BẢN SẮC VĂN HÓA QUẢNG NINH TRONG TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP

Với quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dành nhiều nguồn lực quan trọng đầu tư, xây dựng và phát triển văn hóa toàn diện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ với những dấu ấn đặc sắc. Qua đó góp phần hiện thực hoá mục tiêu phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh với các đặc trưng Hành chính minh bạch – Kinh tế phát triển – Văn hóa đặc sắc – Xã hội văn minh – Nhân dân hạnh phúc.

Vùng đất Quảng Ninh không chỉ tự hào khi có Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long được thiên nhiên ưu đãi ban tặng, mà còn tự hào bởi bề dày truyền thống văn hóa lịch sử với biết bao thế hệ người dân Vùng mỏ vun đắp, xây dựng. Đó cũng chính là nét đặc sắc, khác biệt trong văn hóa của Quảng Ninh so với các vùng đất khác. Qua hàng trăm năm lịch sử, truyền thống văn hóa đặc trưng đã gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng, lao động sản xuất của con người Vùng mỏ vẫn được gìn giữ, phát huy, trở thành động lực để Quảng Ninh vững bước trên mỗi chặng đường phát triển.

Nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của tỉnh và đất nước, không phải bây giờ mà từ nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa, con người. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử được quan tâm. Hệ thống thiết chế văn hóa được tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng, nhiều công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế đã ra đời. Cùng với đó, hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật phát triển tích cực; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đặc trưng của con người Quảng Ninh cũng từng bước được định hình rõ nét.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và mở rộng hội nhập quốc tế, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh vẫn cần được đẩy mạnh với những nhiệm vụ cấp bách đặt ra trong tình hình hiện nay đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Với quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển, ngày 9/3/2018, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trong đó, đặt mục tiêu là giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng Năng động – Sáng tạo – Hào sảng – Lành mạnh – Văn minh – Thân thiện. Đặc biệt là phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các đặc trưng Hành chính minh bạch – Kinh tế phát triển – Văn hóa đặc sắc – Xã hội văn minh – Nhân dân hạnh phúc.

Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh cũng tiếp tục xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo” là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Thông qua đó dành nhiều nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tập trung thực hiện hiệu quả, thành công khâu đột phá này.  Nghị quyết đặt ra mục tiêu xây dựng, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh đảm bảo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình cụ thể. Trước hết thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa nói chung và văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể và phi vật thể nói riêng; giữ gìn và phát huy đặc trưng tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; các giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân Vùng mỏ; khắc sâu, nhân rộng những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Cùng với đó chú trọng bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, danh thắng; bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống, đặc biệt là các di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp với đặc thù của địa phương, đơn vị. Đến nay, một số nội dung đã và đang tiếp tục được tỉnh cụ thể hóa thành các quy hoạch, đề án, chuyên đề về văn hóa, thể thao tạo tiền đề cho việc hình thành những nét đặc trưng riêng của Quảng Ninh, như: Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”; Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn; Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Bộ tiêu chí Người Quảng Ninh; Tủ sách Văn hiến Quảng Ninh; Đề án bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh… Từ đây, không ngừng bảo tồn và phát huy, khắc sâu, nhân rộng văn hóa truyền thống, các giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân Vùng mỏ…

Có thể nói với sự quan tâm, đầu tư đúng tầm, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả thiết thực trong việc xây dựng, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Trong đó nổi bật nhất là tư tưởng, đạo đức, lối sống xã hội tiếp tục được khẳng định và phát huy theo chiều hướng tích cực; bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được đề cao; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên.Từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, doanh nghiệp và nhân dân, hệ thống các di tích, di sản văn hóa Quảng Ninh được đầu tư phục dựng, bảo vệ, phát huy.

Đến nay, toàn tỉnh đã có những công trình văn hóa đạt tiêu chuẩn quốc tế như: Bảo tàng – Thư viện, Công viên hoa Hạ Long, Quảng trường 30/10, Cột Đồng hồ, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh… Hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư đồng bộ đã rút ngắn khoảng cách, nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân giữa các vùng miền, địa phương trong tỉnh. Theo đó, thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện của 13 địa phương được xây mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp với tổng mức đầu tư gần 680 tỷ đồng; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao thôn, khu đạt trên 98%.

Bên cạnh đó, công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm chú trọng, như: Di sản Vịnh Hạ Long, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, di tích đền Cửa Ông và nhiều di tích danh thắng khác, với nguồn kinh phí gần 3.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đồng thời, việc đẩy mạnh lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới… sẽ tiếp tục góp phần đưa Quảng Ninh trở thành địa danh nổi tiếng toàn cầu, mở ra cơ hội lớn trong giao lưu, hội nhập, phát triển văn hóa, du lịch.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 600 di tích đã được kiểm kê, trên 100 di tích được xếp hạng, đặc biệt, tỉnh có 3 di tích được Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt là Vịnh Hạ Long, Yên Tử và di tích lịch sử Bạch Đằng. Những di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo ngày càng đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện để du khách gần xa tìm hiểu lịch sử, văn hóa và con người Quảng Ninh. Song song với đó, nhiều loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu của từng địa phương, từng vùng, các làng nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc thiểu số đã được phục dựng và phát huy giá trị như: Tục hát “đúm” trên biển làng chài Cửa Vạn; hát Nhà tơ, hát múa Cửa đình; lễ hội Cấp sắc của dân tộc Dao, lễ Đại phan của người Sán Dìu; lễ hội Xuống đồng; lễ hội Lồng Tồng…

Toàn tỉnh có 94% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 90% số thôn, bản, khu phố đạt chuẩn văn hóa; thu hẹp dần khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa giữa đô thị và nông thôn. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã giảm bớt đáng kể. 100% thôn, khu phố toàn tỉnh đã xây dựng quy ước, hương ước, cơ bản đảm bảo giải quyết được những vấn đề đặc thù của từng thôn, khu.

Hoạt động thể dục, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ; tỷ lệ dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên tăng từ 29% năm 2015 lên gần 40% năm 2020. Nhiều vận động viên tham gia đội tuyển quốc gia đoạt huy chương tại các giải khu vực và quốc tế; các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh phát triển mạnh, như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bơi, đua thuyền, pencak silat, cờ vua…. Toàn tỉnh hiện có trên 600 văn nghệ sĩ, hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật có nhiều khởi sắc; mỗi năm có hơn 500 buổi diễn văn nghệ quần chúng và hàng trăm buổi liên hoan, hội thi, hội diễn…

Đặc biệt tỉnh Quảng Ninh có bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại với các công trình nổi bật; đầu tư, tôn tạo, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các khu di tích đặc biệt quốc gia, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển. Công nghiệp văn hóa bước đầu được hình thành, xây dựng một số sản phẩm văn hóa đặc trưng, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa vẫn chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển bền vững. Để xác lập, định vị đặc trưng văn hóa, con người Quảng Ninh đòi hỏi tỉnh cần tiếp tục quan tâm hơn nữa. Trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng một môi trường văn hóa đặc trưng, đa dạng trong thống nhất của một vùng văn hóa giàu có và hội tụ nhiều giá trị cao đẹp; một môi trường sống an toàn, lành mạnh, hạnh phúc; xây dựng con người Quảng Ninh kết tinh những phẩm chất tốt đẹp về trí tuệ, kỷ luật và đồng tâm, văn minh và thân thiện…

Để đáp ứng được các mục tiêu đặt ra, tỉnh đang quyết liệt tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhóm giải pháp cơ bản. Trong đó đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc của tỉnh Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Cùng với đó là tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Theo Báo Quảng Ninh