phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong thực hiện CNH, HĐH qua 35 năm đổi mới; dự báo tình hình sắp tới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
Theo ĐCS