3. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc XHCN là sức mạnh tổng hợp của đất nước, toàn dân và hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, quản lý, điều hành của Nhà nước, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại

Tổ quốc và Nhà nước Nga Xô viết từ lúc ra đời còn rất non yếu trước sức mạnh của bè lũ đế quốc, các thế lực phản động. Nhưng dưới ánh sáng tư tưởng cách mạng và khoa học do Cách mạng Tháng Mười Nga, đứng đầu là V.I.Lênin đem lại, thế và lực của nước Nga Xô viết sau là Liên Xô ngày càng hùng mạnh, đã từng trở thành trụ cột, thành trì của phong trào XHCN, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giai cấp và nhân loại. Những tư tưởng của Cách mạng đã chỉ ra, sự nghiệp cách mạng XHCN muốn thành công thì “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng quân thù.

Tấm gương và sự thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga cho thấy những vấn đề cơ bản tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc XHCN. Sức mạnh đó đã được V.I.Lênin đúc kết trên nhiều lĩnh vực. Về chính trị, đó là: “sự vững chắc của chính quyền Xô viết, đó là nguồn gốc của sức mạnh vô địch của chính quyền Xô viết trên toàn thế giới” [7]. Về kinh tế, tư tưởng và quân sự, đó là: “Giai cấp vô sản chiến thắng… sau khi đã tước đoạt bọn tư bản và đã tổ chức nền sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nước mình, sẽ đứng lên chống lại cái thế giới tư bản chủ nghĩa còn lại, lôi cuốn những giai cấp bị áp bức ở các nước khác theo mình, thúc đẩy họ nổi dậy chống bọn tư bản, sử dụng khi cần thiết, ngay cả lực lượng quân sự, để chống lại các giai cấp bóc lột và nhà nước của chúng” [8]. Về kinh tế – quốc phòng, đó là: “Khả năng phòng thủ, sức mạnh quân sự của một nhà nước mà ngân hàng đã được quốc hữu hóa, thì cao hơn khả năng phòng thủ của một nước mà ngân hàng còn ở trong tay tư nhân” [9]. Về quân sự, đó là khi phải “đương đầu với mặt trận rộng lớn của các cường quốc đế quốc chủ nghĩa, chúng ta, những người đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, là một khối liên minh đòi hỏi có sự đoàn kết chặt chẽ về mặt quân sự” [10]. Về đoàn kết quốc tế vô sản, đó là: “Thắng lợi của cách mạng vô sản thế giới đòi hỏi giai cấp công nhân các nước tiên tiến phải hết sức tin cậy lẫn nhau, đoàn kết anh em hết sức chặt chẽ với nhau và phải hết sức nhất trí trong các hành động cách mạng của họ” [11]…

Thực tiễn và lý luận sinh động về sức mạnh bảo vệ Tổ quốc XHCN được đúc kết từ Cách mạng Tháng Mười Nga cho thấy, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc XHCN luôn là sức mạnh tổng hợp bởi nhiều yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong bối cảnh hiện nay luôn đòi hỏi phải thấm nhuần và phát huy những giá trị về sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc XHCN mà Cách mạng Tháng Mười Nga đem lại. Những vấn đề cơ bản về sức mạnh bảo vệ Tổ quốc và phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc cần phải tiếp tục được khẳng định và thể hiện rõ ràng trong các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, cũng như các chiến lược quân sự, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

4. Thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trước hết là Quân đội nhân dân vững mạnh toàn diện, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 đã cho thấy lực lượng vũ trang, nhất là Hồng quân công nông giữ một vị trí đặc biệt quan trọng đối sự thành bại của cách mạng XHCN. Bên cạnh sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Bônsêvíc Nga, sự quản lý, chỉ đạo của Chính quyền Xô viết, đứng đầu là V.I.Lênin, thì các lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Hồng quân công nông là lực lượng nòng cốt tạo nên sức mạnh quân sự Nhà nước và chế độ XHCN. Nhờ có sự chăm lo xây dựng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, quân sự và trang bị của Hồng quân mà thế lực của Cách mạng đã lớn mạnh, làm xoay chuyển tình thế và cán cân lực lượng nghiêng hẳn về các Xô viết trong thời kỳ hai chính phủ song song tồn tại, trong khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, cũng như trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Chính quyền Xô viết và Tổ quốc Nga XHCN.

Chính trong Cách mạng Tháng Mười, chúng ta mới thấy hết được những tư tưởng chiến lược về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và Hồng quân công nông. V.I.Lênin đã khái quát về vai trò của Hồng quân: “Muốn bảo vệ chính quyền của công nông để chống bọn ăn cướp, tức bọn địa chủ và bọn tư bản, chúng ta phải có Hồng quân mạnh mẽ… Có Hồng quân mạnh, chúng ta sẽ vô địch” [12]. Từ đó, Người đòi hỏi: “Mỗi tổ chức của nước Nga Xô viết hãy luôn luôn đặt vấn đề quân đội lên hàng đầu” [13]. Để Hồng quân trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng, với chế độ XHCN, phải xây dựng Hồng quân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Điều cốt yếu nhất là phải đặt Hồng quân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự chỉ đạo toàn diện của các chính ủy. Tổng kết quá trình xây dựng Hồng quân, Người khẳng định: “Chúng ta đã có một đạo quân. Đạo quân ấy có kỷ luật mới. Kỷ luật này được các chi bộ đảng, các công nhân và các chính ủy giữ vững; hàng chục vạn người đó đã ra mặt trận và giải thích cho công nhân và nông dân biết nguồn gốc của chiến tranh. Đó là lý do của sự chuyển biến trong quân đội ta. Đó là lý do làm cho sự chuyển biến biểu hiện ra một cách mạnh mẽ như vậy” [14]. Để Hồng quân vững mạnh toàn diện, Người còn đòi hỏi: “Hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân như ta chăm lo đến con ngươi trong mắt mình, hãy nhớ rằng chúng ta không được phép lơ là một phút nào trong việc bảo vệ công nhân và nông dân của ta và bảo vệ những thành quả của họ” [15].

105 năm đã trôi qua, song những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn mang tính thời sự. Những tư tưởng vĩ đại của Cách mạng còn luôn tươi mới trong đời sống nhân loại, với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các chính đảng cách mạng của họ. Vì vậy, một trong những vấn đề có tính nguyên tắc của các chính đảng cộng sản, trước tiên là đối với Đảng Cộng sản Việt Nam là kiên định những giá trị mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã đem lại, nhất là về bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Hành động thiết thực nhất là bổ sung, cụ thể hóa những giá trị và tư tưởng quân sự, quốc phòng của Cách mạng Tháng Mười Nga vào đường lối và các chiến lược bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Coi đó là ngọn cờ tư tưởng quân sự, quốc phòng đúng đắn, góp phần dẫn dắt dân tộc Việt Nam vươn tới mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.

———-

[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2005, t. 41, tr. 475.

[2] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 30, tr. 176.

[3]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr.69.

[4] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 17, tr. 230.

[5] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 36, tr. 102.

[6], [11] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 38, tr. 378, 132.

[7], [12] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 39, tr. 330, 176.

[8] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 26, tr. 447.

[9] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 34, tr. 259.

[10] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 40, tr. 113.

[13], [14] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 37, tr. 148, 470.

[15] V.I.Lênin: Sđd, 2006, t. 44, tr. 369.

Đại tá, PGS. TS Nguyễn Văn Quang, Cán bộ nghiên cứu, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự