Những năm qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã mang lại những hiệu quả nhất định, góp phần giữ vững an ninh chính trị, ổn định xã hội, củng cố nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, từ khi Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” được ban hành, công tác này đã được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất và toàn diện trên mọi mặt. Dù vậy, trước những yêu cầu của bối cảnh mới, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với công tác bảo về nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thời gian qua, các thế lực thù địch không ngừng phủ định, xuyên tạc học thuyết Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa ra các luận điểm thúc đẩy bạo lực, chiến tranh, gây tác động tiêu cực đến hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa; xuyên tạc cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị; chống lại chính trị và pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Các thế lực thù địch chống phá hòng chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam, ngấm ngầm truyền bá tư tưởng đi ngược lại với chủ trương và đường lối của Đảng. Lợi dụng những hạn chế trong quản lý nhà nước để kích động biểu tình trái phép và xuyên tạc đường lối; tổ chức các hội thảo đòi xem xét lại các vấn đề liên quan đến lịch sử. Hơn nữa, chúng còn đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013, đòi đa nguyên, đa đảng; phá bỏ nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; vu cáo Đảng chiếm quyền của dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền, “độc đoán”, “đảng trị”; đối lập Đảng với Nhà nước và đối lập Đảng, Nhà nước với nhân dân… Chúng tận dụng tối đa hệ thống phát thanh, báo chí, xuất bản ở nước ngoài, các kênh facebook, youtube… để tung thông tin xấu, độc dưới dạng “thật như giả”, “giả như thật”. Chúng dựng lên các video clip, phóng sự có giao diện giống như của Đài Truyền hình Việt Nam và một số báo, đài chính thống để đưa tin. Mánh lới của chúng là “giật tít”, “câu view” nhằm đánh trúng tâm lý tò mò của nhiều người. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch còn lôi kéo, kích động một bộ phận người dân và cả một số cán bộ hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vào các mục đích sai trái, bất hợp pháp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Đây cũng là những vấn đề cần được nhận diện đầy đủ để có biện pháp, phương hướng xử lý, đấu tranh phù hợp, hiệu quả.
Trong khi đó, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có lúc, có nơi chưa được triển khai tích cực, đồng bộ, hiệu quả; việc chủ động định hướng, cung cấp thông tin kịp thời để từ đó làm chủ thông tin, lấy thông tin tích cực, chính thống đấu tranh chống lại các thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, phản động trên mạng xã hội, internet nhiều thời điểm còn yếu; việc khai thác, phát triển những tiện ích, lợi thế của thông tin điện tử, mạng xã hội… còn nhiều hạn chế; chưa làm tốt việc dự báo, định hướng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Mặt khác, công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ổn định và phát triển, nâng cao uy tín, vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế còn hạn chế. Việc kết hợp đưa thông tin ra nước ngoài và thông tin chính thống từ thế giới vào Việt Nam chưa chặt chẽ, hiệu quả; do đó chưa hạn chế được nhiều tác động tiêu cực của những thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch. Vẫn còn tình trạng thông tin thiếu cân đối, chưa đảm bảo sự đồng đều về phân bố và khoảng cách hưởng thụ thông tin của nhân dân giữa các vùng, miền.
Từ thực tế đó, để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 35 – NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đổi mới nội dung, phương pháp học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xử lý đảng viên vi phạm, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, tuân thủ Điều lệ Đảng… Tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình của thể chế chính trị, bộ máy nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013.
Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng internet, mạng xã hội. Tăng cường những thông tin tích cực đi đôi với ngăn chặn có hiệu quả, xử lý, xóa bỏ thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện pháp luật, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng có hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để chống đối nền tảng tư tưởng của Đảng. Phát huy trách nhiệm củangười đứng đầu trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ ba, nâng cao nhận thức của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân về nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa của con người Việt Nam, đáp ứng được các yêu cầu trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đặc biệt cho thế hệ trẻ nhằm củng cố niềm tin, nâng cao ý thức trách nhiệm để người trẻ có đủ bản lĩnh chính trị thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và xã hội tin tưởng giao phó.
Thực hiện tốt các giải pháp cơ bản nêu trên không chỉ góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo Nghị quyết 35-NQ/TW, mà còn góp phần bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Theo VNTV