Ông bà ta xưa có câu “Con không chê cha mẹ khó”. Ấy thế mà, gần đây lại nổi lên nhân vật Tưởng Năng Tiến tự chối bỏ gốc gác của mình.
Trong khi đó, cha mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi nấng ông ta khôn lớn; quê hương, đất nước dung dưỡng ông ta thành người.
Đến độ tuổi xế chiều-“gần đất xa trời”, đáng lẽ ra ông Tưởng Năng Tiến phải đủ độ chín chắn, làm gương cho con cháu về tri ân cội nguồn của mình. Nhưng không, ông ta lại muốn mình là “người Mã, người Miên, người Thái hay người Tàu… chớ không phải dân An Nam” để rồi lớn tiếng phê phán Đảng ta “không lo cho người dân, để người dân chết đói giữa đại dịch”… Đây là những lời nói hàm hồ, thiếu khách quan, cố tình bôi nhọ, phủ nhận tâm sức, vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Khoản 2, Điều 4, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “…Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình…”.
Thực tế đã chứng minh, gần 92 năm qua, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân ta hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng cũng lãnh đạo công cuộc đổi mới đạt được nhiều thành tựu nổi bật, vị thế và uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, của đất nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Không phải ngẫu nhiên mà Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề cập nhiều lần cụm từ “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; trong đó, nhấn mạnh đến yếu tố hạnh phúc của nhân dân. Thời gian qua, dù đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết, đồng lòng, chung sức nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng trên thế giới vì vừa kiểm soát, khống chế hiệu quả đại dịch Covid-19, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Liên tục hai năm gần đây, Việt Nam đã tăng 11 bậc trên bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc của Liên hợp quốc, từ 94/156 quốc gia (năm 2019) lên 83/156 quốc gia (năm 2020).
Mới đây, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ: “Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn, áo mặc cho 100 triệu dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, khi khó khăn không bỏ ai lại phía sau”.
Đây là điều hoàn toàn đúng đắn, được người dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế thừa nhận. Vậy mà, một số kẻ phản động, có âm mưu chống phá cách mạng nước ta không chỉ tự chối bỏ gốc gác quê hương của mình mà còn cố tình xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước, nhân dân ta. Chúng ta luôn nêu cao đạo lý “chim có tổ, người có tông”, vì thế những kẻ tự chối bỏ quê hương, bản quán cũng nên tự vấn.
CHÍ THỊNH